Ninh Thuận được xem là vùng đất có nhiều tiềm năng và thế mạnh để có thể khai thác và thu hút đầu tư. Trong đó, 3 nhóm kinh tế gồm nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và dịch vụ, chính là những hạt nhân quan trọng, trong việc đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh đi đầu về phát triển kinh tế theo chiều sâu, tạo ra được giá trị lớn cho tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung.
Biến vùng đất khô cằn thành mảng xanh
Vườn măng tây xanh của bà con ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Mỗi ngày, ông Lộ Trung Tài, ở xã An Hải, huyện Ninh Phước đều thu vào nửa triệu đồng, từ 1 sào trồng cây măng tây xanh. Mấy năm nay, nhờ loại cây trồng này mà ông và bà con đồng bào dân tộc Chăm ở đây có cuộc sống no ấm. Thậm chí, nhiều hộ phất lên giàu có. Theo lời kể của ông Tài, khu bãi ngang xã An Hải, trước kia chỉ là vùng bán sa mạc, tình trạng cát bay, cát nhảy luôn xảy ra mọi năm. Trồng cây nào cũng không phù hợp. Nhưng sau đó, nhờ sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, mang giống măng tây xanh về trồng trên đất này, kể từ đó cuộc sống của họ bước sang một trang mới. “Cây măng tây xanh này phát triển rất tốt trên đất cát ở đây. Sáng mở mắt ra là có tiền. Chưa có cây nào mang lại giá trị kinh tế cao như măng tây. Bà con nói chung rất phấn khởi", ông Tài thổ lộ.
Hiện nay, trên 6000 m2, mỗi tháng ông thu được 15 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình còn lời 10 triệu đồng. Tại xã An Hải đã có một HTX với 67 thành viên trồng cây măng tây xanh. Nhiều năm qua, nhằm thu hút đầu, tỉnh còn tạo các cơ chế chính sách hỗ trợ HTX mua cây giống, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, để phát triển thành mô hình cánh đồng mẫu lớn, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX Dịch vụ Tuấn Tú cho biết, theo chủ trương của UBND tỉnh sẽ phủ xanh toàn bộ diện tích ở đây. Hiện tại đã có 35 ha trồng măng tây xanh. Dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục có 170 ha nữa sẽ được tận dụng để trồng.
Đối với các cây trồng chủ lực, vốn đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường như nho hay táo, thì tỉnh này cũng đang tập trung hướng các công ty, HTX và nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nâng cao chất lượng sản phẩm lên một tầm mới, hướng đến việc mở rộng thị trường tiêu thụ, vươn xa ra thế giới. Như cây táo, hiện nay bà con đã dần chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang VietGAP, GlobalGAP hay hữu cơ. “Tại farm nắng và gió, chúng tôi trồng táo theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tức là không can thiệp phân bón hay thuốc hoá học vào vườn. Hoàn toàn để tự nhiên. Áp dụng các giải pháp như bọc vườn bằng lưới chống ruồi đục trái, để cỏ lại trong vườn để làm thảm thực vật cho cây”, anh Hoàng Xuân Hậu, Giám đốc Công ty cổ phần Nắng và Gió tỉnh Ninh Thuận chia sẻ.
Vườn táo được bao lưới để ngăn côn trùng tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận
Ông Nguyễn Như Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận hiện có hơn 79 ngàn ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Với định hướng sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung và công nghệ cao nên sắp tới sẽ có khoảng 2 ngàn ha được quy hoạch để phát triển theo hướng nà và gắn với chuỗi giá trị nông sản của tỉnh.
Tín hiệu đáng mừng là tỉnh Ninh Thuận đã “mở đường” mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến. Cùng với đó, Ninh Thuận cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh gắn với các cụm liên kết ngành hàng theo chuỗi giá trị.
Công nghiệp năng lượng và dịch vụ là điểm sáng của kinh tế tỉnh Ninh Thuận
Về công nghiệp năng lượng, Ninh Thuận có lợi thế để phát triển điện gió và năng lượng mặt trời. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5m/s, đây là điều kiện lý tưởng để phát triển điện gió. Ngoài ra, với số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước, khoảng 7,7 giờ mỗi ngày, Ninh Thuận cũng là địa bàn lý tưởng phát triển năng lượng mặt trời.
Nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tại Ninh Thuận
Báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, các dự án năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành thương mại nên giá trị sản xuất ngành điện tăng cao, đóng góp năng lực tăng thêm cho ngành công nghiệp. Trong đó, sản lượng điện mặt trời, điện gió ước đạt trên 1,4 tỷ kWh, tăng hơn 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2019. Ông Phạm Công Thành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia thì tổng công suất nguồn điện từ năng lượng điện mặt trời và điện gió là trên 20 ngàn MW. Chiếm 1/3 tổng công suất lắp đặt của cả nước.
Về năng lượng điện mặt trời, tháng 10 năm 2020, dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW lớn nhất nước và khu vực Đông Nam Á, cùng hệ thống trạm biến áp, truyền tải 500 kV, 220 kV đầu tiên đã đi vào hoạt động tại tỉnh Ninh Thuận, kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Dự án được triển khai trên diện tích 557,09ha, Công trình sử dụng 1,4 triệu tấm pin, hơn 100 ngàn tấn thép, lắp gần 8,5 triệu mét dây và cáp điện. Ngoài việc khai thác hơn 1 tỉ kWh từ nguồn năng lượng này, dự án còn góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và duyên hải Nam Trung Bộ.
Ninh Thuận cũng là tỉnh đi đầu về phát triển điện gió. Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2015 - 2020 tầm nhìn 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tỉnh sẽ phát triển các dự án điện gió, với tổng công suất 1.429 MW. Tỉnh này đang tập trung đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo khung quy định của Chính phủ. “Việc đầu tư vào mảng năng lượng mặt trời và gió, có tính khả thi rất cao. Thể hiện qua các chỉ số hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn chúng tôi. Doanh thu đạt theo đúng yêu cầu ban đầu. Hiện nay, hầu hết các dự án đều đang được các ngân hàng rất quan tâm hỗ trợ tài chính”, Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Phó tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết.
TTC Resort điểm nhấn về dịch vụ du lịch biển tại Ninh Thuận
Song song đó, ngành dịch vụ gắn du lịch biển cũng sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, không thể thiếu để đưa Ninh Thuận lên một vị thế mới. Tỉnh này đang có 61 dự án đầu tư về du lịch nghỉ dưỡng với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng. Ninh Thuận đang đón nhận những sản phẩm nghỉ dưỡng mới, vốn chưa hiện diện tại thị trường Việt Nam. Song song phát triển cơ sở hạ tầng, thì các dịch vụ kèm theo cũng được các nhà đầu tư quan tâm và khai thác.
Các nhà kinh tế đánh giá, những tiềm năng và thế mạnh về dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp của tỉnh Ninh Thuận là rất lớn. Và một khi đi vào hoạt động, các ngành này sẽ có sự tác động tích cực đến kinh tế, xã hội của tỉnh. Đồng thời, kéo theo các lĩnh vực ngành nghề như: bất động sản, giải trí, giáo dục, y tế… phát triển. Theo báo cáo, năm 2019, riêng các ngành công nghiệp – xây dựng đã có tốc độ tăng tới 39,7%, nằm trong top 5 của cả nước. Đặc biệt, thu ngân sách của tỉnh từ hoạt động đầu tư, xây dựng sản xuất của dự án năng lượng đã đạt hơn 4.300 tỷ đồng, vượt trước một năm chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra là 3.000 tỷ vào năm 2020.