Bệnh nhân rách tay, bác sĩ chỉ định khâu 'vùng kín': Lỗi do đánh máy
Ngày 28/10/2017, một thanh niên đến Bệnh viện Đa khoa Huyện Thạch Thất, Hà Nội để khám do bị thương ở tay. Bất ngờ thay anh này nhận được tờ phiếu chỉ định chữa trị với nội dung "khâu âm hộ, âm đạo".
Rất may, bác sĩ đã kịp thời phát hiện đây là lỗi đánh máy và yêu cầu sửa lại đơn điều trị. Anh thanh niên cũng đã được khâu đúng chỗ và xuất viện về nhà.
Quá bất ngờ và buồn cười với cách chữa trị oái oăm này, anh chàng đã đăng tải câu chuyện này lên mạng xã hội Facebook.
Ông lão gãy xương, được kê đơn chữa viêm phế quản: Sửa từ hồ sơ của bệnh nhân khác
Ngày 23/8, ông N.D.T, 80 tuổi (Hà Tĩnh) phản ánh về việc bị gãy xương nhưng khi đến Bệnh viện đa khoa thị xã Hồng Lĩnh kiểm tra lại được chẩn đoán... loãng xương sau mãn kinh.
Kết quả chụp X-quang của ông T. mô tả tổn thương là “gãy rạn xương sườn 7 trên đường nách trái, tim không to, rốn phổi đậm”.
Sau khi được bác sĩ kê đơn thuốc và về nhà. Người thân của ông T. tá hỏa trước phần chẩn đoán của bác sĩ điều trị Nguyễn Viết Hà (Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh). Theo đó, ông T. được xác định mắc “viêm phế quản cấp”, kèm theo mô tả “chấn thương ngực/ thiếu máu, thiếu vitamin C/ loãng xương sau mãn kinh có kèm gãy xương bệnh lý”.
Bác sĩ Hà sau đó đã đính chính đây là kết quả của một bệnh nhân nữ trước đó được lưu lại trong máy tính. Y tá đã lấy mẫu này sửa lại nhưng xóa không hết, gây ra hiểu nhầm.
Theo tờ chẩn đoán, ông T. được xác định mắc “viêm phế quản cấp”, kèm theo mô tả “chấn thương ngực/ thiếu máu, thiếu vitamin C/ loãng xương sau mãn kinh có kèm gãy xương bệnh lý”.
Liệt chân trái, mổ chân phải: Bác sĩ không đọc bệnh án
Không may mắn như hai trường hợp trên. Bệnh nhân Trần Văn Thao, 37 tuổi (Ứng Hòa, Hà Nội) được chẩn đoán liệt thần kinh chày trước chân trái. Tuy nhiên trong quá trình mổ, anh Thao lại được bác sĩ tại khoa Chấn thương 3 – Bệnh viện Việt Đức mổ chân cho chân….phải.
Ngày 19/7/2016, bác sĩ Phan Văn Hậu (trực tiếp mổ cho anh Thao) thừa nhận không đọc bênh án nên đã phẫu thuật cắt gân chân phải và chuyển gân chày sau ra mu trước bàn chân. Sau khi phát hiện mổ nhầm, bác sĩ Hậu đã quay lại mổ hoàn thiện chân bên trái.
Thậm chí trước khi mổ chân trái như đúng chỉ định, cán bộ bệnh viện đã yêu cầu người nhà đóng thêm tiền để thực hiện phẫu thuật.
Chân phải bệnh nhân Nguyễn Văn Thảo (37 tuổi, trú huyện Ứng Hoà) bị mổ nhầm do bác sĩ bệnh viện Việt Đức không đọc bệnh án.
Nữ sinh lớp 10 hoại tử chân do bó bột: Bệnh viện tắc trách
Trưa ngày 6/3/2016, em Lê Thị Hà Vi, học sinh lớp 10 (huyện Cư Kuin) trên đường đi học về thì bị tai nạn giao thông và được người dân đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin cấp cứu.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày bên phải và tiến hành bó bột. Đến tối, Vi kêu đau và bị tê chân, phần dưới không còn cảm giác. Tuy nhiên, các bác sĩ không thăm khám mà chỉ bảo bị thương nhẹ, không sao.
2 ngày sau (ngày 8/3), thấy chân Vi xuất hiện nhiều vết bỏng, sưng vù, gia đình yêu cầu chuyển viện và tháo bột nhưng các bác sĩ vẫn giữ lại để điều trị.
Ngày 11/3, Vi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, các bác sĩ chuẩn đoán chân em Vi bị hoại tử có nguy cơ phải cưa chân và cho chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cấp cứu.
Một bên chân của Vi bị hoại tử do sự tắc trách của bác sĩ nên em phải chấp nhận cưa bỏ
Đau tay phải, cắm đinh tay trái: 4 tháng sau mới phát hiện
Ngày 17/2/2016, bé Phạm Thành Luân, 6 tuổi (Hà Tĩnh) bị ngã gãy tay phải, bé được gia đình đưa vào Bệnh viện 115 Nghệ An chữa trị. Tại đây, các bác sĩ đã phẫu thuật nắn xương trụ thẳng lại rồi đóng đinh cố định ở cổ tay và hẹn sau 3 tháng quay lại mổ lấy đinh ra.
Ngày 15/6, bé Luân được mẹ đưa đến bệnh viện mổ lấy đinh. Tuy nhiên, sau ca mổ, gia đình rất bất ngờ khi cả hai bên tay phải và trái của con đều băng bó.
Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An giải thích, do bác sĩ phẫu thuật không kiểm tra lại mà mổ luôn tay trái của bé Luân, đến khi không tìm thấy đinh mới phát hiện ra mổ nhầm tay và phải mổ lại.
Bé T.A.Đ. sau ca mổ cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa
Mổ nhầm chân cho bé 6 tuổi: Bác sĩ giao cho người khác mổ
Ngày 27/7/2015 bé Lê Nguyễn Quốc Hào, 6 tuổi (Vĩnh Long) nhập viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, em được chẩn đoán bị u bao hoạt dịch khoeo chân trái.
Tuy nhiên, sau đó, cha của bé Hào đã trực tiếp đến bệnh viện phải ánh về việc Hào được chỉ định mổ chân trái nhưng bác sĩ mổ chân phải.
Ngày 7.8, bác sĩ Nguyễn Thành Nhôm, Giám đốc Bệnh viện, thừa nhận bé Hào được chẩn đoán bị u bao hoạt dịch ở cả 2 chân; chân trái to hơn nên chỉ định mổ chân trái.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân là người ban đầu được chỉ định mổ ca của bé Hào, nhưng do có ca mổ ruột thừa đột xuất, ca của bé Hào được giao cho bác sĩ khác.
Tìm lại lịch sử của ngành y trong những năm vừa qua, không khó để tìm thấy những vụ chẩn đoán, chữa trị nhầm với những lí do rất “trời ơi đất hỡi”. Thiết nghĩ, thay vì viện lí do, nếu bác sĩ dũng cảm đối mặt với sai lầm và có trách nhiệm hơn thì tình trạng trên sẽ được cải thiện.
Video: Bác sĩ đang đỡ đẻ cũng trở dạ sinh con luôn