Vệc ký kết thành công Hiệp định RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định.
RCEP là thoả thuận thương mại lớn nhất thế giới tạo ra một khu vực mậu dịch tự do với quy mô 2,2 tỷ dân số.
Cuộc đàm phán về Hiệp định RCEP bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh (Campuchia). Ban đầu gồm tất cả 10 quốc gia ASEAN cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Ấn Độ. RCEP bắt đầu như một nỗ lực nhằm tích hợp hiệp định thương mại giữa các quốc gia ASEAN và đối tác thương mại lớn gọi là các đối tác đối thoại thành một hiệp định duy nhất.
Từ ngày 9/5/2013, Hiệp định RCEP bắt đầu được đàm phám.
Trong cuộc đàm phán cuối cùng vào tháng 11/2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận.
Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến tiến độ của RCEP. 15 quốc gia còn lại tiếp tục hướng tới ký kết hiệp định vào năm 2020 và thực hiện vào năm 2021. RCEP sẽ vẫn mở cánh cửa để Ấn Độ tham gia lại khi nước này quyết định thời điểm phù hợp.
Ngày 4/11/2019, 15 quốc gia tham gia Hiệp định RCEP đã hoàn tất giai đoạn đàm phán.
Ngày 23/6/2020, Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP giữa kỳ lần thứ 10 đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm chủ tọa. Bộ trưởng 15 nước tham gia đàm phán RCEP đã tham dự Hội nghị này.
Ngày 15/11/2020, 15 nước thành viên RCEP (trừ Ấn Độ) đã ký kết RCEP. Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày được thông qua bởi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước thành viên không thuộc ASEAN.
Cam kết về thuế của Việt Nam và các nước trong RCEP
Về lộ trình tự do hóa thuế quan của các bên, Việt Nam chào cho các nước ASEAN và các nước đối tác tỷ lệ tự do hóa thuế quan không cao hơn mức cam kết trong các Hiệp định FTA ASEAN +1 hiện hành. Cụ thể chào cho ASEAN là 90,3%, cho Australia và New Zealand là 89,6%, cho Nhật Bản và Hàn Quốc là 86,7%. Với Trung Quốc, ta chào tỷ lệ tự do hóa thuế quan 85,6% (phù hợp với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định FTA ASEAN-Trung Quốc và chính sách thuế hiện hành của ta, nhằm giảm tối đa khả năng tăng nhập siêu từ thị trường này khi thực thi Hiệp định RCEP).
Các nước đối tác chào cho Việt Nam tỉ lệ tự do hóa thuế quan cao hơn ta chào cho các nước đối tác tương ứng, cụ thể Australia xóa bỏ 92%, New Zealand xóa bỏ 91,4%, Nhật Bản xóa bỏ 90,4%, Hàn Quốc xóa bỏ 90,7% và Trung Quốc xóa bỏ 90,7%.