Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những cô dâu đặc biệt trên sóng truyền hình

(VTC News) -

Họ là những cô dâu có những câu chuyện đặc biệt từng xuất hiện trên truyền hình và để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc.

Lần đầu diện áo cưới sau gần 60 năm kết hôn

Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng ông Nguyễn Cảnh Thiệm (78 tuổi) và bà Phan Thị Nhung (73 tuổi) sống tại Nghệ An là nhân vật của chương trình "Tình trăm năm" số 111. Ông Thiệm là người mù cả hai mắt ngay từ nhỏ, bà Nhung lại là trẻ mồ côi, hai ông bà được mai mối cho nhau. Ngày cưới nhau, đời sống cực khổ không có bất cứ sính lễ nào, cho nên đôi vợ chồng chỉ đến với nhau bằng những điều đơn sơ nhất.

Vợ chồng ông Nguyễn Cảnh Thiệm (78 tuổi) và bà Phan Thị Nhung (73 tuổi).

Cuộc sống sau đó lại là những ngày cơ cực, không có cơm ăn, phải lấy rau má cắt nhuyễn để ăn chung với cháo. Chưa dừng lại ở đó, ông bà phải vay tiền, vay lúa, vay gạo... để sống qua ngày. Gánh nặng càng trĩu sâu hơn khi đời sống ông bà có thêm 5 người con phải vừa nuôi ăn, nuôi học.

Vất vả đến thế, ông bà vẫn cố gắng từng ngày để các con được thành tài, có gia đình ổn định. Hiện nay, con cái cũng đã có công ăn việc làm, ông bà cũng đã được thảnh thơi hơn trước, nhưng tuổi thanh xuân đã qua đi, hai vợ chồng cũng xấp xỉ gần 80 tuổi. Cả đời dành trọn tình thương cho con cho cháu, ông bà đâu mấy khi bận tâm đến câu chuyện kết hôn đã qua đi cách đây mấy chục năm.

Hai ông bà mang đến "Tình trăm năm" nhiều phút giây xúc động

Để tạo niềm vui, bất ngờ cho ba mẹ, cô con gái út của ông bà đã đăng ký cho ông bà tham gia "Tình trăm năm", đồng thời cũng tự tay cùng các anh chị lớn chuẩn bị áo cưới, nhẫn cưới để ông bà có những khoảnh khắc đầy ý nghĩa. Mấy chục năm trời sống cùng nhau, lần đầu tiên được bận lên người bộ đồ cưới, ông bà hết sức xúc động với tình cảm của các con dành cho. Hình ảnh ý nghĩa này đã để lại cho khán giả nhiều suy nghĩ và cảm nhận những năng lượng tích mà hai ông bà đã lan tỏa.

Cô dâu U50 và bộ ảnh cưới đầu tiên sau 1 năm kết hôn

Từng là khách mời đặc biệt trong chương trình "Vợ chồng son", nhân vật anh Nguyễn Văn Tám (1972) và chị Nguyển Thị Vân Khanh (1974) đã mang đến câu chuyện vô cùng đáng nhớ với khán giả. Anh Tám vốn là người khiếm thị, làm nghề massage và trong một lần tham gia nhóm thiện nguyện anh gặp được chị Vân Khanh. Được mọi người "ủng hộ" anh chị làm quen và tiến đến hôn nhân.

Chị Vân Khanh và anh Tám khi kết hôn chưa được chụp ảnh cưới

Gia cảnh cả hai đều khó khăn, hằng ngày chị Vân Khanh vẫn một tay phụ giúp anh Tám trrong công việc. Đồng thời, toàn tâm toàn ý chăm sóc cho chồng mà không một lời than oán. Kết hôn khi ở độ tuổi đã gần 50, nhưng cả hai vẫn tràn đầy những yêu thương không hề "kém cạnh" các cặp đôi trẻ.

Kết hôn vào đầu tháng 10/2021, thời điểm đó TP.HCM vừa kết thúc giãn cách xã hội sau nhiều tháng dịch bệnh hoành hành. Thế nhưng mọi sinh hoạt vẫn còn đang phải kiểm soát gắt gao, anh chị "tranh thủ" tổ chức lễ cưới cùng nhau vì sợ "biến cố" sẽ lại tiếp tục giãn cách.

Đám cưới rất đơn sơ, chỉ là các nghi lễ ra mắt gia tiên đơn giản, cùng một vài người thân. Áo cưới chị Vân Khanh cũng chưa một lần được mặc. Ngày cưới với chị chỉ là bộ áo dài đơn sơ, mộc mạc cũng không được chụp ảnh vì lúc đó không có thợ.

Dù đời sống còn khó khăn nhưng hai anh chị vẫn lạc quan

Đến tham gia "Vợ chồng son", nhân cơ hội được mặc váy cưới, chị Vân Khanh đã nhờ chương trình lưu giữ lại giúp chị những khoảnh khắc đẹp nhất này. Và ekip đã giúp chị Vân Khanh cùng anh Tám thực hiện bộ ảnh cưới. Tuy đơn sơ nhưng đó là những gì chân thành nhất, yêu thương nhất mà ekip "Vợ chồng son" dành cho hai vợ chồng.

Vợ cầu hôn chồng: "Kiếp sau anh làm vợ em nhé!"

Nhà thơ Hồng Lam (tên thật Nguyễn Phước, 61 tuổi) cùng bà xã là cô Lê Thị Hoa (58 tuổi) kết hôn 31 năm, từng xuất hiện trong chương trình "Tình trăm năm" số 108. Ít có ai biết được, một nhà thơ Hồng Lam thành danh, có dấu ấn trong lòng độc giả như ngày hôm nay lại từng trải qua những ngày tháng tuổi trẻ đầy cơ cực.

Kết hôn với cô Hoa khi chỉ có một ngôi nhà nhỏ, xiêu vẹo chẳng khác túp lều ở thành phố. Chuyện sinh hoạt vợ chồng phải làm thật nhẹ nhàng vì có mẹ chồng cùng sống chung nhưng nhà không có vách ngăn. Chú Hồng Lam và cô Hoa đã đi qua những ngày nghèo khó với nghề xửa xe đầy cực khổ.

Câu chuyện hôn nhân còn gặp nhiều "thử thách" hơn nữa khi ngoài cơm áo gạo tiền, cô Hoa còn chịu áp lực từ mẹ chồng. Do khác biệt về quan điểm sống, nên giữa hai mẹ chồng nàng dâu có những điều không thuận thảo với nhau, cô Hoa từng bỏ nhà chồng đề về quê sinh sống.

Vợ chồng nhà thơ Hổng Lam và cô Lê Thị Hoa

Đi qua những khó khắn đó, cô chú đã hiểu nhau hơn và có hai người con trai ngoan ngoãn, giỏi giang. Vì nghèo khó, ngày xưa chưa có điều kiện nên khi tham gia "Tình trăm năm", hai cô chú đã "diện" đồ cưới, và chuẩn bị nhẫn cưới trao nhau, coi như kết hôn một lần nữa. Tại đây, cô Hoa đã cầu hôn chú Hồng Lam, và ra lời đề nghị: "Kiếp sau vẫn là vợ chồng, nhưng anh sẽ là vợ em". Chú Lam vui vẻ đáp lời: "Làm vợ cũng được nhưng anh không biết nấu ăn đâu đấy!".

Cô Hoa cầu hôn chú Hồng Lam

Mỗi cặp vợ chồng, mỗi câu chuyện hôn nhân đều có một màu sắc của riêng các cặp đôi. Và đối với những ông bà, cô chú lớn tuổi, câu chuyện của họ sẽ có ý nghĩa nhiều hơn. Vì ở đó, không chỉ có hạnh phúc, không chỉ có màu hồng mà có hết mọi thăng trầm, sướng vui, đau khổ mà họ trải qua. Và tất cả những câu chuyện đều đáng quý, đều cho chúng ta một ý nghĩa để trân trọng. Từ đó, lấy cảm hứng, kinh nghiệm để sống và yêu thương nhau nhiều hơn.

Hiểu Thiên (Ảnh: Khoa Nguyễn)

Tin mới