Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

(VTC News) -

Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, Bộ Công an cấp phép xe nước ngoài vào Việt Nam… là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Giá điện được điều chỉnh 3 tháng một lần

Từ 15/5, khi Quyết định số 05/2024 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có hiệu lực, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Như vậy, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá điện.

Theo quyết định, trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Giá điện điều chỉnh 3 tháng/lần từ ngày 15/5. (Ảnh: EVN)

Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm, quyết định của Thủ tướng nêu, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. 

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng.

Tiêu chuẩn chung với chức danh công chức lãnh đạo, quản lý

Nghị định số 29/2024 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5.

Nghị định quy định tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý gồm: tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng; tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; tiêu chuẩn về trình độ; tiêu chuẩn về năng lực và uy tín; tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác.

Ngoài ra, Nghị định số 29/2024 quy định cụ thể các tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ, tổng cục và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao quyết định bổ nhiệm cho Thứ trưởng Hồ An Phong hồi đầu tháng 3. (Ảnh: bvhttdl.gov.vn)

Cụ thể, với chức danh Thứ trưởng thuộc Bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung áp dụng đối với chức danh công chức lãnh đạo, quản lý và các quy định như có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử; am hiểu sâu sắc về pháp luật, quản lý nhà Nước về ngành, lĩnh vực quản lý và thông lệ quốc tế.

Thứ trưởng cũng phải là người có năng lực, tham mưu hoạch định những vấn đề chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án, chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ và hằng năm của ngành, lĩnh vực...

Theo nghị định, người được bổ nhiệm Thứ trưởng phải đang giữ các chức vụ: Tổng Cục trưởng và tương đương; Phó Tổng Cục trưởng và tương đương (đã kinh qua chức vụ Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ); Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ; Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp tỉnh hoặc chức vụ, chức danh tương đương trở lên theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm.

Theo đó, trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài, không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn đã kinh qua vị trí chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý ở vị trí cấp dưới trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến bổ nhiệm. 

Trường hợp Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm chức vụ, chức danh khác thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm. 

Trường hợp đang công tác trong lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước, Chính phủ yêu cầu phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại nghị định này, nhưng không phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về quản lý Nhà nước theo quy định của chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm.

Nghị định của Chính phủ nêu rõ, đối với các trường hợp này phải hoàn thiện tiêu chuẩn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bị phạt tới 2 tỷ đồng

Có hiệu lực từ ngày 20/5, Nghị định số 38/2024 của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Theo nghị định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện trong lĩnh vực thủy sản là 1 tỷ đồng. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngư dân Khánh Hòa đánh bắt cá ngừ. (Ảnh: TTXVN) 

Nghị định của Chính phủ cũng quy định hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản bị phạt tiền từ 5 triệu đến 200 triệu đồng.

Đối với một trong các hành vi thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, đường di cư của loài thủy sản; không tạo đường di cư hoặc dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ công trình hoặc có hoạt động liên quan đến đường di cư của loài thủy sản bị phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Nghị định quy định phạt 70 - 90 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu mực) khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác thuỷ sản hoặc khu vực cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định quy định phạt 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hoặc chưa được công nhận hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cấp phép xe nước ngoài vào Việt Nam

Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2024 quy định về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch, có hiệu lực từ ngày 1/5.

Theo đó, phương tiện cơ giới và người nước ngoài muốn tham gia giao thông ở Việt Nam cần thông qua công ty dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam để làm thủ tục cấp phép. Nếu đầy đủ điều kiện, Bộ Công an sẽ cấp văn bản đồng ý.

Bộ Công an sẽ thực hiện việc cấp phép cho các phương tiện cơ giới nước ngoài và người nước ngoài điều khiển phương tiện được tham gia giao thông trong lãnh thổ Việt Nam. (Ảnh: Vietnamnet)

Phương tiện mang vào Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu như xe cơ giới đường bộ có gắn biển số, có giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Với tô có tay lái ở bên phải cần có công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự hoặc đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam. Công hàm sau đó gửi về Bộ Công an nêu rõ lý do.

Một điều kiện khác được nêu tại nghị định là phương tiện chỉ được tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, thủy nội địa, đường sắt và hàng không. Phương tiện cần tạm nhập, tái xuất theo đúng cửa khẩu đã được Bộ Công an chấp thuận.

Nghị định của Chính phủ cũng quy định thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 45 ngày, trường hợp bất khả kháng được thêm không quá 10 ngày.

Người điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam, trừ trường hợp được miễn thị thực. Trường hợp nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng; có giấy phép lái xe do nước ngoài cấp phù hợp với loại xe điều khiển và còn hiệu lực...

Về trình tự xin thủ tục cấp phép, theo nghị định, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành gửi đến Bộ Công an bộ hồ sơ, trong đó có công văn đề nghị chấp thuận được tổ chức cho người nước ngoài mang phương tiện vào tham gia giao thông tại Việt Nam, danh sách người lái xe...

Chậm nhất sau 5 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Công an sẽ có văn bản trả lời chấp nhận hoặc không. Văn bản đồng ý của Bộ Công an được thông báo đến các Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố có liên quan để cùng quản lý.

Anh Nhật - Nguyễn Liễu

Tin mới