Trong thế kỉ XX, các cường quốc hải quân trên thế giới đã chạy đua để chế tạo ra những chiếc tàu chiến hiện đại và có sức mạnh vượt trội trước đối phương, nhằm tạo ra ưu thế trên biển. Có những mẫu tàu chiến tạo nên thành công vang dội và được sử dụng cho đến ngày nay. Tuy nhiên cũng có những thiết kế độc đáo và không đạt được hiệu quả. Dưới đây là năm mẫu tàu chiến kỳ lạ nhất từng được chế tạo trong lịch sử hiện đại.
Thiết giáp hạm/Tàu sân bay Hyuga của Nhật Bản bị chìm ở vùng nước nông tại Kure sau khi bị trúng 10 quả bom từ máy bay của Mỹ vào ngày 24/7/1945.
Thiết giáp hạm Ise và Hyuga
Việc Hải quân Đế quốc Nhật Bản mất bốn tàu sân bay trong trận Midway trong Thế chiến thứ 2 đã gây tổn thất lớn cho hạm đội tàu sân bay của nước này. Tệ hơn nữa, sự thất bại của Nhật Bản xảy ra vào thời điểm Hải quân Mỹ đang hạ thủy các tàu sân bay mới với tốc độ chóng mặt. Khi đó, Nhật Bản đang cần gấp các tàu sân bay mới và họ chọn giải pháp là biến một số tàu chiến cũ thành những chiếc tàu sân bay “nửa vời”.
Thiết giáp hạm Ise và “tàu chị em” của nó là Hyuga được chọn để cải biến. Hai thiết giáp hạm dài hơn 220m ban đầu được trang bị 12 khẩu pháo 350mm, trên sáu tháp pháo. Quá trình chuyển đổi đã loại bỏ hai tháp pháo ở phía sau, thay thế chúng bằng một nhà chứa máy bay và hai máy phóng. Mỗi chiếc có thể mang theo tối đa 22 máy bay trinh sát và tấn công.
Cả hai chiếc tàu sân bay “bất đắc dĩ” này đều không thực hiện được bất kỳ cuộc tấn công nào đáng chú ý và cả hai đều bị đánh chìm vào cuối chiến tranh.
Bài học rút ra từ việc chuyển đổi của Nhật Bản là khiến những con tàu trở nên tầm thường và đi vai trò của nó. Vào những năm 1980, khi Hải quân Mỹ chuẩn bị tái kích hoạt 4 thiết giáp hạm lớp Iowa, một đề xuất đã được đưa ra là tháo bỏ các tháp pháo hướng về phía sau và thay thế chúng bằng các đường dốc trượt tuyết dành cho máy bay chiến đấu phản lực Harrier hoặc các hầm chứa tên lửa. Tuy nhiên ý tưởng này đã không bao giờ diễn ra.
Tàu ngầm Surcouf.
Tàu ngầm Surcouf
Tàu ngầm là loại tàu chiến tương đối dễ bị tổn thương. Tuy chúng có thân tàu chắc chắn để chống lại áp lực của biển nhưng nếu đạn pháo của địch xuyên qua thân tàu, nước biển sẽ tràn vào bên trong và tàu ngầm sẽ mất khả năng chiến đấu. Đó là lý do tại sao tàu ngầm chủ yếu áp dụng chiến thuật phục kích, cho phép chúng bắn một loạt ngư lôi vào tàu địch và chìm xuống nơi an toàn trước khi kẻ thù kịp phản ứng.
Bất chấp những kinh nghiệm được đúc kết, nước Pháp đã chế tạo tàu ngầm Surcouf, đây là một chiếc tàu ngầm lớn vào thời đó với chiều dài hơn 120m và nặng 4.300 tấn. Surcouf có hai khẩu pháo cỡ nòng 200mm được đặt trong một tháp pháo hình củ hành trên boong, những khẩu pháo tương tự như trên tàu tuần dương USS Indianapolis của Hải quân Mỹ.
Ý tưởng của các kỹ sư Pháp là phục kích tàu chiến của đối phương bằng những khẩu pháo khổng lồ trên tàu ngầm Surcouf và sau đó biến mất dưới làn nước biển. Tuy nhiên, Surcouf đã biến mất không dấu vết ngoài khơi bờ biển Panama vào năm 1942, trên đường đến Tahiti và nó chưa bao giờ khai hỏa.
Tàu cánh ngầm lớp Pegasus.
Tàu cánh ngầm lớp Pegasus
Hải quân Mỹ từng được trang bị 6 tàu tốc độ cao lớp Pegasus. Pegasus là một lớp tàu chiến cao tốc có trọng lượng nhẹ chỉ 250 tấn, được chế tạo với cánh ngầm có thể mở ra và thu vào linh hoạt. Tàu được trang bị động cơ tua-bin khí General Electric LM2500, ở tốc độ tối đa Pegasus có thể lướt trên mặt nước với vận tốc 48 hải lý/giờ. Mỗi tàu được trang bị pháo bắn nhanh Oto Malera 76mm và mang theo tới 8 tên lửa chống hạm Harpoon.
Pegasus được trang bị cho lực lượng Hải quân Mỹ, nhưng những con tàu này chưa bao giờ được Hải quân Mỹ sử dụng cho các nhiệm vụ trên phạm vi toàn cầu. Pegasus chỉ được hoạt động trong vùng biển Caribe, một vùng nước tương đối tù túng và chưa bao giờ nó được tham chiến thực sự. Tất cả sáu chiếc tàu lớp Pegasus đều đã nghỉ hưu vào những năm 1990 như một phần của kế hoạch cắt giảm quy mô chung của Hải quân Mỹ.
Tàu đổ bộ BRP Sierra Madre.
Tàu đổ bộ BRP Sierra Madre
Một trong những con tàu kỳ lạ nhất hiện đang được sử dụng trên thế giới là chiếc BRP Sierra Madre của Hải quân Philippines. BRP Sierra Madre là chiếc tàu đổ bộ, được thiết kế để có thể tiến sát vào bờ biển sau đó thả xe tăng, xe tải và các thiết bị hạng nặng khác lên bãi biển. BRP Sierra Madre đã phục vụ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Ngày 12/10/1970, Mỹ chuyển giao tàu USS Harnett County cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa theo Chương trình Hỗ trợ An ninh và đổi tên thành RVNS Mỹ Tho HQ-800. Sau sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, RVNS Mỹ Tho là một trong những chiếc tàu của Hải quân Việt Nam Cộng hòa di tản đến Vịnh Subic.
Sau khi rời khỏi Việt Nam, vào ngày 05/4/1976, chính phủ Mỹ chuyển giao USS Harnett County cho Hải quân Philippines và tàu mang tên mới là BRP Sierra Madre LT-57. Năm 1999, chính phủ Philippines đã cố tình để BRP Sierra Madre bị mắc cạn trái phép trên Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam), nhằm biến con tàu thành một tiền đồn của Thủy quân lục chiến Philippines, để khẳng định chủ quyền của Philippines.
Kể từ đó, con tàu rỉ sét, cũ kỹ này đã trở thành tiền đồn cho một số binh lính thủy quân lục chiến Philippines đồn trú.
Tàu khu trục lớp Zumwalt.
Tàu khu trục lớp Zumwalt
Ba tàu khu trục lớp Zumwalt, gồm Zumwalt, Michael Monsoor và Lyndon B. Johnson, là những con tàu có hình dáng kỳ lạ nhất đang hoạt động trên thế giới. Ba tàu khu trục này được chế tạo sau sự kiện khủng bố 11/9, khi Hải quân Mỹ chuyển trọng tâm sang những chiến trường như Iraq, Libya và Somalia. Các tàu khu trục được thiết kế tàng hình để có thể bí mật tiếp cận bờ biển của đối phương và sau đó bắn phá các mục tiêu trên đất liền bằng hai khẩu pháo cỡ nòng 155mm.
Lớp Zumwalt là lớp tàu chiến đầu tiên được thiết kế toàn diện với mục đích tàng hình. Mũi tàu được thiết kế góc cạnh và các bề mặt được làm phẳng nhằm giảm thiểu khả năng bị radar phát hiện.
Thiết kế thân tàu Zumwalt ngược với kiểu thân tàu truyền thống, với phần thân rộng ở bên dưới và hẹp dần ở bên trên. Nhiều người lo ngại rằng kiểu thân tàu này không có độ ổn định như thân tàu truyền thống trong điều kiện biển động, thậm chí có thể gây lật tàu nếu bị sóng cao hơn 10m đánh trúng ở một số vị trí nhất định. Ngoài ra, so với thiết kế thân tàu truyền thống, nguy cơ lật tàu của kiểu thiết kế này cũng tăng nhanh hơn khi tăng độ cao của trọng tâm so với mực nước biển.
Đến cuối năm 2022, tàu USS Zumwalt vẫn lạc lõng trong Hải quân Mỹ khi không được biên chế vào đơn vị cụ thể nào, thiếu vũ khí và không có nhiệm vụ rõ ràng. Hiện nay, Hải quân Mỹ đang cố gắng phát triển các tên lửa hành trình tầm xa đặt trên Zumwalt nhằm để tận dụng khả năng tàng hình và tấn công từ xa, đồng thời tích hợp các vũ khí siêu thanh. Đây là lợi thế lớn cho con tàu khi kết hợp khả năng tàng hình và tấn công tầm xa.