Quân Tần xưa kia luôn nổi tiếng với nhiều thành tích đáng gờm trên chiến trường. Vào cuối thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, quân đội nhà Tần đã chinh phục 6 quốc gia láng giềng chỉ trong một thập kỷ, lần đầu tiên thống nhất Trung Quốc dưới triều đại của một vị hoàng đế. Từ đó, quân đội nhà Tần đã trở thành huyền thoại nhờ những người lính dũng cảm, những vị tướng xảo quyệt, vũ khí và huấn luyện tinh vi.
Những binh lính đất nung được khai quật từ Hầm số 2. (Ảnh: sixthtone)
Tuy nhiên, những nghiên cứu mới về đội quân đất nung đang hé lộ rằng lực lượng của nhà Tần thậm chí còn tiến bộ hơn nhiều so với giả định trước đây.
Li Shuo, nhà sử học Trung Quốc và là tác giả của cuốn sách “300 Years of North-South War” (Lược dịch: Ba trăm năm chiến tranh Bắc - Nam) nhận định: “Đối với các nhà nghiên cứu hoặc nhà sử học nghiệp dư về các vấn đề quân sự cổ đại, họ hầu như chỉ dựa vào các tư liệu lịch sử. Đội quân đất nung là một ngoại lệ cực hiếm. Những tác phẩm điêu khắc giống như thật cung cấp một cái nhìn sâu sắc vô song về văn hóa và chiến thuật quân sự Trung Quốc cổ đại”.
Một số cải tiến quân sự của nhà Tần đã được biết đến trong nhiều thập kỷ, chẳng hạn như việc họ sử dụng một trung tâm chỉ huy độc lập nhằm giúp các tướng lĩnh quan sát chiến trường tốt hơn. Điều này cũng phản ánh thế giới quan nam nhi của nhà Tần.
Một số khám phá khác gần đây hơn phải kể đến như trận thế hình chữ nhật của quân nhà Tần: Ba hàng quân dàn trận phía trước, hai bên sườn và phía sau là hàng chiến binh giáp nặng, trung tâm trận thế là các chỉ huy cưỡi xe ngựa và các binh lính khác.
Ba kiểu tóc được bộ binh nhà Tần sử dụng để giúp các tướng lĩnh có thể phân biệt các nhóm binh sĩ khi nhìn thoáng qua. (Ảnh: VCG)
Nhà Tần thậm chí còn quy định các kiểu tóc khác nhau cho từng loại bộ binh. Từ lâu, các nhà khảo cổ học khám phá ra các chiến binh ở hầm số 1 đều có một vài kiểu tóc khác nhau, chẳng hạn như tóc búi sau đầu, tóc đuôi ngựa hoặc tóc búi cố định vào đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu sau đó đã tiết lộ rằng kiểu tóc của những người lính cần phải phù hợp với loại thiết bị mà họ mang theo.
Dựa vào phân tích tư thế và cử chỉ tay của các chiến binh, cũng như các mảnh vũ khí được tìm thấy trong các hầm cho thấy, các chiến binh với kiểu tóc búi cố định vào đầu đã sử dụng một loại vũ khí gọi là “pi”. Trong khi đó, các nhân vật buộc tóc đuôi ngựa hoặc búi sau đầu lần lượt sử dụng kích và nỏ.
Quân đội cũng được sắp xếp theo đội hình tùy vào kiểu tóc của họ. Các chiến binh tóc búi sát đầu được bố trí ở hai bên của đội tiên phong, quân búi tóc sau đầu thì tập trung ở trung tâm của đội hình, trong khi bộ binh tóc đuôi ngựa sẽ đứng ở gần phía sau cùng.
“Tại sao lại dùng kiểu tóc để phân biệt? Bởi vì trên chiến trường, đây có thể là dấu hiệu rõ ràng nhất mà các tướng lĩnh có thể phân biệt các nhóm binh sĩ khi nhìn thoáng qua”, Shen Maosheng, trưởng nhóm khai quật hầm số 1 nói với Sixth Tone.
Vũ khí bằng đồng được khai quật từ Hầm số 1. (Ảnh: Rong Bo)
“Lực lượng đặc biệt” bị chôn vùi trong hầm số 2 dường như còn phức tạp hơn. Nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng khu vực này chứa các bức tượng của hơn 900 chiến binh, 470 con ngựa và 80 cỗ xe được chạm khắc tỉ mỉ. Đơn vị này được chia thành bốn đội hình: một đội hình của những người bắn nỏ; một đội hình của kỵ binh; một nhóm xe ngựa; và một đội hình hỗn hợp gồm bộ binh và kỵ binh.
Bốn đội hình xếp thành bốn hình vuông tạo nên một bố cục lồng ghép vào nhau. Các đội hình ô vuông có thể được phân chia hoặc kết hợp tùy thuộc vào tình huống, cho phép mỗi người chiến đấu một mình hoặc trở thành một phần của một tổng thể tích hợp.
Tuy nhiên, những phát hiện này chỉ dựa trên các khảo sát ban đầu và khai quật thử nghiệm. Chỉ một cuộc khai quật đầy đủ mới có thể tiết lộ chính xác hình dáng của những bức tượng được chôn trong Hầm số 2 và cách chúng được sắp xếp.