Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những 'lần đầu tiên' ấn tượng và mang tầm thế giới của y tế Việt Nam 2020

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch COVID-19, nhưng đó chưa phải tất cả.

2020 còn là một năm đáng nhớ của ngành y tế Việt Nam với những thành tựu ấn tượng.

Mổ tách cặp song sinh dính liền phức tạp

Năm nay, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng công nhận kỷ lục “Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu cho cặp song sinh” cho Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).

Trúc Nhi - Diệu Nhi chào đời tháng 6/2019. Cặp sơ sinh dính liền vùng bụng chậu, tứ chi đầy đủ, 2 cơ quan sinh dục, một hậu môn... Sau một năm, ca mổ tách rời 2 bé được thực hiện với hơn 100 y bác sĩ chuyên môn và kinh nghiệm nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Xuyên Á, Đại học Y dược TP.HCM, Trung tâm Medic.

Trúc Nhi - Diệu Nhi là cặp song sinh dính liền phức tạp có chung vùng bụng chậu. (Ảnh: Chí Hùng)

Sau 13 giờ, cặp song sinh dính liền được tách hoàn toàn. Trải qua 84 ngày hậu phẫu, song Nhi hồi phục sức khỏe, chức năng các cơ quan dần ổn định. Các chuyên gia nhận định ca mổ tách Trúc Nhi, Diệu Nhi hiếm và rất phức tạp.

Ca dính bụng chậu như thế này chỉ chiếm khoảng 6%. Ca mổ tách cặp song sinh dính liền được xem là dấu mốc quan trọng với ngành y tế Việt Nam trong năm 2020.

Hai ca ghép ruột đầu tiên

Ngày 27-28/10, các bác sĩ Bệnh viện Quân Y 103 (Hà Nội) thực hiện thành công 2 ca ghép ruột từ người cho sống. Bệnh nhân L.V.T. (26 tuổi) được ghép ruột từ mẹ đẻ. Bệnh nhân N.V.D. (42 tuổi) được anh trai hiến ruột.

Ở 2 bệnh nhân này, ruột mất hoàn toàn chức năng năng tiêu hóa và phải nuôi sống bằng cách truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch. Nếu không được ghép ruột, các bệnh nhân nguy cơ cao bị biến chứng liên quan nuôi dưỡng tĩnh mạch và có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y 103, cho biết ghép ruột khó hơn so với các tạng khác. Vì vậy, đây là tạng thứ 6 đến nay mới được ghép thành công.

Bệnh viện Quân Y 103 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ghép ruột thành công, tương tự 5 tạng trước đó (thận, tim, gan, tụy, phổi).

"Hiện thế giới chỉ có 61 trung tâm ghép ruột ở 19 nước với khoảng 1.000 ca được triển khai. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 20 ghép ruột thành công. Đây là thành tựu trong ghép tạng cũng như đem lại tương lai tươi sáng cho bệnh nhân", GS Quyết chia sẻ.

Ghép chi thể đồng loài đầu tiên trên thế giới

Ngày 21/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca ghép chi thể lấy từ người cho sống để ghép bàn tay mới cho bệnh nhân Phạm Văn Vương (31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội).

Trường hợp hiến tay là bệnh nhân 51 tuổi bị chấn thương phức tạp ngày 3/1 do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay cho đến sát nách.

Sau 3 tuần các bác sĩ nỗ lực điều trị nhưng không điều trị được, bệnh nhân và người nhà đã đồng ý hiến 1/3 cánh tay dưới để ghép cho người khác. Hơn một tháng sau ca ghép chi thể, bệnh nhân đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số đồ vật thô.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép chi thành công cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)

Trên thế giới, từ năm 1998 đến nay, chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể trên thế giới được thông báo trong y văn quốc tế. Các trường hợp được ghép đều lấy nguồn từ người cho chết não.

Đây là ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Ghép tế bào tự thân chữa lành cho người bạch biến

Ngày 3/6, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) áp dụng thành công phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy điều trị bệnh bạch biến và các rối loạn giảm sắc tố da khác. Đây là bệnh viện đầu tiên của nước ta thực hiện phương pháp này để chữa cho bệnh nhân bạch biến.

Đây là phương pháp này dùng tế bào thượng bì (gồm tế bào hắc tố, gai, một số tế bào gốc) của chính cơ thể bệnh nhân ghép vào tổn thương bạch biến.

Phương pháp này được chỉ định thực hiện với bệnh nhân mắc bạch biến ổn định ít nhất một năm (trong vòng một năm không có tổn thương mới hoặc tổn thương cũ không lan rộng).

Ngoài ra, bệnh nhân phải không có hiện tượng Kobner, tức không xuất hiện tổn thương bạch biến ở vùng chấn thương và không có tiền sử sẹo lồi. Mỗi bệnh nhân mất khoảng 2-4 tiếng để hoàn thành xong tất cả quy trình tùy vào diện tích tổn thương. Sau thời gian ngắn triển khai, các bệnh nhân đã có hiệu quả rõ rệt.

Ca can thiệp bào thai chưa từng có trong y văn thế giới

Khi mang thai ở tuần 24, T.T.V.A. (21 tuổi, ở Phú Thọ) bị cạn nước ối. Nhiều cơ sở y tế tư vấn người mẹ này phải đình chỉ thai kỳ. Lúc này, em bé nặng 600 g.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sau khi hội chẩn, Giám đốc Nguyễn Duy Ánh quyết định truyền ối vào buồng tử cung để cứu thai nhi. Khi bác sĩ truyền dịch vào buồng ối, nước lại chảy dần ra ổ bụng. Bác sĩ phát hiện vết vỡ ở đáy tử cung.

Ê-kip tiếp tục truyền ối lần 2, đồng thời cho bệnh nhân dùng những loại thuốc tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của mẹ, tránh nhiễm trùng và con có thêm thời gian để phát triển. Thai nhi được giữ trong bụng mẹ thêm 5 tuần. Vào tuần 31, bé nặng 1,5 kg và có dấu hiệu không tăng cân, các bác sĩ quyết định mổ bắt thai.

"Đây là trường hợp sản phụ có lỗ thủng trên tử cung dị dạng. Trước đây, lập tức chúng ta phải mổ để khâu tử cung cho mẹ, chấp nhận mất thai hoặc phải cắt tử cung. Trường hợp này, nếu người mẹ phải khâu lại tử cung thì lần sau sẽ lại vỡ tiếp, mãi mãi không bao giờ có con. Nhưng chúng ta đã mang lại cơ hội cho sản phụ ngay từ đứa bé đầu tiên này nhờ y học bào thai tiếp tục. Đây là ca đặc biệt đầu tiên trên thế giới chưa có y văn trong thế giới", PGS Ánh tự hào nói.

Các bác sĩ mổ bắt thai cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)

Lần đầu lắp xương kim loại cho bệnh nhân ung thư

L.T.H., 24 tuổi, quê tại Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hóa. Vài tháng trước nhập viện, chân phải của cô thỉnh thoảng bị đau dọc theo thân xương đùi, đau tăng lên vào buổi tối hay khi vận động nặng.

Sau khi H. chụp X-quang xương đùi, bác sĩ phát hiện có hình ảnh bất thường ở đầu dưới xương đùi. Cô được chuyển đến Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội). Tại đây, sau khi thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán cô mắc ung thư xương.

Sau nhiều lần truyền hóa chất và cắt bỏ đoạn đầu dưới xương đùi phải, H. được chỉ định phẫu thuật tháo bỏ toàn bộ xương đùi, thay thế bằng xương đùi nhân tạo.

Ngày 2/3, ê-kíp Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Xanh Pôn đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi bên phải cho bệnh nhân H. Ca phẫu thuật đã được thực hiện trong vòng 3 tiếng.

Ca cắt bỏ tổn thương ung thư và thay toàn bộ xương đùi kim loại là phẫu thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, mở ra hy vọng bảo tồn chi thể cho các bệnh nhân bị ung thư xương nói chung, ung thư xương đùi nói riêng. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho sự tiến bộ cho nền y học Việt Nam tiệm cận với các nước trên thế giới.

Nguồn: Zing News

Tin mới