Thông thường, các hãng xe tại Việt Nam khi ra mắt một sản phẩm mới thường có chiến lược với đối tượng khách hàng, mục tiêu kinh doanh cụ thể. Mục tiêu đó có thể là hoàn thiện dải sản phẩm, tạo ra thêm lựa chọn cho khách hàng ở một phân khúc nào đó đang tiềm năng.
Nhưng với mức độ cạnh tranh ở thị trường trong nước, doanh số hàng đầu ở từng phân khúc thường tập trung ở một số mẫu xe đã khẳng định được vị trí hoặc mẫu xe mới ưu việt hơn hẳn các đối thủ. Do đó, các hãng xe sau khi thấy kết quả kinh doanh của một mẫu xe không được như kỳ vọng thường sẽ rút mẫu xe này khỏi danh sách sản phẩm, tập trung cho các mẫu xe khác.
Nhiều mẫu xe biến mất trong “âm thầm”
Mẫu xe đầu tiên được các đại lý cho biết họ không có xe để bán là Toyota Vios GR-S. Khi được giới thiệu vào năm ngoái, Toyota đã hướng đến cho Vios một hình ảnh mới: thể thao và hiện đại hơn, thay cho nhận diện chung của Vios là xe “dịch vụ”.
Toyota Vios Gr-S có giá cao nhất phân khúc B.
Điều này thể hiện ở hàng loạt các trang bị mà bản GR-S được bổ sung như gói trang bị thể thao ngoại thất, ghế bọc da lộn thêu chỉ đỏ. Tuy nhiên thông số vận hành của xe chỉ tương đương các phiên bản Vios khác và thua Honda City, dù giá bán cao hơn.
Trong cả năm 2020, doanh số của Vios đã bị Hyundai Accent vượt qua nhưng tới năm nay, mẫu xe Nhật Bản đã vượt lên nhờ các chương trình giảm giá, khuyến mại. Doanh số của phiên bản GR-S được cho là không cao nên việc rút mẫu xe này khỏi danh sách bán không ảnh hưởng nhiều tới doanh số chung của Vios.
Tương tự với tình trạng của Vios GR-S là Kia Optima. Được hướng đến cạnh tranh với Mazda 6, Toyota Camry, Kia Optima có mức giá được coi là cạnh tranh nhất trong nhóm sedan hạng D. Năm 2020, doanh số của Optima chỉ cao hơn Honda Accord. Nếu so với Mazda 6, Optima được coi là tương đương về trang bị, thiết kế, công năng nhưng lại vượt lên ở giá bán.
Do đó lý do khiến Optima không thành công có thể nằm ở nhận diện sản phẩm của KIA ở phân khúc D.
Một số đại lý KIA cũng cho biết không có Optima để bán cho khách hàng và cho biết xe có thể có phiên bản mới trong năm nay.
Khác với hai mẫu xe trên, chiếc MPV Tourneo của Ford đã được hãng xác nhận việc dừng sản xuất từ giữa năm nay. Ford từng hướng đến đối tượng khách hàng của Tourneo là người dùng gia đình nhưng thực tế trong các năm trước, khách hàng của dòng xe này chủ yếu là kinh doanh dịch vụ cao cấp.
Thậm chí nhóm khách hàng này cũng không coi Tourneo là lựa chọn hàng đầu vì xe không có phiên bản máy dầu, trái với một trong các tiêu chí của xe kinh doanh. Trong khi đối thủ trực tiếp là Kia Sedona lại có rất nhiều phiên bản, tùy chọn với trang bị nhiều hơn, phục vụ được hành khách tốt hơn. Điều này dẫn tới cả năm 2020 Tourneo chỉ bán được 340 xe và ba tháng đầu năm nay đạt 44 xe.
Trở thành ngôi sao sau khi bị khai tử
Không còn bán không có nghĩa một mẫu xe sẽ bị biến mất mãi mãi trên thị trường. Trong quá khứ, từng có những mẫu xe sau khi được dừng phân phối chính hãng lại thu hút được sự chú ý của những người dùng xe cũ.
Suzuki Celerio đã bị ngừng bán từ giữa 2020.
Ví dụ như chiếc Celerio của Suzuki. Sau khi được ngừng phân phối vào năm ngoái, hiện nay xe đang được người dùng tìm mua những xe có giá 280 triệu đồng với xe đời 2018. Các khách hàng tìm kiếm dòng xe này vì khả năng tiết kiệm nhiên liệu, giá cũ của xe tốt hơn khi so với i10 hay Fadil.
Hoặc ít phổ biến hơn là các dòng GLA, CLA của Mercedes. Sau khi hãng rút dòng xe này khỏi danh sách sản phẩm chính hãng trong năm ngoái, nhiều người dùng thích sự độc đáo, hiệu suất cao vẫn đang tìm mua những chiếc xe cũ. Với mức giá của xe đã sử dụng 4-5 năm chỉ còn một nửa giá khi ra mắt, người dùng đang coi đây là số tiền phù hợp để mua chiếc xe họ thích.