Nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng nhận xét về loạt bài "Những chiến sỹ hy sinh trong vụ tập kích Sơn Tây".
Nhà văn Đặng Vương Hưng từng là một nhà báo chuyên viết phóng sự và tư liệu về đề tài chiến tranh.
Phóng sự - hồi ký “Sự thật về vụ tập kích cứu phi công Mỹ tại Sơn Tây” được đăng tải trên báo An ninh thế giới và trong cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” của ông đã giải đáp được nhiều điều mà công chúng quan tâm bằng việc cung cấp những thông tin “hậu trường”, góp phần “giải mã” những bí mật chiến tranh.
Tuy vậy, danh tính một số bộ đội trong khu vực trại giam Sơn Tây bị biệt kích Mỹ sát hại không được nhắc đến trong các tác phẩm của nhà văn Đặng Vương Hưng. Đây cũng là điều khiến ông đau đáu, nuối tiếc khi chưa thể thực hiện được.
- Là người từng có những tác phẩm báo chí, cuốn sách viết về cuộc tập kích Sơn Tây, xin nhà văn Đặng Vương Hưng đưa ra một vài nhận xét về loạt bài “Những chiến sỹ hy sinh trong vụ tập kích Sơn Tây” của Báo điện tử VTC News?
Thời điểm thực hiện những bài báo cũng như cuốn sách tôi rất muốn xác minh những thông này nhưng không thể.
“Những chiến sỹ hy sinh trong vụ tập kích Sơn Tây” đăng tải trên Báo điện tử VTC News giúp giải đáp khúc mắc trong tôi hàng chục năm qua về tên tuổi, quê hương và thân nhân của những chiến sỹ hy sinh tại nhà tù Tây Sơn. Loạt bài đã làm sáng tỏ góc khuất của lịch sử, để nhiều người biết đến sự kiện cách đây hơn 50 năm.
Tôi cho rằng mỗi giai đoạn sẽ có cái nhìn sự kiện lịch sử khác nhau, vậy nên cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” viết từ năm 1998 và được ông bổ sung tư liệu, chi tiết dần dần.
Và điều đáng mừng là các cơ quan thông tấn, báo chí cùng đội ngũ nhà báo, phóng viên hiện nay rất quan tâm các sự kiện lịch sử. Họ chịu khó tìm kiếm nạn nhân, nhân vật liên quan như VTC News đã làm, điều này giúp người đọc tiếp cận những thông tin đa chiều, toàn cảnh hơn.
- Trong quá trình tiếp cận những dữ liệu lịch sử, phóng viên VTC News gặp nhiều khó khăn khi các cơ quan chức năng không có tài liệu liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng, “không nên khơi lại câu chuyện đã qua”. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?
Hiển nhiên nỗi đau, sự mất mát thì không ai muốn nhắc lại. Đó không chỉ là nỗi buồn của gia đình các nạn nhân mà còn là nỗi buồn của chiến tranh.
Nhưng nhiệm vụ của người nghiên cứu lịch sử, người làm báo chí truyền thông phải làm rõ sự thật, ngọn nguồn câu chuyện, giải đáp thắc mắc.
Không phải khơi lại nỗi đau, khơi lại hận thù dân tộc, không phải nhắc lại sai lầm… lịch sử diễn ra như thế nào chúng ta phải tôn trọng, để lại bài học cho hậu thế. Vấn đề là chúng ta nhìn ở góc độ nào, sự thật thì vẫn mãi là sự thật.
- Đến nay, cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” đã có nhiều lần tái bản để thêm chi tiết mới. Vậy sau khi VTC News công bố những thông tin mới, chưa từng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông có dự định khai thác nhằm bổ sung cho cuốn sách của mình?
Những thông tin liên quan đến danh tính, thân nhân các chiến sỹ hy sinh tại trại giam Sơn Tây mà VTC News đã có là rất quý giá, nếu có điều kiện tôi cũng mong muốn khai thác.
Miễn là những chi tiết, tư liệu đó có lợi cho cái chung, có lợi cho cộng đồng và xã hội, có lợi cho cuộc sống hòa bình của chúng ta hôm nay…
- Xin nhà văn chia sẻ cơ duyên để khai thác sự kiện tập kích Sơn Tây và viết cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam”?
Năm 1997, tôi được Tổng biên tập Báo An ninh thế giới Nguyễn Hữu Ước giao đi viết loạt bài dài kỳ về cuộc đột kích cứu phi công Mỹ tại trại giam Sơn Tây (ngày 20/11/1970).
Thời điểm Mỹ đổ bộ vẫn đang chiến tranh nên thông tin đến với người dân hạn chế nên sinh ra nhiều ý kiến phỏng đoán. Có người nói rằng Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ đã dẫn quân Mỹ đến đó, rồi bí mật nọ, bí mật kia…
Ngược lại với trong nước, báo chí nước ngoài viết rất nhiều về sự kiện này, thậm chí cả báo chí của các nước xã hội chủ nghĩa cũng đề cập đến. Một số con cháu, gia đình nạn nhân ở Sơn Tây cũng đọc thông tin qua báo chí nước ngoài.
Do được công tác trong lực lượng an ninh mà làm báo nên tôi có một số thuận lợi để giải mã những bí ẩn, sự kiện lớn trong lịch sử chiến tranh. Tôi bắt đầu khai thác kho tư liệu, tiếp xúc trực tiếp với một số cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ xử lý tàn dư vụ việc ở Sơn Tây, đó là cảnh sát khu vực, chỉ huy công an thị xã Sơn Tây… cùng các nhân chứng.
Khai thác nhiều nguồn tư liệu khác nhau, bức tranh toàn cảnh bắt đầu hiện lên. Tôi đã viết hơn chục số báo liên quan đến vụ tập kích Sơn Tây, mỗi kỳ báo thu hút rất nhiều bạn đọc.
Sau loạt bài đăng tải trên Báo An ninh thế giới, tôi nhận được thấy bạn đọc rất quan tâm mảng tư liệu chiến tranh, đặc biệt là sự thật lịch sử, những bí ẩn lịch sử… nên quyết định phải viết sách về vấn đề này.
- Trong quá trình khai thác những thông tin lịch sử, ông gặp phải khó khăn gì?
Trước khi những bài báo viết về tập kích Sơn Tây của tôi đăng tải, nhà báo Xuân Ba - Báo Tiền phong, có viết “Hỏa Lò tò mò ký”, phác họa một chút thông tin về phi công Mỹ khi bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Tuy nhiên viết cũng rất dè dặt, chỉ tiếp cận qua lời kể của Thượng tá Hoắc - giám thị của Hỏa Lò.
Những thông tin về tù binh Mỹ là phi công rất ít người biết, gần như có một điều cấm kỵ dù không có văn bản quy định nhưng báo giới không được nói nhiều bởi nó liên quan đến an ninh quốc gia, đối ngoại…
Bên cạnh đó, sau năm 1975, ở Mỹ có rất nhiều luồng thông tin. Còn nhiều ý kiến cho rằng chúng ta vẫn chưa trao trả hết tù binh Mỹ, vẫn có ý kiến chúng ta đã ngược đãi với tù binh Mỹ.
Thậm chí có người nói tốt về Việt Nam nhưng khi ra trước công chúng, ra trước nghị trường Quốc hội thì lại nói rằng bị tra tấn, ngược đãi khi bị bắt giam tại Việt Nam… Ông John McCain là một ví dụ điển hình (John McCain từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam với tư cách là phi công hải quân. Khi thực hiện cuộc ném bom ngày 26/10/1967, máy bay của McCain bị bắn trúng trên bầu trời Hà Nội và ông trở thành tù binh chiến tranh. Sau này ông là Thượng nghị sĩ, cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ - PV).
Tôi nhận định, phi công Mỹ ở Việt Nam là vấn đề lớn, không chỉ giới hạn ở cuộc tập kích Sơn Tây nên đã xây dựng đề án cuốn sách “Tù binh Mỹ ở Việt Nam”.
Tựa đề ban đầu là “Tù binh Mỹ ở Việt Nam” nhưng khi cuốn sách hình thành bản thảo thì thấy rằng vấn đề tù binh quá nhạy cảm, cuối cùng tôi quyết định đổi tên thành “Phi công Mỹ ở Việt Nam”. Và tôi có đưa thêm mảng quan hệ Việt Nam - Mỹ sau mấy chục năm.
Là vấn đề nhạy cảm, đăng báo đã khó, ra sách còn khó gấp bội. Vậy nên năm 2010, cuốn sách “Phi công Mỹ tại Việt Nam” xuất bản lần đầu tiên với hơn 300 trang, lời giới thiệu rằng đây là bản thử nghiệm.
Tôi đã in 1.000 bản thử nghiệm, gửi cho các lãnh đạo bên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Phòng không Không quân… tất cả những cơ quan có trách nhiệm để xin ý kiến. Rất nhiều đồng chí đã ủng hộ.
Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, xuất bản những lần tiếp theo, đến nay đã tái bảo lần thứ năm.
3 trong số 5 mẫu tái bản của "Phi công Mỹ tại Việt Nam".
- Sau nhiều lần tái bản, bên cạnh việc bổ sung về nội dung, cuốn sách của ông có gì đổi mới?
Cùng với việc thêm các chi tiết mới, bìa sách cũng được thay đổi nhiều lần.
Trong bản in đầu tiên, bìa là hình ảnh chụp phi công Mỹ khi mới bị bắt, đang mặc áo tù, mang tính chất hình sự quốc tế. Những hình ảnh này được chụp vào thập niên 60 của thế kỷ XX, chúng ta dùng để đấu tranh với dư luận thế giới.
Nhưng đến khi tái bản sách lần thứ nhất, thời nước ta đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ, tôi đưa hình ảnh phi công Mỹ trên máy bay sau khi được trao trả.
Đó là hình ảnh phi công Mỹ cười nói sung sướng trên máy bay, không có không khí chiến tranh nữa. Sau khi bản này ra, có người phê bình rằng sách viết về tù binh mà lại dùng hình ảnh vui vẻ như vậy.
Đến lần tái bản tiếp theo, tôi lựa chọn hình ảnh tù binh Mỹ được trao trả tại sân bay Gia Lâm để làm bìa sách. Điều này để thấy rằng, quan điểm thời cuộc của cũng rất quan trọng trong một tác phẩm văn học.
Xin cảm ơn nhà văn!
Đi tìm danh tính những cán bộ bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây
Đi tìm những chiến sỹ hy sinh trong vụ tập kích Sơn Tây: Liệt sỹ họ Ngô
Người phụ nữ giữ trọn hẹn ước với chiến sỹ bị sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây