Toạ lạc phía trên một ruộng muối có diện tích 1.333,33 ha (tương đương 13,3 km2), nhà máy điện mặt trời 3 trong 1 này sử dụng thửa đất rộng có quy mô bằng 1.868 sân bóng đá tiêu chuẩn cho ba chức năng cùng lúc: sản xuất năng lượng từ pin mặt trời, sản xuất muối từ ánh sáng mặt trời và nuôi trồng thủy sản.
Ước tính mỗi năm, nhà máy năng lượng mặt trời Thiên Tân tạo ra khoảng 1,5 tỷ kWh điện sạch, đáp ứng nhu cầu của 1,5 triệu hộ gia đình. Bước tiến kết nối nhà máy tích hợp khổng lồ này với lưới điện đã thể hiện quy mô và khả năng sáng tạo vượt tầm thế giới của Trung Quốc.
Các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên một khu công nghiệp thủy sản hiện đại ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), tận dụng triệt để đất hoang, bờ sông, hồ và mái nhà để xây dựng các dự án phát điện quang điện. (Ảnh: Global Times)
Khoảng cách giữa các dãy tấm pin mặt trời tại đây được mở rộng đến 14 mét - gần gấp đôi khoảng cách thông thường cùng với thiết kế tấm pin đặt nghiêng 17 độ - thay vì nghiêng 40 độ như ở các nhà máy năng lượng mặt trời khác, nhằm tận dụng tối đa lượng ánh nắng mặt trời chiếu vào để phục vụ cho quá trình làm muối.
Một điểm khác biệt làm nên thành công của dự án tích hợp lớn nhất thế giới này là các tấm pin mặt trời được thiết kế có thể hấp thụ năng lượng từ cả hai mặt trước và sau giúp tăng hiệu suất phát điện từ 5-7%.
Theo báo cáo được nhóm dự án công bố, khi hoạt động hết công suất, dự án dự kiến sẽ tiết kiệm 500.000 tấn than tiêu chuẩn mỗi năm và giảm 1,25 triệu tấn khí thải CO2.
Ngoài khu vực Thiên Tân, nhiều địa phương khác ở Trung Quốc cũng được lựa chọn để thử nghiệm mô hình công nghiệp kết hợp khai thác tập trung vào năng lượng mặt trời.
Lin Boqiang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, nói với Global Times rằng, cách tiếp cận tích hợp trong việc sử dụng đất giúp các bên liên quan tạo ra nhiều doanh thu hơn và được thúc đẩy mạnh mẽ cùng lúc bởi nhiều thị trường.
Một ví dụ điển hình của mô hình sản xuất tích hợp tương tự là tại khu tự trị Nội Mông phía Bắc Trung Quốc, nơi bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh đàn cừu đi lang thang và gặm cỏ trên cánh đồng bên trong một cơ sở năng lượng quang điện với các mô đun được lắp đặt ở độ cao chỉ hơn 1,5 mét.
Ở miền Nam Trung Quốc, các tấm pin mặt trời thậm chí được lắp đặt phía trên ao cá hoặc ruộng lúa để tiết kiệm diện tích, tận dụng năng lượng mà không cản trở việc nuôi trồng thủy sản hoặc nông nghiệp.
Theo báo cáo hồi tháng 1 của công ty tư vấn Trung Quốc CINNO Research, vào năm 2022, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực năng lượng mới đạt 9,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,36 nghìn tỷ USD). Trong đó 37% chảy vào thị phần năng lượng gió và mặt trời.
Theo tập đoàn China Huadian Corporation, đơn vị chủ thầu dự án nhà máy năng lượng tích hợp tại Thiên Tân, các dự án khác của công ty đã được đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2023 với tổng công suất lên đến 9,43 triệu kWh - gấp 10,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nghiên cứu của CINNO dự đoán rằng, sự phát triển hiện tại của ngành năng lượng mới sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong vòng 3 - 5 năm tới, khiến ngành này trở thành động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.