Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đi tìm danh tính những cán bộ bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây

(VTC News) -

Gần như ai cũng biết về cuộc tập kích Sơn Tây giải cứu tù binh phi công Mỹ, nhưng những người lính bị quân Mỹ sát hại là ai luôn thôi thúc chúng tôi tìm câu trả lời.

Cuộc tập kích bằng đường không của quân đội Mỹ vào Sơn Tây rạng sáng 21/11/1970 hòng cứu tù binh phi công Mỹ đã gây chấn động thế giới dù kết thúc trong thất bại với kết quả không phi công nào được cứu.

Nhưng trong hơn 20 phút đổ bộ xuống khu vực Xã Tắc, Sơn Tây, biệt kích Mỹ đã bắn chết bà Nguyễn Thị An (48 tuổi) và con gái Lê Thu Hương (12 tuổi). Hai người con khác của bà An là Lê Thu Nga (15 tuổi) và Lê Việt Tuấn (9 tuổi) bị thương rất nặng bởi trúng nhiều phát đạn. Thật đau đớn, đó là vợ con của ông Lê Viết Tiến, lúc đó là Phó trưởng Ty Công an Hà Tây.

Theo những nguồn tin đã được công bố, biệt kích Mỹ còn bắn chết một số bộ đội trong khu vực trại giam và một số cán bộ tại trại an dưỡng gần đó. Tuy nhiên, chúng phải rút đi, sau khi đặt mìn phá hủy chiếc trực thăng đã hạ cánh trong sân trại giam nhưng không cất cánh lên được. Không có tù binh phi công Mỹ nào được cứu thoát bởi đơn giản là họ đã được chuyển đi nơi khác trước khi cuộc tập kích diễn ra.

 

Trên đây là những thông tin ít ỏi về các nạn nhân trong vụ tập kích Sơn Tây được công bố trên sách báo. Ngoại trừ hai mẹ con bà An, danh tính các nạn nhân không được nhắc đến. Những liệt sỹ hy sinh tại trại giam là ai, quê quán ở đâu, hiện phần mộ ở chỗ nào, thân nhân còn những ai? Tất cả những câu hỏi ấy đã thôi thúc chúng tôi lên đường tìm kiếm thông tin.

Nơi đầu tiên chúng tôi nghĩ tới là chính quyền địa phương, nơi xảy ra vụ việc. Tuy nhiên, từ phường Trung Hưng (trước đây là xã Trung Hưng), thị xã Sơn Tây, Ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Sơn Tây đều nói không có thông tin gì và những người có thể nắm được thông tin hầu như đã qua đời. 52 năm đã trôi qua.

Phóng viên liên lạc với Viện Lịch sử quân sự và được trả lời là không có các tài liệu liên quan. Như vậy, chúng tôi chỉ có thể tìm kiếm theo một số cái tên còn được vài người nhớ.

Khu vực trại giam tù binh Mỹ khi xưa

Căn cứ đầu tiên là những gì được viết trên sách báo chính thống. Trong cuốn sách Phi công Mỹ ở Việt Nam (NXB Công an nhân dân, 2013), tác giả Đặng Vương Hưng đã phỏng vấn nhân chứng Trần Thị Liên (tức Nghiên). Bà Nghiên được dẫn lời, nói: “Nhà tôi ở sát cổng chính của trại tù binh. Hồi đó, vùng Xã Tắc này còn vắng vẻ và nghèo lắm. Tôi làm nghề buôn gà, nên nhiều người bây giờ vẫn quen gọi tôi bằng cái tên ghép là “Nghiên gà”. Còn nhớ, các chú bộ đội tiếp phẩm trong trại rất hay ra nhờ tôi đi thu mua gà và khoai tây giúp. Họ thường mua với số lượng lớn, mà phải là gà và khoai ngon nhất chợ mới lấy. Sau này hòa bình rồi, tôi mới biết là họ mua những thứ ấy cho tù binh Phi công Mỹ ăn.

Tối hôm trước đêm xảy ra vụ tập kích của Mỹ, có một chú bộ đội còn trẻ, khoác ba lô hỏi thăm đường vào trại giam. Chú ấy tự giới thiệu tên là Túc, người Nghệ An, mới tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, được nhận quyết định về đây. Vì chú Túc chưa kịp báo cơm đơn vị, nên tôi mời chú ấy ăn tối với gia đình luôn, chả là bữa cơm có món thịt ngỗng rất ngon. 

Đêm ấy, tôi nhớ là đã 23 tháng 10 âm lịch, trời sáng trăng suông, lạnh lắm, đắp chăn bông vẫn thấy rét, nên khó ngủ. Quãng nửa đêm, tôi choàng tỉnh dậy vì thấy tiếng máy bay cánh quạt ầm ầm ngay trên nóc nhà mình. Tôi ngó qua cánh cửa sổ nhỏ, thấy nhiều ánh sáng lóa mắt, rồi tiếng súng nổ inh tai. Từ chỗ tôi nằm đến cổng gác chính của trại giam chỉ khoảng hai chục bước chân, nên nhìn rất rõ. Tôi thấy có những người đội mũ sắt, to cao lừng lững, nói xì xà xì xồ, chạy đi chạy lại... Chồng tôi, ông Cấn Hữu Ân, thì thào bên tai: Không phải bộ đội mình tập trận đâu (chẳng là hồi đó, bộ đội ta thường hay tập trận ở Sơn Tây), hình như có biệt kích Mỹ đổ bộ vào đây rồi. Bà dẫn các con đi ẩn nấp mau! Tôi hoảng quá, cuống cả lên, vội chui vào tủ quần áo ngồi, rồi chui xuống gầm giường nằm, không dám cả thở mạnh”...

Và sáng hôm sau, bà Liên nghe hàng xóm báo tin gia đình bà An bị giặc đạp cửa xông vào bắn cả nhà.

Một bức vẽ mô tả cảnh biệt kích Mỹ đổ bộ xuống trại giam Sơn Tây

Xác chiếc máy bay bị biệt kích Mỹ bỏ lại trong sân trại giam (Ảnh: US Air Force/defensemedianetwork.com)

Biệt kích Mỹ trên một trong ba chiếc trực thăng trên đường đến Sơn Tây (Ảnh: US Air Force/defensemedianetwork.com)

Mô hình trại giam ở Sơn Tây do tình báo  Mỹ thực hiện (Ảnh: US Air Force/defensemedianetwork.com)

Theo cuốn sách, chỉ có bà An và em Lê Thu Hương được tổ chức tang lễ trọng thể và đây là đám tang duy nhất của các nạn nhân đã bị biệt kích Mỹ sát hại trong vụ tập kích Sơn Tây. Những người còn lại, do không có điều kiện, thân nhân lại ở xa nên đành cho nhập quan tài rồi đem chôn cất luôn, theo nghi lễ đơn giản thời chiến...

Trong số đó, có cả anh bộ đội tên Túc người Nghệ An. “Tối hôm trước, chú ấy còn vừa ăn cơm thịt ngỗng ở nhà tôi, vừa hẹn đi tham quan đền Và... Vậy mà sáng hôm sau đã trở thành oan hồn, chẳng kịp trăng trối điều gì”, bà Liên được dẫn lời trong cuốn sách.

 

Rất tiếc là nay bà Trần Thị Liên và chồng là thầy giáo Cấn Hữu Ân đều không còn. May mắn sao, chúng tôi tìm được một nhân chứng khác là bà Cấn Thị Phượng, sinh năm 1955, là con gái ông bà Ân - Liên. Bà Phượng cùng chồng rời quê lên Hòa Bình công tác tại khu vực Nhà máy thủy điện Hoà Bình và khi về hưu mới trở lại sinh sống ở quê nhà. Nhà bà Phượng cũng gần nhà cũ của gia đình khi xưa.

Bà Phượng nói khi vụ tập kích Sơn Tây xảy ra, bà 15 tuổi, ở cùng bố mẹ. Bà Phượng kể rằng lúc đó bố bà, ông Cấn Hữu Ân là hiệu trưởng một trường học trong vùng. Ông có cái đài Rigonda do Liên Xô sản xuất. “Hồi đó các chú bộ đội trong trại giam thường xuyên xuống đây nghe đài, ăn khoai, ăn sắn dưới nhà cô”, bà Phượng nói.

Video: Nhân chứng Cấn Thị Phượng nói về các nạn nhân vụ tập kích Sơn Tây

Chúng tôi hỏi bà có nhớ được ai trong số bộ đội trên trại, bà Phượng bảo lúc đó có nhiều bộ đội nên bà không nhớ được hết. “Chỉ nhớ nhất một chú tên là Ngô Phượng Vỹ, quê Mỹ Đức, Hà Tây. Khi chú Vỹ ở đây, họ hàng lên thăm cũng thường xuống nhà cô chơi. Bố mẹ cô rất quý chú Vỹ, coi như con em trong nhà”, bà Phượng kể. “Cô còn nhớ chú Vỹ cao, rất đẹp trai”.

Và cũng theo lời bà, chú Vỹ là một trong những bộ đội bị biệt kích Mỹ bắn chết rạng sáng 21/11/1970.

Căn cứ theo lời bà Phượng và bà Liên, chúng tôi có được thông tin ít ỏi về hai liệt sỹ (trong trường hợp họ được công nhận liệt sỹ). Một là người tên Túc, quê Nghệ An, mới đến nhận nhiệm vụ chiều 20/11/1970 thì qua ngày 21/11 chưa đầy ba giờ đã bị bắn chết.

Một người khác tên Ngô Phượng Vỹ, quê Mỹ Đức, Hà Tây, có người nhà từng lên thăm và ghé vào nhà bà Phượng một số lần.

Bà Phượng nói, "có 6 chú bộ đội hy sinh được chôn ở khu đất ngay gần nhà cô", nay chỗ đó là một trường học do Bộ Giáo dục- Đào tạo quản lý. “Sau khi các chú ấy mất ít lâu, người nhà lên bốc mộ mang về quê cả. Chỉ có mộ chú Túc mãi đến những năm 1990, người nhà trong quê mới ra bốc đem về”, bà Phượng nhớ lại.

Bà Phượng, khi biết chúng tôi đi tìm tung tích liệt sỹ, nhắn nhủ: “Khi nào tìm thấy thân nhân chú Vỹ, nhớ báo cho cô nhé”.

 

Quý độc giả có thông tin về liệt sỹ và thân nhân liên quan đến vụ tập kích Sơn Tây ngày 21/11/1970 xin bình luận vào ô "Bình luận" ở cuối bài. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và sẽ tiếp tục tìm kiếm, thông tin đến quý độc giả trong thời gian sớm nhất.

Đón đọc kỳ sau: Liệt sỹ họ Ngô

Chỉ từ một cái tên theo trí nhớ của bà Phượng, chúng tôi đã tìm ra nơi liệt sỹ Ngô Phượng Vỹ an nghỉ, trò chuyện với người thân về cuộc sống của ông.

 
Nguồn:

Tin mới