Trong 9 năm điều hành của ông Trần Bắc Hà, ngân hàng BIDV vẫn tăng trưởng đều đặn song hiệu quả kinh doanh lại kém xa so với một số nhà băng cùng quy mô.
Sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, năm 2016, BIDV ghi nhận kết quả kinh doanh èo uột, trong đó huy động vốn tăng 21,1% đạt hơn 797,7 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 17,85%, đạt hơn 751,4 nghìn tỷ đồng.
Lần đầu tiên khối nợ xấu của BIDV được lộ diện rõ ràng với dư nợ xấu tăng vọt 40% lên tới 14.429 tỷ đồng (chiếm 1,95% dư nợ), trong đó nợ nhóm 5 - có nguy cơ mất vốn chiếm tới 6.911 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng nhanh khiến BIDV phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp đôi năm trước, tới 9.198 tỷ đồng. Chi phí dự phòng này đã “ngốn” quá nửa lợi nhuận kinh doanh, khiến lãi trước thuế của ngân hàng còn 7.709 tỷ đồng, chỉ tăng 3,2% so với năm trước và lãi sau thuế 6.229 tỷ đồng.
Dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV đối mặt với nhiều 'con nợ' lớn.
Dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV phải đối mặt với vấn đề xử lý nợ xấu khổng lồ, nhất là các khoản nợ xấu từ nhóm khách hàng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Thời điểm ông Hà nghỉ hưu vào 1/9/2016, HAGL bị lỗ luỹ kế 9 tháng lên tới 896 tỷ đồng và “chìm” trong khối nợ vay khủng lên tới 25.850 tỷ đồng…
Lũy kế cả năm 2016, Công ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai bị lỗ trước thuế hơn 1.980 tỷ đồng và là lần đầu tiên HAG báo lỗ trong vòng 10 năm qua. Năm 2017, tập đoàn mới khắc phục thua lỗ, báo lãi trước thuế 430 tỷ đồng..
Theo báo cáo hợp nhất, tổng nợ phải trả đến cuối năm 2016 của HAGL tăng vọt lên 36.103 tỷ đồng. Điểm đáng ngại là dòng tiền trả nợ của HAGL chủ yếu từ vay nợ 9.000 tỷ đồng, song đem trả nợ tới 9.879 tỷ đồng và áp lực “đảo nợ” ngày càng khó khăn khi lượng tiền vay được năm 2016 chỉ bằng 60% so với năm trước.
Thời gian cuối kỳ điều hành, ông Trần Bắc Hà đã phải họp bàn với hàng chục chủ nợ ngân hàng khác để tìm cách “giải cứu” khối nợ cho Hoàng Anh Gia Lai. Tập đoàn này có dư nợ hơn 10.862 tỷ đồng tại BIDV và công ty chứng khoán BSC của ngân hàng.
Hoàng Anh Gia Lai là con nợ của BIDV dưới thời ông Bắc Hà.
"Chúa nợ" HAGL đã được “giải cứu” tạm thời nhờ các ngân hàng chủ nợ cơ cấu lại, giãn hoãn thời gian trả nợ. Trong đó, 7 chủ nợ đã chấp nhận cơ cấu giãn lại hơn 12.360 tỷ đồng nợ trái phiếu trong khoảng 10 năm (từ năm 2017-2026) cho HAGL.
Riêng BIDV và Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã cơ cấu lại khối nợ trái phiếu 6.546 tỷ đồng này được phát hành ngày 31/12/2016, sẽ đáo hạn vào năm 2021 và 2026. Đến cuối năm 2017, HAGL vẫn còn dư nợ vay ngắn hạn hơn 172 tỷ đồng và hơn 5.876 tỷ đồng nợ trái phiếu tại BIDV (được đảm bảo bằng tài sản dự án cao su, đất đai và 45 triệu cổ phiếu HAG…).
Một sai phạm nghiêm trọng khác của ông Trần Bắc Hà là việc cho 12 công ty của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) vay 4.700 tỷ đồng.
Trong đại án VNCB đưa ra xét xử, nhóm công ty của Phạm Công Danh được lập ra chóng vánh, để “vẽ” hồ sơ vay vốn của BIDV, rút tiền đem mua cổ phần ngân hàng TrustBank… Thực tế, VNCB hoạt động yếu kém, sai phạm nghiêm trọng, thua lỗ âm vốn, còn các lãnh đạo rút ruột, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng vốn của ngân hàng.
Ngoài ra, BIDV còn cho vay nhiều doanh nghiệp, dự án lớn gây ra nợ xấu lớn hàng nghìn tỷ đồng. Mới đây, BIDV đã phải rao bán tài sản, xử lý thu hồi nợ gốc và lãi vay hơn 2.278 tỷ đồng của CTCP Thuận Thảo (Sài Gòn)…