Một trong số những điểm đến hút khách vài năm trở lại đây là Mũi Dinh nằm ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Với phong cảnh hoang sơ, những núi đá nhấp nhô, bãi biển đẹp đến nao lòng, đồi cát vàng đầy nắng, gió và ngọn hải đăng hơn trăm năm tuổi đứng sừng sững giữa biển trời, soi đường chỉ lối cho những con tài vượt sóng trùng khơi.
Điểm du lịch còn vô cùng nguyên sơ
Thuộc thôn Sơn hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, nằm giữa tam giác du lịch nổi tiếng Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận) và Đà Lạt (Lâm Đồng), Mũi Dinh có hình dáng tựa mỏ đại bàng với hai cánh sải rộng, nối vùng biển Cà Ná và đồi cát Vĩnh Trường.
Mũi Dinh – Ninh Thuận.
Tuy chỉ cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm gần 40km về phía Nam và cách quốc lộ 1A chừng 10km về phía Đông nhưng do vị trí hẻo lánh cùng đường đi lại không thuận tiện, Mũi Dinh trong thời gian dài không được du khách biết đến.
Khi cung đường DT 701 được xây dựng nối Cà Ná với Mũi Dinh thì địa điểm này mới được biết đến như một điểm du lịch đầy tiềm năng của tỉnh Ninh Thuận.
Điểm thu hút nhất trong hành trình đến Mũi Dinh là những đồi cát rộng đến hàng ngàn hecta. Đây là hệ quả của những thảo nguyên đang dần bị sa mạc hóa. Dưới chân những đồi cát vẫn còn lại những thảo nguyên với thảm cỏ xanh mơn mởn.
Người dân Sơn Hải – Mũi Dinh làm du lịch
Nếu như Mũi Dinh cách đây 4 năm, đánh cá và chăn nuôi được xem là nghề chính thì nay khi nơi này ngày càng có nhiều người biết đến, người dân Sơn Hải đã học cách làm du lịch...
Gia đình anh Sơn cho biết, điểm đặc biệt ở Mũi Dinh là có cát đồi cát bao quanh, muốn di chuyển đến bãi tắm du khách phải băng qua dải “bán sa mac” chừng hơn 1 cây số, vì thế gia đình anh quyết định đầu tư các phương tiện như xe máy cày để chở khách.
Khu Bãi Tràng.
Mỗi một chuyến đưa du khách vào, ra Bãi Tràng sẽ có giá 300 ngàn đồng, bất kể là mùa cao điểm hay thấp điểm của du lịch. “Mùa nào cũng giá đó, đông khách hay ít khách cũng vậy. Khách họ vô chủ yếu là chụp hình, tắm biển, ăn hải sản, lúc nào xong họ gọi mình xuống đón. Mùa hè có ngày cũng được hơn 2 triệu”, anh Sơn chia sẻ.
Điểm ấn tượng nữa khi du khách đến với Mũi Dinh chính là Bãi Tràng. Một làng chài nhỏ nằm dưới chân núi, nơi có bãi biển nhỏ trong xanh, sạch đẹp rất được lòng du khách.
Khu Bãi Tràng có khoảng 30 hộ dân sinh sống bằng nghề chài lưới, chăn nuôi dê.
2, 3 năm trở lại đây, khi ngày càng có nhiều khách du lịch biết đến Mũi Dinh, người dân cũng dựng quán bán thức ăn, hải sản phục vụ du khách.
Bà Nguyễn Thị Sửu, chủ một quán ăn ở đây cho biết, bà con ở đây mua bán giá rất bình dân, không dám chặt chém như các nơi khác. Khách muốn ăn gì, nấu ra sao quán sẽ phục vụ hết mình. Bởi ở đây chủ yếu là ngư dân, đời sống chất phác, lam lũ từ đó giờ.
“Mình người dân sống lâu dài ở đây mà, chặt chém thì ai họ xuống nữa. Ví dụ ở đây tùy theo mùa, giá cá giá tôm có dao động lên xuống đôi chút nhưng bà con ở đây cũng tính toán làm sao khách họ vừa túi tiền mà mình có có chút đỉnh lời. Mình làm nhưng mà còn để du khách người ta quay lại nữa”, bà Sửu chia sẻ.
Ngọn hải đăng Mũi Dinh hơn trăm năm tuổi
Đến Mũi Dinh mà du khách chưa lên ngắm hải đăng thì chưa được gọi là đến Mũi Dinh.
Hải đăng Mũi Dinh – điểm nhấn vô cùng đặc biệt đứng sừng sững giữa biển trời, soi đường cho tàu thuyền qua lại trong khu vực. Đây cũng là điểm hút khách nhất khi đến với nơi này.
Hải đăng Mũi Dinh.
Hành trình chinh phục ngọn hải đăng Mũi Dinh phải vượt qua con dốc khúc khuỷu dài chừng 1km gần như dựng đứng, du khách phải mất chừng 20 phút đi bộ khá vất vả hoặc có thể thuê một cuốc xe ôm lên núi chỉ với giá 50 ngàn đồng/người hai chiều lên, xuống. Phần thưởng sẽ rất xứng đáng khi được tiếp cận với bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và hùng vỹ.
Hải đăng Mũi Dinh là một trong ba ngọn hải đăng nằm trên đường hàng hải quốc tế. Giống với hải đăng Kê Gà hay hải đăng Đại Lãnh của Phú yên, hải đăng Mũi Dinh cũng do chính tay người Pháp xây dựng. Ngọn đèn biển này được chính thức đưa vào sử dụng vào năm 1904, khi toàn quyền Đông Dương Pôn Bô ký lệnh xây đèn biển Mũi Dinh phục vụ những chuyến hải trình ở khu vực. Ngọn hải đăng cao 18m, được làm hoàn toàn bằng đá Granit vững chãi.
Với tầm chiếu sáng bán kính khoảng 30 hải lý, đèn biển Mũi Dinh không đơn thuần là một mắt đêm chỉ hướng đất liền cho tàu thuyền từ Phan Rang đến Tuy Phong, mà còn là một công trình kiến trúc xưa khá ấn tượng...
“Phải nói là biển ở đây không những sạch sẽ mà khung cảnh cũng quá tuyệt vời. Mình chụp ảnh hay làm cái gì cũng thấy đẹp. Chắc chắn là tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè tới đây nữa”, ông Trần Thê – Một khách du lịch hào hững chia sẻ.
Nhiều dự án, khu du lịch tầm cỡ
Đi đầu trong việc đánh thức tiềm năng du lịch Mũi Dinh phải kể đến Khu du lịch Tanyoli-Mũi Dinh. Tanyoli có tổng diện tích trên 15ha, là khu du lịch dã ngoại, thể thao, giải trí vô cùng thích hợp cho các hoạt động thử thách, trải nghiệm, khám phá, đặc biệt là các hoạt động team building.
Các trò chơi như: đua xe mô tô tự lái, tham quan đồi cát bằng xe địa hình, trượt cỏ, chèo xuống kayak, lặn biển ngắm san hô, cắm trại trên thảo nguyên hoặc thử cảm giác lạ khi sống trong những chiếc lều mô phỏng kiểu lều của những người du mục Mông Cổ là những hoạt động được du khách rất ưa chuộng.
Dự án Mũi Dinh – Ecopark Ninh Thuận
Bên cạnh các dự án khác đã đi vào hoạt động thành công, hiện nay đã có một số dự án đầu tư du lịch tầm cỡ tại Mũi Dinh, điển hình phải kể đến Mũi Dinh Ecopark.
Dự án này trải rộng trên diện tích hơn 700ha dọc bờ biển Ninh Thuận với quy mô bao gồm bảy khách sạn, công viên giải trí, sòng bạc, câu lạc bộ bãi biển, câu lạc bộ trên núi và 500 biệt thự hướng biển.
Dự án Mũi Dinh Ecopark mang dáng dấp của một khu đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường. Nằm ở địa thế vô cùng đắc địa, Mũi Dinh Ecopark Ninh Thuận trải dài trên nhiều địa hình khác nhau, với biển xanh bao bọc xung quanh, vị trí vừa gần hồ, vừa gần núi, mật độ xây dựng thông thoáng.
Khu nghỉ dưỡng Mũi Dinh Ecopark ra đời sẽ đón đầu lượng khách du lịch, góp phần đưa du lịch Mũi Dinh nói riêng và Ninh Thuận nói chung trở thành miền đất thu hút du khách trong nước và quốc tế trong một vài năm tới.
Ông Phạm Văn Thành - Đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cho biết, nằm trong dải đất miền Trung, Ninh Thuận được thiên nhiên ưu đãi, có dải bờ biển được đánh giá là đẹp của khu vực và thế giới. Do đó để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển, trong đó có Mũi Dinh, thời gian qua, tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có rất nhiều chủ trương, cấp phép cho các dự án du lịch lớn, các resort… Hy vọng thời gian tới du lịch biển nói riêng và du lịch của tỉnh nói chung sẽ phát triển xứng tầm.
Nhằm thu hút đầu tư, Ninh Thuận đã áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư ở khung cao nhất theo quy định của pháp luật.
Chính những quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh đã khiến Ninh Thuận trở thành “miền đất hứa” đang từng ngày vẫy gọi các nhà đầu tư.