Mâm cỗ ngày Tết Nguyên đán của người Việt thường được chuẩn bị rất thịnh soạn, đầy đủ. Điều này không chỉ thể hiện sự no ấm, thịnh vượng mà còn hàm chứa mong ước về một năm mới đầy đủ, phát đạt. Dưới đây là những món ngon ngày Tết luôn hiện diện trong mâm cỗ truyền thống của ở ba miền Bắc - Trung - Nam.
Bánh chưng, bánh tét là món ăn truyền thống có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Mâm cỗ ngày Tết ở cả 3 miền đều không thể thiếu món này. Chiếc bánh "gói ghém cả nền văn minh nông nghiệp lúa nước", được làm từ những nguyên liệu sẵn có của mọi nhà, thể hiện lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Câu chuyện về sự ra đời của bánh chưng còn thể hiện chữ hiếu của người con với cha mẹ, tổ tiên.
Vì thế, ngoài ý nghĩa thực phẩm, bánh chưng còn là lễ vật dâng cúng gia tiên, thần linh, là món quà biếu cha mẹ, bề trên, bạn bè thân thiết.
Bên cạnh bánh chưng, bánh tét thì xôi nếp cũng là phần không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền. Mỗi vùng miền có cách đồ xôi khác nhau, với màu sắc đa dạng. Tuy nhiên, trong những ngày lễ Tết thì xôi gấc đỏ được ưa chuộng hơn cả và được người dân khắp ba miền bày trên mâm cỗ.
Xôi gấc được nấu từ gạo nếp ngon, trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp. Sau khi được đun chín, xôi có màu đỏ tươi rất hấp dẫn. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo của gạo nếp, vị béo của nước cốt dừa và vị ngọt của đường.
Thịt nấu đông dễ ăn, không ngán, kết hợp rất ăn ý với dưa hành ngày Tết nên thường là món ăn đãi khách. Món này có vị ngọt mềm, màu trong veo đẹp mắt, gia vị hoà quyện tạo rất hài hoà, ăn cùng cơm nóng hay bánh chưng đều tuyệt.
Mâm cỗ truyền thống của người Việt Nam không thể thiếu gà luộc và mâm cỗ Tết cũng vậy. Không chỉ là lễ vật bắt buộc khi dâng cúng, đĩa gà luộc còn tăng vẻ trang trọng cho bữa ăn, nhất là khi nhà có khách.
Đây là một trong những món ăn gần như bắt buộc phải có, nằm ở vị trí trung tâm của mâm cỗ ngày Tết với ý nghĩa “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà”. Giò lụa được làm từ thịt heo giã nhuyễn trong cối đá, gói bằng lá chuối rồi luộc chín. Những cây giò trắng mịn, giòn dai, thơm ngon còn là món quà Tết mọi người tặng nhau.
Giò xào có thành phần chính là thịt thủ (phần thịt ở đầu con lợn), lưỡi... xào chín cùng một số nguyên liệu khác như mộc nhĩ, hạt tiêu, muối rồi gói và nén chặt. Bắt nguồn từ miền Bắc, món ăn này hiện phổ biến khắp nước.
Món nem rán giòn rụm, thơm lừng luôn được hưởng ứng nhiệt tình trong mâm cỗ Tết. Mang nhiều hương vị chua cay mặn ngọt nhờ các nguyên liệu chính như thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương, rau, giá..., nem rán nên được coi là món ăn “quốc hồn, quốc túy”.
Không chỉ được sử dụng nhiều trong bữa cơm gia đình, thịt kho tàu còn là món ngon ngày Tết quen thuộc. Sự hòa quyện hương vị của trứng, thịt kho, nước dừa và các loại gia vị đem lại sức hấp dẫn khó cưỡng của món này. Bạn có thể dùng thịt kho Tàu với cơm trắng, dưa muối các loại.
Bò kho khô với mật mía và nước mắm ngon là món ăn rất phù hợp cho mâm cỗ ngày Tết cổ truyền. Ngoài mục đích đổi vị cho bữa cơm gia đình thì món này cũng rất phù hợp để nhậu khi mọi người tụ họp, lai rai.
Canh măng khô hầm với xương và móng giò là món ngon ngày Tết không thể thiếu trên mâm cơm của người miền Bắc. Vị ngọt đậm đà của nước xương ngấm vào măng khô, cộng với mùi thơm của hành lá, mùi tàu và khiến nhiều người có thể ăn no món này. Đây cũng là món canh chống ngán hiệu quả trong những ngày Tết ngập tràn thịt, giò chả, bánh chưng.
Canh khổ qua (mướp đắng) được nấu vào dịp Tết với ý nghĩa mong cho những khó khăn, vất vả, cay đắng của năm cũ qua đi, sang năm mới sẽ gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi. Vì thế với nhiều gia đình, đây là món ngon ngày Tết không thể thiếu.
Một trong những món dân dã nhưng lại có vị trí đặc biệt trong mâm cỗ Tết cổ truyền của người miền Bắc là hành muối chua, còn gọi là dưa hành.
Với vị chua cay nhẹ, nó được dùng để ăn kèm cùng với bánh chưng hay thịt đông. Đây chính là món chống ngán hữu hiệu nhất trong ngày Tết. Cho dù cuộc sống luôn thay đổi nhưng chừng nào Việt Nam còn Tết Nguyên đán thì sẽ còn bánh chưng và dưa hành.
Nếu như Tết miền Bắc có dưa hành thì miền Trung lại có dưa món, được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như củ cải, cà rốt, dưa leo, đu đủ, củ kiệu… Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để làm được dưa món đầy sắc và vị, cần không ít thời gian và sự tỉ mỉ. Lát bánh tét dẻo mềm ăn kèm với dưa món giòn giòn, chua chua là hương vị rất riêng trong những ngày Tết.
Nếu mâm cơm truyền thống ngày Tết của người miền Bắc luôn có dưa hành thì người phương Nam lại chẳng thể thiếu hũ củ kiệu hay đĩa tôm khô trộn củ kiệu chua ngọt. Điều đặc biệt ở miền Nam là củ kiệu không ăn cùng với bánh tét mà thường ăn kèm tôm khô, tạo thành một món riêng.
Với đặc tính mát, vị giòn ngon, món dưa giá được rất nhiều người lựa chọn để giải nhiệt trong những ngày Tết. Dưa giá ăn cùng với cơm, cuốn bánh tráng, thích hợp nhất vẫn là ăn kèm thịt kho trứng nhờ tác dụng giải ngấy rất hiệu nghiệm. Thành phần chủ yếu tạo nên món dưa giá là giá, hẹ, cà rốt.
Nếu có dịp chơi Tết tại miền Trung, bạn sẽ được người dân ở đây đãi vài chung rượu mà “mồi” là những chiếc nem chua. Món ăn đặc sản này được làm từ thịt heo. Sau khi tẩm ướp gia vị, thịt được gói lại trong lá ổi, lá chùm ruột để trong vài ngày để lên men và có vị chua thanh. Nem chua miền Trung thường mịn màng, hương vị dịu nhẹ và được ăn kèm tép tỏi để cho tăng hương vị.
Mỗi dịp Tết đến, người miền Trung lại làm món thịt ngâm mắm. Nguyên liệu có thể là thịt heo hoặc thịt bò, sơ chế xong được ngâm vào nước mắm đường đã pha nấu theo một tỷ lệ nhất định. Món thịt này có vị mặn, ngọt và thường ăn kèm với dưa món, củ kiệu chua ngọt, rau sống, rau thơm.
Mâm cỗ Tết của người miền Nam thường có lạp xưởng với chủng loại đa dạng: Tươi, khô, nạc, tôm, cá… Lạp xưởng thường được làm từ thịt nạc và mỡ lợn xay nhuyễn trộn với rượu, đường rồi nhồi vào ruột lợn khô để làm chín bằng cách lên men tự nhiên.