Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nỗi giằng xé của bác sĩ khi giấu người bệnh bị ung thư

(VTC News) -

Biết tin mẹ bị ung thư, chị Hiền xin bác sĩ nói bà chỉ bị loét dạ dày để không suy sụp tinh thần, tránh bệnh tim của bà tái phát.

Đầu tháng 3/2024, bà Nguyễn Thị Thịnh (68 tuổi, Hà Nam) đau tức bụng, chán ăn, mệt mỏi, sụt 4 kg trong một tháng. Chị Nguyễn Hiền (con gái bà Thịnh) đưa lên Bệnh viện K khám.

Sau kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bà mắc ung thư dạ dày giai đoạn ba. Người con gái xin bác sĩ giấu kết quả, nói dối là chỉ bị loét dạ dày để bà không suy sụp tinh thần, không bỏ điều trị và tránh bệnh tim của bà tái phát.

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K chia sẻ, nguyên tắc của người thầy thuốc là không được giấu bệnh bởi họ có quyền được biết tình trạng của mình. Vì thế nghe mong muốn nhân đạo của người nhà, bác sĩ suy nghĩ rất nhiều.

Sau cùng, bác sĩ gật đầu đồng ý để bệnh nhân được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Anh nói với người bệnh đây là ca mổ nhỏ, giúp giải quyết ổ loét, song thực tế phải cắt 3/4 dạ dày do khối u lan rộng, kích thước lớn.

Bệnh nhân phải điều trị hóa chất để chặn khối u phát triển, di căn. Lúc này, điều trị hóa chất đóng vai trò sống còn với sinh mạng người bệnh, bác sĩ khuyên gia đình nói sự thật để bà được điều trị đúng phác đồ.

Đáp lại, gia đình tiếp tục xin bác sĩ giữ bí mật, đồng thời xin chuyển bà về tuyến tỉnh theo dõi. Chị Hiền nhờ bác sĩ giải thích cho mẹ rằng về bệnh viện tỉnh để truyền vitamin, dinh dưỡng giúp nâng cao thể trạng, thay vì nói thật là truyền hóa chất.

Nhìn bệnh nhân yếu ớt nằm trên giường, trên tay cắm ống truyền dịch, bác sĩ vừa lo lắng cho người bệnh, vừa thương xót người nhà, nhưng không muốn đi ngược lại với quy tắc của mình.

Nguyên tắc bác sĩ là không được giấu bệnh, song đôi khi trong hoàn cảnh đặc biệt, bác sĩ sẽ phải cân nhắc. (Ảnh minh hoạ)

Nguyên tắc bác sĩ là không được giấu bệnh, song đôi khi trong hoàn cảnh đặc biệt, bác sĩ sẽ phải cân nhắc. (Ảnh minh hoạ)

Nguyên tắc bác sĩ là không được giấu bệnh, song đôi khi trong hoàn cảnh đặc biệt, họ phải cân nhắc trước mong muốn nhân văn của người nhà. Đa phần người nhà xin bác sĩ nói giảm nhẹ tình trạng bệnh hoặc giấu bệnh án do không muốn người thân đau đớn, suy sụp, bỏ điều trị. Với họ đây cũng là cách để xoa dịu, ổn định tâm lý cho thân, số khác mong muốn giấu bệnh để người thân không từ bỏ điều trị.

Chữa ung thư không chỉ gồm mổ, xạ hóa trị, mà còn cần thay đổi lối sống. Nếu bệnh nhân không biết bản thân mắc bệnh, có thể vẫn duy trì các thói quen xấu như sinh hoạt thiếu điều độ, nghiện thuốc lá, uống rượu, sẽ khiến tình trạng bệnh chuyển biến xấu.

Cũng có trường hợp vô tình biết sự thật, người bệnh dễ bị sốc, đau đớn, khủng hoảng tâm lý, thậm chí chạy trốn bác sĩ để tìm phương pháp phản khoa học. Nhiều người không rõ tiên lượng của bản thân dẫn đến lơ là, chủ quan, không tin lời bác sĩ. Khi bệnh trở nặng, họ có xu hướng buông bỏ tính mạng.

Một số bệnh nhân lại bị ám ảnh, không tin bản thân đang cận kề phút sinh tử, đến cuối đời không được thanh thản. Với người ung thư giai đoạn cuối, tiên lượng dè dặt, việc biết sự thật giúp họ thu xếp thời gian còn lại hiệu quả và ý nghĩa nhất.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân có quyền biết tình trạng sức khỏe của mình, đó cũng là vũ khí để họ phối hợp với nhân viên y tế để việc điều trị hiệu quả. Kinh nghiệm của chuyên gia cho thấy, người có tâm lý vững vàng, khi biết sự thật họ sẽ sớm thích nghi hoàn cảnh, chiến đấu bệnh tật tốt hơn, thậm chí khỏi bệnh hoàn toàn.

Hiện tiến bộ y học giúp nhiều người chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như ung thư tuyến giáp, vú, tiền liệt tuyến, đại tràng.

Nhiều bệnh nhân ung thư chữa trị ổn định 10 năm, 20 năm, 30 năm. Người nhà nên tìm cách chia sẻ phù hợp, không nên thông báo đường đột cũng không giấu người bệnh.

Như Loan

Tin mới