Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những cảnh sát buộc dấu vết ‘lên tiếng’

Trung tá Việt chia sẻ công việc của lính kỹ thuật hình sự giống các nhà khảo cổ khi phải khôi phục những dấu vết dù nhỏ nhất nơi hiện trường.

Một buổi sáng giáp Tết Nhâm Dần 2022, chiếc xe biển xanh tiến vào trụ sở Viện Khoa học hình sự (C09, Bộ Công an) trên đường Trịnh Văn Bô, Hà Nội.

Trung tá Lê Viết Việt, Trưởng Phòng khám nghiệm hiện trường, cùng tổ công tác xách bộ đồ nghề gồm máy ảnh, valy đựng dụng cụ khám nghiệm lần lượt rời ô tô sau một chuyến công tác.

Nói về nghề “đi sau về trước”, trung tá Việt ví von công việc của các anh giống các nhà khảo cổ. Anh tâm niệm: “Dấu vết vật chất không tự sinh ra hay mất đi mà chuyển từ dạng này sang dạng khác. Khi đó, nhiệm vụ của chuyên gia kỹ thuật hình sự là khôi phục lại như khi nó được sinh ra”.

Khôi phục dấu vết hiện trường

Từng tham gia truy tìm, giám định hiện trường nhiều vụ án, trung tá Lê Viết Việt chia sẻ kỳ án đốt xác, phi tang chủ nợ ở Hải Dương - một trong những vụ khiến anh và các giám định viên Viện Khoa học hình sự tốn nhiều công sức nhất.

Tháng 6/2021, khi Công an tỉnh Hải Dương tìm ra chiếc Mazda CX5 của nạn nhân Dương Công Cường (48 tuổi, ngụ huyện Gia Lộc, Hải Dương) nằm phủ bụi ở khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (Hà Nội), cơ quan điều tra gặp khó khăn trong việc truy tìm tung tích của chủ phương tiện. Viện Khoa học hình sự nhận được đề nghị hỗ trợ truy tìm các dấu vết liên quan.

Mỗi tổ khám nghiệm thường gồm cán bộ giám định dấu vết đường vân, dấu vết cơ học, sinh học, dấu vết hóa và cháy nổ. (Ảnh: Hoàng Việt)

Ban đầu, Phòng Khám nghiệm hiện trường cử một tổ đi Hải Dương sau khi phán đoán vụ việc ở mức độ bình thường. Tuy nhiên sau đó, cơ quan điều tra phát hiện tình tiết phức tạp nên liên hệ với C09 tiếp tục về khám nghiệm hiệu thuốc ở TP Hải Dương.

Nhận thấy vụ án xuất hiện tình huống khó, trung tá Việt đã báo cáo cấp trên để trực tiếp tham gia khám nghiệm. Trước tính chất vụ việc phức tạp, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo rất sát sao việc khám nghiệm hiện trường và tiến độ điều tra.

Dấu vết vật chất không tự sinh ra hay mất đi mà chuyển từ dạng này sang dạng khác. Nhiệm vụ của chuyên gia kỹ thuật hình sự là khôi phục lại dấu vết đó"

Trung tá Lê Viết Việt

Tại Hải Dương, cán bộ Phòng Khám nghiệm hiện trường của Viện Khoa học hình sự cùng lực lượng kỹ thuật hình sự địa phương bắt tay soi xét tỉ mỉ từng góc cạnh của ô tô. Theo vị trung tá, vụ án xảy ra từ rất lâu, những dấu vết để lại trên xe của nạn nhân cũng dần mờ nhạt theo thời gian.

Với những kinh nghiệm về khám nghiệm và sử dụng máy móc, thiết bị, hóa chất hiện đại nhất, trung tá Việt cùng nhóm giám định viên về dấu vết của Viện vận dụng tư duy và trang thiết bị phù hợp, nhờ đó tìm được chứng cứ vật chất quan trọng.

Quá trình soi tìm chứng cứ, Ban chuyên án xác định chiếc xe đã bị ai đó tác động, tẩy xóa dấu vết rất tinh vi và cố tình dùng nhiều cách để làm điều này nhằm thủ tiêu chứng cứ. Từ số vết tích ít ỏi, mờ nhạt thu thập được, các giám định viên đã dày công nghiên cứu, thẩm định và đưa ra đánh giá trên cơ sở khoa học.

Sau nửa ngày, tổ khám nghiệm có nhận định chính xác về phương thức, thủ đoạn mà đối tượng sử dụng để tẩy xóa dấu vết trên ô tô”, trung tá Việt chia sẻ và cho biết phải là người am hiểu mới biết cách xóa dấu vết như thế.

Ngôi nhà số 126 Nguyễn Thượng Mẫn, TP Hải Dương, nơi Cao Tài Năng gây án. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Khi có kết quả khám nghiệm, cơ quan điều tra đặt thêm nghi vấn hiện trường Cao Tài Năng (41 tuổi, trú TP Hải Dương) gây án là hiệu thuốc ở 126 đường Nguyễn Thượng Mẫn. Vừa trở về Hà Nội được ít ngày, tổ công tác của trung tá Việt lại tức tốc quay lại Hải Dương.

Lần này, nhóm khám nghiệm phát hiện tường của hiệu thuốc bị ai đó quét nhiều lớp sơn khác nhau như để che giấu một tội ác nào đó. Tiếp tục sử dụng thiết bị, tổ khám nghiệm tìm thêm được nhiều dấu vết để củng cố nghi vấn tẩy xóa hiện trường nhằm che giấu hành vi.

Kết quả giám định quan trọng tiếp tục được cung cấp để cơ quan điều tra đánh giá, củng cố chứng cứ chứng minh hành vi giết người của Cao Tài Năng ngay tại hiệu thuốc. Theo điều tra, sau khi xin khất nợ gần 3 tỷ đồng nhưng ông Cường không đồng ý, sáng 28/11/2020, Năng hẹn chủ nợ đến hiệu thuốc rồi dùng gậy gỗ tấn công. Sau đó, hung thủ giấu xác ông Cường trong nhà vệ sinh.

Tiếp đó, Năng lái ô tô của nạn nhân lên Hà Nội, bỏ xe ở khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ. Sau khi thuê taxi chở về Hải Dương, Năng phi tang thi thể bị hại ở bờ sông Kim Sơn.

Ngăn sông, bới đất tìm chứng cứ

Trung tá Việt kể trong hàng loạt vụ án, từ các dấu vết để lại, giám định viên có chuyên môn về khoa học cần phải đưa ra những nhận định đúng hướng về đặc điểm nhận dạng, phương thức gây án hoặc thậm chí cả nhận định về nghề nghiệp, giới tính, sở thích… của can phạm.

Sau đó, lực lượng khám nghiệm phân tích, đối chiếu các dấu vết để đưa ra những đánh giá mang tính khoa học, giúp cơ quan điều tra lên kế hoạch phá án phù hợp.

Từng tham gia khám nghiệm vụ nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên hay vụ án tại thẩm mỹ viện Cát Tường, trung tá Việt đánh giá thủ đoạn xóa dấu vết của Cao Tài Năng rất hiếm gặp, nếu chỉ dùng phương pháp khám nghiệm thông thường thì khó tìm ra.

Trung tá Việt cùng cán bộ Viện Khoa học hình sự soi tìm dấu vết vụ án mạng ở Hải Dương. (Ảnh: Hoàng Việt)

Cùng tham gia chuyên án này, đại úy Phạm Văn Khang (giám định viên Trung tâm giám định pháp y của C09) kể rằng lực lượng kỹ thuật hình sự phải tìm kiếm chứng cứ ở rất nhiều nơi bởi Cao Tài Năng có nhiều lời khai về quá trình gây án.

Nghề giám định đòi hỏi tính tỉ mỉ nhưng cần đảm bảo tiến độ. Phải chạy đua với thời gian, tránh thời tiết tác động làm biến đổi dấu vết”

Trung tá Lê Viết Việt

Giám định viên chia sẻ sau khi sát hại nạn nhân, Năng đào hố rộng khoảng 2 m để phi tang xác. Sau nhiều ngày, hung thủ lại ra đốt thi thể và mang đi nơi khác. Do đó, tại những vị trí hung thủ thực hiện hành vi, mỗi giám định viên phải chia nhau bới từng nắm đất, khoanh từng khúc sông, tạm ngăn dòng chảy để thu thập dấu vết.

Ngoài ra, sau khoảng 8 tháng gây án, hung thủ khai không còn nhớ rõ hiện trường buộc lực lượng khám nghiệm phải khoanh một vùng rộng lớn để tìm kiếm. Mục đích là tìm bằng được dấu vết, phần thi thể để chứng minh nạn nhân đã bị sát hại.

Còn theo trung tá Việt, trong mỗi vụ án, đặc biệt là trọng án với tình tiết hung thủ phi tang nạn nhân, chứng cứ vật chất rất quan trọng giúp cơ quan điều tra củng cố tài liệu, hồ sơ. Do đó, cảnh sát khám nghiệm càng phải tỉ mỉ, kiên trì soi chiếu từng chi tiết dù nhỏ nhất.

Nghề giám định đòi hỏi tính tỉ mỉ nhưng cần đảm bảo tiến độ. Phải chạy đua với thời gian, tránh thời tiết tác động làm biến đổi dấu vết”, chỉ huy Phòng khám nghiệm hiện trường C09 tâm sự.

Xe chuyên dụng dành cho việc khám nghiệm hiện trường của C09. (Ảnh: Hoàng Việt)

Lăn lộn hiện trường, trung tá Lê Viết Việt kể có những dịp làm nhiệm vụ, giám định viên kỹ thuật hình sự gặp phải tai nạn trong quá trình soi tìm dấu vết. Đó là lần truy tìm dấu vết của nghi phạm nhiễm HIV ở Bắc Giang, anh đã bị kim tiêm chứa máu của kẻ tình nghi đâm vào tay.

“Mình đã nhanh chóng xử lý theo quy trình nhưng vẫn lo lắng, mất ngủ trong suốt 3 tháng ròng. Sợ gia đình biết, bản thân còn phải giấu vợ con”, Trưởng phòng khám nghiệm hiện trường của Viện Khoa học hình sự kể.

Lãnh đạo Viện Khoa học hình sự cho biết năm 2021, cơ quan này tham gia khám nghiệm 134 vụ án và thực hiện hơn 12.700 trưng cầu giám định. Trong đó, một số vụ điển hình như: Giám định chữ ký liên quan Công ty Minh Hoa do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Nguyễn Đức Chung) làm giám đốc và liên quan Công ty Arktic trong đại án xảy ra tại Công ty Nhật Cường; giám định một số chứng cứ trong vụ phát hiện khoảng 1.300 thai nhi ở quận Hà Đông, Hà Nội.

Ngoài ra, C09 còn hướng dẫn, triển khai nhiều biện pháp phòng chống tội phạm như hệ thống báo động khẩn cấp tại ngân hàng có kết nối với công an nơi gần nhất, giải pháp kỹ thuật trong phòng, chống tội phạm cướp, trộm cắp tài sản...

Nguồn: Zing News

Tin mới