Vào khoảng giữa tháng 8 - 10 âm lịch hàng năm, người dân thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) rộn ràng thu hoạch hồng Yên Du – giống quả không xa lạ với nhiều người tiêu dùng bởi hương vị đặc trưng, ngọt, giòn tan mà không nơi nào có được.
Với 600 gốc hồng từ 1-70 năm tuổi, ông Nguyễn Văn Hoàn tại thôn Yên Du phấn khởi vì năm nay hồng được mùa nên sai quả. Gia đình ông Hoàn ước tính được hơn 5 tấn hồng, thương lái đến mua tại vườn từ 35-40 ngàn đồng/kg, dự tính cuối vụ thu khoảng hơn 200 triệu đồng.
Hồng Yên Du được mùa được giá khiến nông dân Hà Tĩnh rất phấn khởi.
“Gia đình tôi trồng hồng từ rất lâu rồi, trước đây chủ yếu trồng làm cảnh và cho bóng mát nhưng những năm trở lại đây, cây hồng đem lại nguồn thu nhập khá nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư trồng thêm và chuyển đổi sản xuất cây hồng theo hướng hữu cơ.
Khoảng 10 năm trở lại đây hồng bán được giá nên ai cũng phấn khởi, mở rộng trồng thêm. Cây hồng trở thành nguồn thu nhập chính ở thôn này. Hồng không tốn công chăm sóc như các loại cây ăn quả khác, phân bón chủ yếu được bón khi trồng và lúc cây nhỏ, hàng năm chỉ bón bổ sung thêm để cây hồng phát triển", - ông nói.
Theo ông Hoàn, trước đây người ta chỉ trồng mỗi hộ một vài cây để gia đình sử dụng, tuy nhiên những năm gần đây giống hồng không hạt được người tiêu dùng ưa chuộng nên những người dân nơi đây đã phát triển kinh tế nhờ loại quả này.
Quả hồng Yên Du nổi tiếng với hương vị đặc trưng, ngọt, giòn tan mà không nơi nào có được.
Cây hồng có tuổi đời hàng chục năm sẽ cho thu hoạch trên 3 tạ quả, còn những gốc mới trồng 5 năm thì có khoảng 5-6kg.
Số lượng gốc hồng lớn, công chăm sóc nhàn, tuy nhiên, việc thu hái hồng khá khó khăn, với những cây cao trên 8m thì người hái phải đeo đai để tránh gặp sự cố khi hái.
Sau khi thu hoạch, người dân Yên Du ngâm quả hoàn toàn bằng nước lạnh, không sử dụng hóa chất để kích thích. Mỗi ngày phải thay nước một lần để quả không còn vị chát; ngâm 2 ngày 2 đêm rồi vớt quả ra, để ráo là có thể ăn được.
Người dân ngâm hồng bằng nước sạch, hoàn toàn không sử dụng hóa chất.
Với cách ngâm hồng truyền thống của người dân Yên Du, hồng ngâm được đảm bảo an toàn và giữ được nhiều giá trị dinh dưỡng, mang lại hương vị thơm ngon, giòn, ngọt.
Điều đặc biệt ở giống hồng này là không có hạt nên không thể ươm giống, phương pháp chiết hay ghép cành cũng kém hiệu quả. Vì vậy, các chủ vườn thường chặt rễ tách ra từ cây mẹ, sau đó đào hố sâu khoảng nửa mét, đổ phân chuồng xuống dưới để trồng.
Cây sau 5 năm cho quả bói, đến năm thứ 10 mới bắt đầu thu hoạch đại trà. Cây càng lâu năm thì sản lượng và năng suất càng cao.
Vụ mùa năm nay, người dân xã Đức Lĩnh ước tính thu hoạch khoảng 75 tấn hồng, thu về trên 2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, cho biết, cùng với thế mạnh về cam và chanh thì những năm qua, hồng Yên Du cũng trở thành cây trồng chủ lực, mang đặc trưng riêng của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Đức Lĩnh.
Rất nhiều người đến tận vườn để mua, bởi đối với họ đây là món quà từ thiên nhiên rất ngon và hấp dẫn người ăn, đặc biệt rất quý để làm quà cho những người con xa quê.
“Hiện nay, toàn thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh có hơn 50ha diện tích trồng hồng, thuộc 80 hộ trồng. Năm nay với thời tiết thuận lợi, hồng cho trái to, màu sắc đẹp, tổng sản lượng đạt khoảng hơn 70 tấn. Năm 2022, hồng Yên Du được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, giúp loại đặc sản này tiếp cận được nhiều khách hàng hơn", Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lĩnh chia sẻ thêm.