Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân D.V.H, 32 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội tới điều trị. Tình trạng anh H. ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tuy nhiên ngón 2 và ngón 3 bàn tay phải bị đứt lìa.
Các ngón tay của anh H. được nối liền lại sau ca phẫu thuật (Ảnh: BVCC)
Ngay lâp tức, anh H. được phẫu thuật cấp cứu nối lại ngón tay. Phải mất tới 8 giờ, hai ngón tay của anh H. mới được khâu liền lại, phần đầu chi, phần nối ghép hồng ấm, tưới máu tốt.
Theo ThS.BS Vũ Đức Tâm, công tác tại khoa Ngoại - Chấn thương, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật ghép ngón tay, đây là một kỹ thuật khá phức tạp. Việc cấp cứu phẫu thuật nối lại chi chỉ có thể thực hiện được ở những cơ sở có đầy đủ trang thiết bị cùng đội ngũ phẫu thuật gây mê có chuyên ngành sâu và nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khi gặp tai nạn đứt rời chi việc bảo quản chi đứt rời và cấp cứu rất quan trọng. Phần chi đứt rời phải được cho vào trong túi nilon được thổi phồng, sau đó đặt trong nước đá đúng quy cách.
Qua trường hợp của anh H., các bác sĩ khuyến cáo: Cách nhanh và đơn giản nhất để bảo quản phần chi bị đứt lìa trong lúc phải cấp cứu khẩn cấp là lấy miếng vải sạch, quần áo hoặc khăn, vải sạch bọc chi thể đứt rời lại rồi cho vào thùng nước đá và tới bệnh viện cấp cứu ngay lập tức mới có cơ hội nồi liền.
Video: Nghịch dưới gầm xe máy, bé trai bị xích cuốn đứt tay