Nhà, đất công không để ở sẽ được cho thuê với thời hạn tối đa 5 năm
Nghị định số 108/2024 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác, có hiệu lực từ ngày 15/10.
Theo đó, loại nhà, đất này sẽ được phép cho thuê lại để sử dụng vào mục đích khác như sản xuất, kinh doanh.
Các lô đất được đưa ra đấu giá tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) hồi tháng 8. (Ảnh:VGP)
Chính phủ quy định giá thuê sẽ được xác định qua đấu giá, với thời hạn cho thuê tối đa 5 năm. Trường hợp nhà, đất thuộc diện tạm quản lý trong khi chờ xử lý vướng mắc, thời hạn thuê không quá 3 năm. Hợp đồng sẽ được gia hạn nhưng không quá thời gian cho thuê liền kề trước đó.
Trong trường hợp bên thuê là tổ chức hội nghề nghiệp chưa có trụ sở hoặc tiền thuê dưới 50 triệu đồng/năm thì mức thuê sẽ áp dụng theo phương thức niêm yết giá.
Mức giá cho thuê dựa trên bảng giá và có thời hạn 5 năm và thay đổi 5 năm. Các phương thức đưa ra giá thuê bao gồm niêm yết giá, đấu giá quyền thuê nhà, đất do UBND cấp tỉnh thực hiện. Việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật.
Về đối tượng cho thuê nhà, đất không dùng mục đích để ở, Chính phủ đưa ra danh mục đối tượng ưu tiên: Tổ chức hội có tính chất đặc thù theo quy định của pháp luật về hội, thuê để đóng trụ sở nếu chưa có nơi làm việc; cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường...
Về quản lý tiền cho thuê, Nghị định số 108/2024 quy định tổ chức, cá nhân là bên thuê nhà, đất phải trả tiền đầy đủ cho bên cho thuê đúng thời hạn quy định tại hợp đồng thuê nhà. Nếu quá thời hạn thanh toán, bên thuê sẽ phải nộp khoản tiền chậm nộp cho bên cho thuê.
Cũng theo Nghị định của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng nhà, đất tạm thời có trách nhiệm thanh toán chi phí sử dụng tạm thời nhà, đất cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà theo quy định.
4 trường hợp bị cấm hành nghề công tác xã hội
Nghị định 110/2024 của Chính phủ quy định chi tiết 4 trường hợp bị cấm hành nghề công tác xã hội kể từ ngày 15/10.
Cụ thể: Người bị kết án mà chưa được xóa án tích; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Tại Nghị định này, Chính phủ cũng quy định cụ thể 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội.
Một là, cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Hai là, từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Ba là, lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
Bốn là, lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.
Năm là, thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thoả thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Sáu là, lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo Nghị định 110/2024, người hành nghề công tác xã hội được cấp 1 giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề được cấp có giá trị trong phạm vi toàn quốc và có thời hạn hiệu lực 5 năm.
Ngoài ra, giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội bị thu hồi trong trường hợp: giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội; người hành nghề công tác xã hội không hoàn thành yêu cầu cập nhật kiến thức công tác xã hội; người hành nghề công tác xã hội tự đề nghị nộp lại giấy chứng nhận đăng ký hành nghề; người hành nghề công tác xã hội thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề theo quy định.
Cấm người có chức vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông lập doanh nghiệp trong 15 lĩnh vực
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 09/2024 quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi giữ chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thông tư này áp dụng đối với người có chức vụ, quyền hạn sau khi thôi chức vụ thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Toàn cảnh hội nghị giao ban quản lý Nhà nước quý 2/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông với các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố. (Ảnh: mic.gov.vn)
Thông tư quy định 15 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, gồm: Báo chí; Xuất bản, in và phát hành; Phát thanh, truyền hình; Thông tin điện tử; Thông tin đối ngoại; Thông tin cơ sở; Bưu chính; Viễn thông; Tần số vô tuyến điện.
Công nghiệp công nghệ thông tin; Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; An toàn thông tin mạng; Giao dịch điện tử; Quản lý doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông làm đại diện chủ sở hữu; Chương trình, đề án, dự án thuộc các lĩnh vực, nhiệm vụ được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9,10, 11, 12, 13, 14.
Về thời hạn, Thông tư nêu rõ, trong thời hạn đủ 24 tháng kể từ ngày thôi chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các lĩnh vực trên không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10.
Sửa đổi quy định mua sắm tài sản công
Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10.
Theo Nghị định mới, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định trên được thực hiện như sau:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương) quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Chính phủ quy định căn cứ phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Việc mua sắm tài sản quy định trên không bao gồm mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước. Việc mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.