Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những kỳ thi khó nhất thế giới, thí sinh chịu áp lực lớn khi làm bài

Nhiều kỳ thi trên thế giới được đánh giá rất khó vì tỷ lệ "chọi" cao, ngoài kiến thức, thí sinh phải có khả năng chịu áp lực khi làm bài thi.

GRE (Graduate Record Examination) là một trong những kỳ thi được thực hiện rộng rãi trên toàn cầu và luôn lọt top kỳ thi khó nhất thế giới. GRE được tổ chức từ năm 1949, là điều kiện xét tuyển của hầu hết trường đại học tại Mỹ. Hiện, thí sinh có thể làm bài thi GRE ở hai hình thức là trực tuyến và ngoại tuyến. Theo Educational Testing Service, nội dung thi của GRE bao gồm suy luận ngữ nghĩa, suy luận định lượng và viết phân tích. Thời gian làm bài thi là 3 giờ 45 phút. (Ảnh: Best Colleges)

Mensa là cộng đồng dành cho những người có chỉ số IQ cao nhất thế giới. Để được chứng nhận là thành viên của Mensa, thí sinh phải trải qua bài kiểm tra IQ. Kỳ thi do Mensa tổ chức có tính thử thách cao, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng phân tích, suy luận logic. Điểm đặc biệt của bài thi Mensa là không giới hạn độ tuổi, một đứa trẻ 2 tuổi cũng có thể đăng ký dự thi. (Ảnh: Travollution)

GATE (Gratitude Aptitude Test in Engineering) là kỳ thi đầu vào cấp quốc gia dành cho sinh viên học ngành Kỹ thuật tại Ấn Độ có mong muốn học lên thạc sĩ, tiến sĩ. GATE được Viện Công nghệ Ấn Độ và Viện Khoa học Ấn Độ đồng tổ chức từ năm 1983. Bài thi của GATE kéo dài trong 3 giờ, bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi số nhằm kiểm tra kiến thức về Toán, Kỹ thuật và Khoa học của thí sinh. (Ảnh: DNA India)

IIT-JEE (Indian Institute of Technology Joint Entrance Examination) là kỳ thi đầu vào dành cho những thí sinh có nguyện vọng vào 7 trường kỹ thuật hàng đầu tại Ấn Độ. IIT-JEE có hai hình thức là Paper-I và Paper-II, thí sinh có thể chọn một trong hai hoặc cả hai. Theo JEE Advanced, Paper-I được thực hiện hoàn toàn trên máy tính, Paper-II làm một phần trên máy tính, riêng bài vẽ phải làm trên giấy. Được biết, phần lớn thí sinh tham dự IIT-JEE ở độ tuổi 16-18. Trong số 500.000 thí sinh tham dự kỳ thi mỗi năm, chỉ có 10.000 người trúng tuyển. (Ảnh: EduGorilla Trends)

UPSC (Union Public Service Commission) hay còn gọi là CSE (Civil Services Examination), là kỳ thi do Ủy ban Dịch vụ Công cộng Trung ương Ấn Độ tổ chức. Thí sinh tham dự UPSC nhằm thi tuyển vào các cơ quan dân sự của chính phủ Ấn Độ, bao gồm Cơ quan Hành chính Ấn Độ, Cơ quan Ngoại giao Ấn Độ và Sở Cảnh sát Ấn Độ. UPSC có 3 vòng thi bao gồm 2 bài viết và 1 bài phỏng vấn. Theo thống kê, tỷ lệ trúng tuyển của UPSC là 0,1-0,4%. (Ảnh: Indian Express)

Gaokao là kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc, được tổ chức trên toàn quốc từ năm 1953. Đây là kỳ thi được đánh giá khó và khắc nghiệt nhất tại châu Á và thế giới. Gaokao có 3 môn thi bắt buộc là Toán, Tiếng Trung và Ngoại ngữ. Ngoài ra, 3 môn tự chọn được chia làm 2 loại là Khoa học (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Nghệ thuật (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục chính trị). Đề thi Gaokao luôn là tâm điểm chú ý vì độ khó cao, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức rộng và khả năng tư duy nhạy bén. Kỳ thi khắc nghiệt này là nguyên nhân khiến nhiều sĩ tử ở Trung Quốc gặp áp lực, nhiều em chuẩn bị thi cho kỳ thi Gaokao khi mới lên tiểu học. (Ảnh: Brookings Institution)

CFA (Chartered Financial Analyst) là kỳ thi cấp chứng chỉ dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong các lĩnh vực chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính. CFA được đánh là là kỳ thi khó nhất trong lĩnh vực tài chính với tỷ lệ trúng tuyển khoảng 41-45%. Theo The CFA Institute, bài thi CFA có 2 phần, mỗi phần bao gồm 240 câu hỏi kéo dài trong 6 giờ. Sau khi hoàn thành các bài thi, thí sinh phải dành thêm 2 năm hành nghề chuyên nghiệp để đảm bảo tiêu chuẩn do CFA đề ra. (Ảnh: Business Insider)

Nguồn: Zing News

Tin mới