Ung thư xương là sự xuất hiện một khối u ác tính ở trong xương. Những khối u này thường phát triển rất mạnh và cạnh tranh với những mô xương lành, có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh.
Ung thư xương có thể là nguyên phát (ung thư phát sinh tại chỗ) hoặc ung thư xương thứ phát (di căn từ cơ quan khác đến xương). Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết bệnh ung thư xương rất hiếm gặp, đặc biệt là nhóm ung thư xương nguyên phát chỉ chiếm khoảng 0,5%.
Bệnh hầu hết gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi (từ 10 đến 25 tuổi). Nguyên nhân chủ yếu của ung thư xương nguyên phát là do rối loạn di truyền liên quan đến quá trình phân bào có gene biến dị. Một số nguyên nhân khác bao gồm bức xạ ion hóa trong quá trình xạ trị, chấn thương...
Ung thư xương thứ phát hay gặp hơn, thường ở người lớn tuổi. Theo bác sĩ Khánh, loại ung thư hay di căn đến xương khớp nhất là ung thư phổi, chiếm khoảng 30%, tiếp đến là ung thư vú ở nữ giới (khoảng 24%), đa u tủy xương (13%), ung thư đường tiêu hóa (9%) và ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới (8%).
Triệu chứng nổi bật nhất của ung thư xương là đau nhức. (Ảnh: Medical News Today)
Ở giai đoạn đầu, ung thư xương thường không có biểu hiện hoặc biểu hiện không rõ ràng. Đến giai đoạn muộn hơn, bệnh có các triệu chứng đau, sưng nổi u cục, rối loạn chức năng xương, gãy xương, suy nhược cơ thể...
Trong đó, triệu chứng nổi bật nhất của ung thư xương là đau nhức. Đau thường khu trú một vị trí nhất định, tăng về đêm và cường độ tăng dần theo thời gian. Những bệnh nhân ở giai đoạn cuối thường gặp những vấn đề như mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn...
Bên cạnh đó, khi khối u di căn sang các bộ phận khác, chẳng hạn như phổi sẽ gây ra tình trạng ho dai dẳng, khó thở, tràn dịch màng phổi. Khối u di căn lên gan gây vàng da, vàng mắt, gan to, nước tiểu sậm màu.
Để giúp chẩn đoán xác định ung thư xương (cả nguyên phát và di căn), bệnh nhân cần được thực hiện một vài hoặc tất cả những thăm dò như chụp phim X-quang xương các bình diện, chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ vùng tổn thương, đo xạ hình xương, sinh thiết vùng tổn thương để xét nghiệm tế bào học.
Ngoài ra khi nghi ngờ là ung thư xương do di căn từ cơ quan khác đến, chúng ta cần thực hiện thêm một số thăm dò bổ sung tùy trường hợp cụ thể như chụp X-quang phổi, siêu âm tuyến vú, tuyến giáp, tuyến tiền liệt, xét nghiệm yếu tố ung thư trong máu, nội soi dạ dày, đại tràng, chụp PET..
"Bệnh có thể chữa được nếu phát hiện và điều trị kịp thời", bác sĩ nói.
Về điều trị, với ung thư xương nguyên phát ở người trẻ, sử dụng hóa chất trước phẫu thuật kết hợp phẫu thuật loại bỏ vùng tổn thương u cho kết quả rất khả quan, tỷ lệ sống trên 5 năm có thể lên đến 60->70%. Xạ trị chọn lọc vùng tổn thương cũng mang đến kết quả rất tốt.
Với ung thư xương thứ phát, tiên lượng kém hơn vì nhóm bệnh này thường xuất hiện ở người lớn tuổi, kèm theo có tổn thương ung thư ở một hoặc nhiều cơ quan khác (nguyên phát).
Chiến lược điều trị ung thư xương thứ phát phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thể trạng bệnh nhân, ung thư nguyên phát là ở cơ quan nào, ung thư di căn đến một xương hay nhiều xương, quyết tâm của bệnh nhân và gia đình.. Mục đích ưu tiên trong điều trị vẫn là chất lượng sống (giảm đau) cho bệnh nhân. Phương pháp điều trị gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị...
Để phòng tránh ung thư xương nói riêng và các loại ung thư nói chung là cần sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ.