Chiến lược “kiểm soát và ngăn chặn tối đa” dịch bệnh hay còn được biết đến là chiến lược "zero COVID" (đưa số ca mắc COVID-19 về 0) liên quan đến việc sử dụng các biện pháp y tế công cộng như truy vết tiếp xúc, xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa để ngăn chặn sự lây truyền của COVID-19 trong cộng đồng, với mục tiêu đưa số ca mắc bệnh về 0 và nối lại các hoạt động kinh tế và xã hội.
Chiến lược zero COVID bao gồm hai giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn ngăn chặn ban đầu, khi đó dịch bệnh được đẩy lùi bằng các biện pháp y tế công cộng. Thứ hai là giai đoạn ngăn chặn bền vững, trong đó các hoạt động kinh tế và xã hội diễn ra bình thường và các biện pháp y tế công cộng vẫn được thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng hơn.
Chiến lược này đã được sử dụng ở các mức độ khác nhau ở Australia, Canada, Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand, Singapore, Scotland, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Tonga. Hiện tại, chỉ còn Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Western Australia (Australia) vẫn đang kiên định với chiến lược zero COVID nghiêm ngặt này.
Trung Quốc đại lục
Những bệnh nhân nhiễm virus đầu tiên trên thế giới được phát hiện vào cuối tháng 12/2019 ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và đợt bùng phát dịch đầu tiên được thông báo vào ngày 31/12/2019.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)
Ngày 23/1/2020, chính phủ Trung Quốc cấm di chuyển đến và đi từ Vũ Hán, đồng thời bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở Vũ Hán và các thành phố khác trên khắp Trung Quốc. Các biện pháp này đã ngăn chặn sự lây truyền của virus, giúp giảm số ca mắc bệnh xuống gần bằng 0.
Sau khi ngăn chặn đợt bùng phát ban đầu ở Vũ Hán, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho rằng, việc xác định những ca nhiễm bệnh, truy vết tiếp xúc và cách ly những người tiếp xúc gần, là một chiến lược có hiệu quả. CDC Trung Quốc giải thích rằng mục tiêu chiến lược hiện tại là duy trì số ca mắc bệnh bằng 0 hoặc giữ sự lây truyền SARS-CoV-2 ở mức tối thiểu cho đến khi người dân được tiêm chủng.
Kể từ khi đợt bùng phát ở Vũ Hán kết thúc, đã có thêm những đợt bùng phát nhỏ hơn do các ca bệnh đến từ nước ngoài, được kiểm soát bằng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại địa phương trong thời gian ngắn.
Đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch cứng rắn, truy vết tận gốc và cách ly tất cả người nhiễm virus giúp duy trì số ca bệnh ở mức thấp nhất, bảo vệ hầu hết các bệnh viện khỏi quá tải và ngăn chặn những ca tử vong.
Thậm chí, nếu ghi nhận chỉ một hoặc vài ca nhiễm SARS-CoV-2, Trung Quốc vẫn có thể phong tỏa toàn bộ một thành phố nào đó, theo sau đó là nhiều đợt xét nghiệm PCR cho đến khi không còn ca mắc bệnh trong cộng đồng.
Hiện nay, Trung Quốc chưa cho thấy dấu hiệu sẽ từ bỏ chiến lược zero COVID. Theo Chen Zhengming, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford (Anh), Trung Quốc sẽ không mở cửa trở lại trong một năm nữa.
“Tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc rất cao, nhưng nếu không bao phủ đủ mũi tăng cường và tình hình dịch ở những nơi khác không thay đổi đáng kể, tôi nghĩ khả năng Trung Quốc mở cửa trở lại và từ bỏ zero COVID là thấp”, ông Chen Zhengming giải thích.
Hong Kong (Trung Quốc)
Cùng với Trung Quốc đại lục, Hong Kong là một trong những nơi ít ỏi trên thế giới vẫn theo đuổi chính sách zero COVID. Giới chức Hong Kong cho biết, ưu tiên của thành phố này là mở cửa trở lại biên giới với đại lục, không phải là phần còn lại của thế giới.
Điều này đồng nghĩa với việc hầu hết những người không phải là công dân Hong Kong không được phép nhập cảnh, trong khi gần như hầu hết những người đến từ nước ngoài phải cách ly 21 ngày, kể cả khi đã được tiêm chủng đầy đủ.
Khi Omicron xuất hiện, Hong Kong đã áp đặt hàng loạt lệnh cấm bay và gia hạn các biện pháp hạn chế đến ngày 3/2 nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới. Ngoài ra, kế hoạch tổ chức các hội chợ Tết, một nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân ở Hong Kong, cũng bị hủy bỏ.
Hong Kong cũng áp đặt hàng loạt lệnh cấm các chuyến bay từ 8 quốc gia gồm Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Anh và Mỹ. Do vậy, các hãng hàng không cũng cắt giảm các chuyến bay tới đặc khu hành chính này.
Trong bối cảnh mối lo ngại làn sóng Omicron gia tăng, lãnh đạo đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam nói rằng việc nối lại hoạt động đi lại bình thường giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục sẽ “phải đợi thêm một thời gian nữa”.
Trước đó, bà Carrie Lam đã nhấn mạnh việc theo đuổi zero COVID của Hong Kong.
“Hong Kong đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn các ca bệnh đến từ nước ngoài, nhằm duy trì trạng thái lây nhiễm trong cộng đồng ở mức 0. Đối mặt với với sự lây lan nhanh chóng của Omicron, chúng ta cần cảnh giác hơn nữa”, bà Carrie Lam nói.
Đài Loan (Trung Quốc)
Đài Loan, từng được ca ngợi là câu chuyện thành công trong khống chế COVID-19, vẫn đang đóng cửa với thế giới. Bất chấp những thiệt hại đối với du lịch, thương mại, đời sống, nơi này vẫn chưa có kế hoạch mở cửa trở lại.
Nhờ chiến lược ngăn chặn và nhanh chóng loại bỏ ca mắc COVID-19, tới nay Đài Loan chỉ ghi nhận hơn 18.500 ca mắc bệnh, chủ yếu là các ca nhập cảnh và được phát hiện trong khu cách ly, và 851 ca tử vong do COVID-19.
Một điểm xét nghiệm nhanh tại Đài Loan. (Ảnh: Bloomberg)
Tuy nhiên hiện tại, khi thế giới đã bắt đầu mở cửa trở lại, chấp nhận sống chung với COVID-19 và giảm nhẹ tác động của đại dịch nhờ có tỷ lệ tiêm chủng cao và các biện pháp phòng dịch khác, Đài Loan có nguy cơ bị tụt lại phía sau.
Gần 2 năm sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, Đài Loan vẫn đang siết chặt các biện pháp kiểm dịch vốn đã tạo nên thành công ban đầu như đóng cửa chặt, kiểm dịch nghiêm ngặt, truy vết các ca mắc và bắt buộc đeo khẩu trang.
Một trong các yếu tố khiến Đài Loan tiếp tục đóng cửa là hòn đảo này vẫn đang chật vật bắt kịp tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới, đặc biệt là mũi thứ hai. Do các lô hàng vaccine bàn giao theo hợp đồng đến chậm, cùng với tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu, chương trình tiêm chủng của Đài Loan phần lớn chỉ dựa vào các đợt tài trợ và gần đây là vaccine do hòn đảo này tự phát triển.
Khoảng 73% người dân ở Đài Loan đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và chỉ hơn 1/3 dân số đã tiêm mũi thứ hai.
Giáo sư Lee Ping-ing, cố vấn đặc biệt của Cơ quan chỉ huy chống dịch Đài Loan, cho rằng có thể sẽ phải mất 3 năm để thay đổi chiến lược.
“Chúng ta phải đợi cho đến khi virus trở nên nhẹ hơn và hệ thống miễn dịch của con người có thể thích nghi trước khi chuyển sang sống chung với COVID-19”, ông Lee Ping-ing nói.
Western Australia (Australia)
Việc ngôi sao quần vợt Novak Djokovic bị từ chối nhập cảnh vào Australia do chưa tiêm chủng cho thấy quốc gia này kiểm soát COVID-19 khá chặt chẽ.
Điều này đặc biệt đúng ở Western Australia. Western Australia là bang cuối cùng ở Australia theo đuổi chiến lược zero COVID nhờ các biện pháp đẩy nhanh tiêm chủng, đóng cửa biên giới và các quy định nghiêm ngặt đối với người dân. Điều này cho phép người dân Western Australia đã tiêm chủng có một cuộc sống gần như trở lại bình thường trong khi phần còn lại của đất nước đang đối mặt với các đợt bùng phát dịch lớn.
Việc di chuyển đến và đi từ Western Australia bị hạn chế khá nhiều. Nếu bất kỳ tiểu bang nào khác có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Western Australia sẽ ngăn không cho người dân tới những tiểu bang đó. Hạn chế biên giới, phong tỏa, đeo khẩu trang,… là những biện pháp nghiêm ngặt tiểu bang này áp dụng để duy trì số ca mắc bệnh ở mức thấp.
Vào tháng 12/2021, Western Australia có kế hoạch mở cửa trở lại với các tiểu bang. Tuy nhiên, vào tuần trước, bang này đã hủy bỏ kế hoạch mở cửa lại biên giới vào đầu tháng 2 cho những người đến từ các bang lân cận do sự gia tăng liên tục số ca nhiễm biến thể Omicron ở các khu vực khác của Australia.