Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những ngày 'cân não' cứu phi công người Anh: Bác sỹ tuột tay, bệnh nhân sẽ chết

(VTC News) -

Trong những ngày điều trị BN91, đội ngũ y bác sĩ đã có những quyết định táo bạo, dồn hết tâm trí để tìm ánh sáng le lói cuối đường hầm về với bệnh nhân.

Trải qua 98 ngày điều trị, đến nay bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 91 của Việt Nam đã đủ tiêu chuẩn xuất khỏi Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy, song Bộ Y tế vẫn đề nghị bệnh viện này tiếp tục sử dụng các biện pháp hồi sức để nâng cao hơn nữa thể trạng cho bệnh nhân.

Trong những ngày điều trị, bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đã trải qua nhiều giây phút “thập tử nhất sinh”. Đây cũng là quãng thời gian mà đội ngũ y bác sĩ điều trị, điều dưỡng phải căng mình với cuộc chiến cam go, giữ lấy sự sống cho bệnh nhân đặc biệt này. Đội ngũ y bác sĩ đã có những quyết định táo bạo, dồn hết tâm trí để tìm ánh sáng le lói cuối đường hầm về với bệnh nhân. 

Những ngày cân não tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, các bác sĩ cùng hội chẩn 3 miền.

"Còn nước còn tát"

Trong những ngày đầu nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM do mắc COVID-19, bệnh nhân 91 sức khỏe tốt, vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường như nhiều bệnh nhân nhiễm virus virus corona khác. Thế nhưng, sau đó bệnh nhân bắt đầu trở nặng, suy hô hấp tăng dần, phải hỗ trợ thở oxy qua đường mũi.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của bệnh nhân đã phản ứng quá mức khi bị virus tấn công, làm sản sinh ra chất cytokine chống lại chính cơ thể, gọi là “cơn bão” cytokine. Chất này tấn công mạnh vào phổi, gây tổn thương phổi rất nặng nề.

Trong khi đó, kết quả xét nghiệm virus corona của phi công này thay đổi chóng mặt, lúc âm tính, lúc dương tính khiến các bác sĩ vô cùng lúng túng. Rồi bệnh nhân rối loạn đông máu, tràn khí màng phổi, cả bệnh viện thức trắng đêm theo dõi, chăm sóc. Sau đó, bệnh nhân diễn tiến bệnh nặng hơn với các biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, vi huyết khối, xuất huyết - rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu...

Kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực truyền nhiễm, nhưng kết quả xét nghiệm virus corona của BN91 hay đổi âm tính - dương tính liên tục khiến các bác sĩ vô cùng lúng túng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong nhớ như in, thời điểm đó, các phác đồ điều trị COVID-19 trên thế giới cũng chưa thống nhất, do đó quá trình  điều trị cho bệnh nhân này gặp muôn vàn khó khăn.

Đội ngũ y bác sĩ phải vừa điều trị, vừa mày mò tìm tòi các phương án tiếp theo. Nhiều loại thuốc bệnh nhân không thể đáp ứng, các bác sĩ đã phải dùng các loại thuốc lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam và chờ mua thuốc từ nước ngoài, sử dụng cả thuốc không có trong phác đồ điều trị để cầm cự tính mạng cho người bệnh. 

"Bất kỳ dùng một thuốc gì mới, hoặc một kháng sinh gì, việc ngưng hay dùng như thế nào đều qua hội đồng chuyên môn trong group 91, là những chuyên gia hàng đầu về hồi sức, về truyền nhiễm, về huyết học… đưa lên bàn luận rồi đưa ra quyết định, chứ không có ai tự quyết định", bác sỹ Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Trong 65 ngày bệnh nhân 91 nằm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, êkíp bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có 43 ngày cùng hỗ trợ điều trị. Thời điểm đó, tình trạng bệnh nhân rất nặng, suy hô hấp, chỉ số oxy hóa máu kém. Ê-kip đã quyết định kịp thời thực hiện kỹ thuật ECMO để cứu sống bệnh nhân.

Bệnh viện đã lựa chọn các bác sĩ trẻ có tay nghề cao, thực hiện được hiều kỹ thuật khác như mở khí quản, lọc máu, kỹ thuật hồi sức huyết động, hô hấp…tham gia.

PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: "Chúng tôi như người diễn viên đang đi trên dây. Chỉ khác rằng diễn viên bị rơi xuống khi đi trên dây thì sẽ bị đau, còn với Ekip điều trị, chỉ cần bác sĩ tuột tay, bệnh nhân sẽ chết".

PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: dù tuyệt vọng nhưng ê-kip vẫn cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân với tâm thế “còn nước còn tát”. Sau khi hội chẩn 3 miền, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 tính đến phương án ghép phổi khi khả năng sống còn của bệnh nhân 91 rất thấp. Trong khi đó, kinh nghiệm ghép phổi của Việt Nam không nhiều, tiên lượng về cuộc phẫu thuật rất dè dặt. 

Từ ánh sáng cuối đường hầm đến câu nói "Fantastic!" 

Cũng theo bác sĩ Thảo, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân đã có nhiều sự cố, biến cố từ diễn tiến bệnh đến những tình huống bất ngờ ngoài khả năng dự đoán. Đặc biệt, bệnh nhân có phần kháng thể kháng Heparin gây hội chứng giảm tiểu cầu (HIT) trên nền bệnh nhân đang dùng ECMO.

Theo y văn thế giới, tỷ lệ mắc phải hội chứng này rất thấp, càng ít gặp ở bệnh nhân mắc COVID-19. Vì vậy, đội ngũ phải đọc rất nhiều tài liệu tham khảo để tìm kiếm thông tin. Ê-kip đã quyết định chuyển qua dùng thuốc kháng đông không phải là Heparin như bình thường.

"Thực sự đây là ca đầu tiên mà sau khi thiết lập hệ thống ECMO, chỉ 2 giờ sau là màng nó đông, chúng tôi bắt buộc phải thay màng để bệnh nhân không ngưng tim và không chảy máu", BS Thảo cho biết.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh - Phó Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Là người trực tiếp điều trị cho nam phi công Anh, bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh - Phó Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong tuần đầu tiên bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sang khoa vẫn còn hoàn toàn phụ thuộc và ECMO và máy thở, là thời điểm khó khăn nhất đối với các y bác sĩ trong khoa.

Ê-kíp điều trị quyết tâm giảm các thuốc an thần để đánh giá khả năng của thần kinh người bệnh sau hơn 2 tháng nằm điều trị. Lúc này, nam phi công phải đối diện với nguy cơ thiếu oxy máu, nguy cơ vỡ phổi, tràn khí màng phổi dễ xảy ra. Bệnh nhân cũng được thay canula mở khí quản, có thể ngưng tim bất cứ lúc nào.

Sau khoảng 7-10 ngày, dốc toàn lực của toàn bệnh viện điều trị, các bác sĩ điều chỉnh, giảm từng chút sau đó mới quyết định cai ECMO.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong xúc động và bất ngờ trước sự hồi phục kỳ diệu của phi công người Anh.

Sau nhiều đêm thức trắng theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, bác sĩ Linh và ê-kip vỡ òa hạnh phúc trong khoảnh khắc đầu tiên mà bệnh nhân tỉnh và nói “fantastic”, tức là tuyệt vời, đánh dấu bệnh nhân có dấu hiệu sống.

"Bệnh nhân về Bệnh viện Chợ Rẫy là ngày 22/5, đến ngày 26/5 là ngưng thuốc ngủ. Đến khuya 26/5, bệnh nhân bắt đầu có những dấu hiệu tỉnh. Chúng tôi rất mừng, các y bác sĩ nhìn nhau. Như vậy là ánh sáng đường hầm có, mình có thể cứu được người bệnh. Ngày 2/6, trước thời điểm cai ECMO, tức là bệnh nhân đã tỉnh táo nhiều hơn rất nhiều và có nụ cười rất đẹp đối với nhân viên y tế", BS Trần Thanh Linh chia sẻ.

Nụ cười của bệnh nhân nam phi công người Anh sau nhiều ngày hôn mê giúp trút bỏ được những cực nhọc, âu lo đè nặng trên vai đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng trong thời gian trực chiến 24/24h.

Để đưa ra những quyết định táo bạo, giữ được sự sống cho bệnh nhân trước lằn ranh sinh tử là lựa chọn đầy thách thức của các bác sĩ điều trị và sự vất vả của các điều dưỡng. Đặc biệt, những điều dưỡng ở 2 bệnh viện đã hết lòng với công việc và đã góp phần cứu sống bệnh nhân người Anh.

Video: Hành trình phục hồi kỳ diệu của phi công người Anh

Kim Dung/VOV-TPHCM

Tin mới