Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những tình tiết đáng chú ý trong ngày thứ 2 xét xử đại án Gang thép Thái Nguyên

(VTC News) -

Đại diện TISCO cho biết số tiền 830 tỷ đồng chưa phải thiệt hại cuối cùng đối với doanh nghiệp này, còn cựu chủ tịch Tổng công ty Thép VN phủ nhận tẩu tán tài sản.

Ngày làm việc thứ 2 (13/4), TAND TP Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi đối với 19 bị cáo cùng những người tham gia tố tụng khác trong vụ án gây thất thoát 830 tỷ đồng xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Trong phần xét hỏi này, HĐXX cùng VKS và các luật sư đặt câu hỏi làm rõ thêm nhiều vấn đề trong vụ án, có những chi tiết đáng chú ý được nhiều người quan tâm.

830 tỷ đồng chưa phải thiệt hại cuối cùng

Người đại diện của TISCO cho biết, việc các bị cáo chấp thuận tăng giá hợp đồng EPC và chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực khiến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh lãi vay các ngân hàng VDB và Viettinbank, gây thiệt hại 830 tỷ đồng cho TISCO. Tuy nhiên, đây là tiền lãi trả cho ngân hàng nhưng dự án đang triển khai nên chưa biết thiệt hại cuối cùng.

Về số tiền thiệt hại 830 tỷ đồng của TISCO, vị đại diện doanh nghiệp này cho biết, trước đây TISCO không có đơn yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại và đến hôm nay cũng không có đơn, việc xét xử hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan tố tụng.

Người đại diện của TISCO trả lời câu hỏi của luật sư.

Hợp đồng EPC số 01# mà TISCO ký với Tập đoàn Khoa học công nghệ luyện kim Trung Quốc (MCC) có giá trị 160 triệu USD. Tính đến 31/12/2018, TISCO đầu tư vào đây hơn 4.400 tỷ đồng, trong đó vốn vay VDB là 1.400 tỷ đồng, vay Vietinbank 1.600 tỷ đồng.

Luật sư Trương Anh Tú đặt câu hỏi: "Tổng số tiền có trong tay là 4.400 tỷ đồng, mới tiêu hết 2.111 tỷ đồng, vậy số tiền 2.300 tỷ đồng còn lại đang ở đâu?"

Vị đại diện TISCO trả lời: "Toàn bộ dự án chia làm 3 phần E, P, C và TISCO đã thanh toán trên 90% của tất cả các hợp đồng. Hiện TISCO và MCC vẫn đang đàm phán thực hiện các phần còn lại mà MCC chưa thực hiện".

Bên cạnh đó, đại diện TISCO cho biết thêm, doanh nghiệp này đang yêu cầu MCC tiếp tục triển khai xây dựng dự án này theo đúng hợp đồng EPC đã ký.

"Căn cứ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, TISCO tiếp tục yêu cầu MCC triển khai thực hiện hợp đồng EPC vì MCC còn nhiều vướng mắc, vi phạm theo kết luận. Từ ngày 29/3/2021, chúng tôi đã khởi động lại đàm phán để MCC tiếp tục thực hiện dự án chứ chưa chấm dứt hợp đồng", đại diện TISCO nói.

Cựu Chủ tịch VNS phủ nhận tẩu tán tài sản

Đáng chú ý, trong phần trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa, bị cáo Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty thép Việt Nam - VNS) cho rằng, việc chuyển giao căn nhà duy nhất của vợ chồng bị cáo cho con không phải là tẩu tán tài sản. "Vợ chồng tôi có 1 căn hộ, đến lúc vợ ốm nên chuyển cho con gái để sau này mất đi có người hương khói", bị cáo này trình bày.

Đồng thời, vị cựu Chủ tịch VNS cho rằng, cơ quan điều tra cáo buộc bị cáo là người chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội là hơi nặng. Với vai trò Chủ tịch HĐQT VNS, bị cáo Tinh thừa nhận có trách nhiệm nhưng sai sót là do thiếu cặn kẽ, "quá tin tưởng vào anh em".

Về việc giới thiệu Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C ở hợp đồng EPC số 01#, bị cáo Mai Văn Tinh cho hay, bản thân làm theo sự chỉ đạo của cấp trên.

Bị cáo Mai Văn Tinh. (Ảnh: TTXVN)

Theo cựu Chủ tịch HĐQT VNS, VINAINCON thời điểm đó là tốt nhất, đơn vị này trước đó là nguyên thể của 3 công ty. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng có văn bản giới thiệu VINAINCON. Thẩm quyền chọn nhà thầu phụ thuộc quyền của tổng thầu MCC.

Nhà thầu do Bộ Công Thương giới thiệu bộc lộ yếu kém

Trả lời câu hỏi của luật sư Đinh Anh Tuấn (người bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Mừng), bị cáo Đồng Quang Dương (cựu Phó Giám đốc kiêm Thư ký Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, TISCO) trình bày quan điểm của mình về nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ.

Theo bị cáo Đồng Quang Dương, dưới góc độ thư ký của dự án, bị cáo nhận thấy năng lực của VINAINCON thời điểm được giới thiệu cho MCC là đảm bảo yêu cầu để thực hiện phần C của dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công thực tế, VINAINCON bộc lộ một số yếu kém như lực lượng thi công không đủ. "Tổng thầu yêu cầu có những hạng mục phải cần khoảng 1.500 đến 1.700 người, nhưng thực tế nhà thầu VINAINCON chỉ có 300 người. Tôi cho đó là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ tiến độ với nhà thầu VINAINCON", bị cáo Dương dẫn chứng.

Đối với các nhà thầu khác, cựu Phó Giám đốc kiêm Thư ký Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, TISCO cho rằng, bản thân lúc đó đã ra khỏi dự án nên không nắm được.

Theo cáo trạng, dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO được triển khai năm 2007 và do Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) chỉ đạo, kiểm soát; đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

TISCO ký với MCC hợp đồng EPC trị giá hơn 160 triệu USD, trong đó phần E (thiết kế) trị giá hơn 3 triệu USD, phần P (cung cấp thiết bị) giá gần 115 triệu USD và phần C (xây lắp) trị giá hơn 42 triệu USD.

Nội dung hợp đồng EPC thể hiện, MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao công nghệ, sửa chữa lỗi nếu có trong vòng 30 tháng. Tuy nhiên, MCC sau đó không thi công và đòi tăng giá.

Các bị cáo tại TISCO và VNS chấp thuận yêu cầu này đồng thời giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C.

Ngoài ra, phần C bị chuyển từ hợp đồng trọn gói (không đổi giá trị) sang hợp đồng theo đơn giá (giá hợp đồng thay đổi theo thời gian). Đến năm 2011, VINAINCON dừng thi công do không đủ năng lực nên dự án của TISCO bị tạm dừng đến nay.

Cơ quan truy tố cho rằng, việc các bị cáo chấp thuận tăng giá hợp đồng EPC và chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực khiến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh lãi vay gây thiệt hại 830 tỷ đồng.

Tùng Lâm

Tin mới