Miễn nhiệm Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao khi bị khiển trách 2 lần trở lên
Thông tư 01/2024 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, điều tra viên, cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/6.
Đáng chú ý, điều 18 của thông tư quy định căn cứ miễn nhiệm đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo đó, ngoài căn cứ miễn nhiệm quy định tại Điều 56 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bị miễn nhiệm nếu thuộc một trong các trường hợp:
Có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế.
Bị kỷ luật khiển trách 2 lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm; Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; Có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên tại kỳ lấy phiếu theo quy định.
Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.
Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.
Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật, cũng là trường hợp Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bị miễn nhiệm nếu mắc phải.
Thông tư cũng nêu rõ, việc xem xét miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
Bổ sung trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép
Cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6, Nghị định số 41/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
So với Nghị định 10/2020, Nghị định 41/2024 bổ sung thêm trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.
Theo đó, nhà xe sẽ bị thu hồi giấy phép nếu không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 6 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời gian 6 tháng liên tục trở lên.
Nhà xe cũng bị thu hồi giấy phép nếu không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu cũng sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.
Nghị định 41/2024 cũng quy định, khi cơ quan cấp giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh đối với loại hình kinh doanh vận tải có vi phạm, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, đồng thời dừng hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu theo đúng quyết định thu hồi, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh chỉ cấp lại giấy phép này sau thời gian 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục).
Trường hợp quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh mà đơn vị kinh doanh vận tải không nộp giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu hoặc có nộp nhưng không đủ theo quyết định thu hồi, Sở Giao thông vận tải chỉ cấp lại giấy phép kinh doanh sau thời gian 45 ngày (hoặc 90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại đủ giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi.
Sau khi có quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu mà đơn vị kinh doanh vận tải xin cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu với lý do bị mất, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải không thực hiện cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu.
Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng hạ tầng giao thông đường bộ tối đa 10 năm
Nghị định số 44/2024 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 10/6.
Trong đó, nghị định quy định chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ cho tổ chức theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.
Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.
Phạm vi tài sản được chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hoặc một phần tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thu phí sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật (trừ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí).
Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa là 10 năm, phù hợp với từng tài sản (một phần tài sản) kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan, người có thẩm quyền quy định.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân" nghề thủ công mỹ nghệ
Nghị định số 43/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 6/4, quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hoạt động xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Theo nghị định, danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân đã được tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và đạt các tiêu chuẩn: Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.
Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên; Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước; Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc.
Cũng theo nghị định, Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" được thành lập ở từng cấp Hội đồng (Hội đồng cấp tỉnh; Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ; Hội đồng cấp Nhà nước), theo từng lần xét tặng, các Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" có nhiệm vụ tổ chức việc xét tặng bảo đảm đúng quy định; công khai danh sách các cá nhân đề nghị xét tặng và kết quả xét chọn trên các phương tiện truyền thông; hoàn chỉnh hồ sơ xét tặng, trình Hội đồng có thẩm quyền; xem xét, giải quyết các kiến nghị liên quan đến việc xét tặng.