Năm 2023, anh Bùi Văn Trọng (30 tuổi, Sơn La) đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Tháng 3/2024, anh mệt mỏi, suy kiệt, đi ngoài ra máu, sụt cân nên xin nghỉ làm đến bệnh viện khám thì phát hiện khối u ở đại tràng.
Anh Trọng quyết định về Việt Nam kiểm tra lại, nếu phải điều trị thì trong nước sẽ rẻ hơn. Ngồi ở hành lang chờ đến lượt, anh cầu mong “án tử” không gọi tên mình. Kết quả, anh mắc ung thư đại tràng giai đoạn ba, đã di căn. Nhận được tin dữ, anh không tin đây là sự thật.
Việc đầu tiên sau khi phát hiện bệnh, thay vì tìm phác đồ điều trị, anh lại “nài nỉ” bác sĩ giữ bí mật với người thân vì sợ trở thành gánh nặng và bị hàng xóm kỳ thị.
Những ngày sau đó, anh Trọng thường xuyên đi hóa trị một mình trong khi các bệnh nhân khác đều có người thân bên cạnh. Vừa đau đớn vì tác dụng phụ của những đợt hoá trị, vừa cô đơn, buồn tủi nhưng anh luôn tự nhủ phải cố gắng vượt qua bệnh tật để làm chỗ dựa cho bố mẹ lớn tuổi.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên toàn cầu. (Ảnh minh hoạ)
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K cho biết, hiện Việt Nam chưa thống kê những người mắc ung thư giấu bệnh, song trong quá trình tiếp nhận khám và điều trị, các bác sĩ gặp nhiều trường hợp như trên.
Điều trị ung thư rất tốn kém, nhất là khi sử dụng các thuốc mới, như thuốc đích và thuốc miễn dịch. Hiện, đa số thuốc chữa ung thư truyền thống như truyền hóa chất được bảo hiểm y tế chi trả nhưng nhiều tác dụng phụ.
Các thuốc mới có giá lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ cho nhiều đợt, khiến nhiều người bỏ cuộc. Những người giấu bệnh không muốn gia đình phải lo lắng, sợ trở thành gánh nặng tâm lý và kinh tế.
Nhiều bệnh nhân định kiến ung thư là án tử khiến họ suy nghĩ tiêu cực, giấu bệnh vì sợ bị kỳ thị. Một số người quan niệm, ung thư có thể lây nhiễm nên kiên quyết tránh xa người mắc. Nỗi sợ bị kỳ thị khiến các ca bệnh càng dễ bị stress dẫn đến tình trạng sức khỏe tồi tệ hơn.
Các chuyên gia y tế khuyên, người bị ung thư nên chia sẻ với gia đình để tìm được sự cảm thông, chia sẻ, không mù quáng tin các phương pháp điều trị truyền miệng, không có căn cứ khoa học. Ngoài ra, bác sĩ sẽ tìm cách trấn an tinh thần cho gia đình, giúp họ hiểu đầy đủ thông tin về bệnh để cùng nhau chiến đấu.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên toàn cầu, với hơn 300.000 người sống chung với bệnh, gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết mỗi năm.
Năm 2015, Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu George khảo sát tại 8 quốc gia với gần 10.000 bệnh nhân ung thư, 20% trong số đó ở Việt Nam. Kết quả 55% bệnh nhân gặp thảm họa tài chính và tử vong trong vòng một năm sau khi phát hiện bệnh. Sau 12 tháng điều trị, 66% người bệnh phải đi vay tiền chữa tiếp tục, 34% không đủ tiền mua thuốc, 24% khánh kiệt kinh tế gia đình.
Các tiến bộ y học ngày nay giúp nhiều người chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại ung thư, tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng.