Được đưa vào trang bị từ năm 2014, máy bay chiến đấu Su-35 ngày càng được Không quân Nga ưa chuộng trong thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, chiếc máy bay này đã đóng góp không nhỏ trong các nỗ lực quân sự của Nga ở cả Syria và Ukraine.
Mặc dù được đưa vào hoạt động chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch, nhưng Su-35 đã khẳng định được vai trò của mình khi xuất hiện lần đầu ở Syria vào năm 2016. Chiếc máy bay được trang bị các tên lửa không đối không thế hệ mới, đã góp phần ngăn chặn các cuộc tấn công có thể xảy ra của NATO nhằm vào các vũ khí của Nga và đồng minh Syria, đặc biệt là kể từ sau vụ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc Su-24 của Nga.
Một số báo cáo thống kê rằng, Su-35 là loại chiến đấu cơ giành nhiều chiến thắng trong không chiến nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, thành tích trên có được là do vai trò trung tâm của chiếc máy bay này trong cuộc xung đột ở Ukraine. Su-35 Nga đã giành chiến thắng áp đảo trước những chiếc máy bay chiến đấu của Ukraine ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột.
Su-35 là máy bay chiến đấu “thế hệ 4++” được cải tiến từ chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không Su-27 Flanker. Chiếc máy bay có nhiều nâng cấp hiện đại so với phiên bản gốc và dưới đây là 10 cải tiến quan trọng nhất khiến Su-35 khác biệt với những phiên bản khác được cải tiến từ Su-27.
Radar Irbis-E.
1. Radar Irbis-E
Được phát triển bởi Viện nghiên cứu Tikhomirov, radar Irbis-E của Su-35 sử dụng ăng ten mảng pha thụ động đa năng (PAA) với dải sóng X, loại radar này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với radar mảng pha quét cơ học N001 ban đầu được phát triển cho Su-27.
Cả N001 và Irbis-E đều là những loại radar lớn nhất được tích hợp trên máy bay chiến đấu, mang lại lợi thế đáng kể về nhận thức tình huống so với các loại chiến đấu cơ của phương Tây. Nhưng với tư cách là một radar mảng quét điện tử, Irbis-E của Su-35 có khả năng chống gây nhiễu cao hơn nhiều, đồng thời radar có thể quét tìm mục tiêu trong một khoảng thời gian ngắn và giảm đáng kể tín hiệu radar.
Một trong những tính năng đáng chú ý nhất của Irbis-E là bộ truyền động điện - thủy lực hai bước, giúp ăng-ten có thể xoay theo phương vị 60° và góc tà 120°. Điều này cho phép Su-35 quét qua nhiều góc mà ít máy bay chiến đấu khác có thể thực hiện được.
Irbis-E có thể phát hiện và theo dõi tới 30 mục tiêu trên không cùng một lúc ở phạm vi gần 350 km và tấn công tới 8 mục tiêu. Ở chế độ không đối đất, Irbis-E cung cấp khả năng lập bản đồ cho phép tấn công bốn mục tiêu mặt đất bằng vũ khí dẫn đường chính xác.
Irbis-E có thể phát hiện mục tiêu với tiết diện radar 3m2 ở phạm vi lên tới 350 km. Ở chế độ theo dõi trong khi quét, radar có thể tấn công hai mục tiêu bằng tên lửa dẫn đường thông qua radar bán chủ động.
Radar N036B-1-01 được lắp bên gốc cánh máy bay.
2. Radar N036B-1-01 băng tần L
Su-35 là một trong số rất ít máy bay chiến đấu trên thế giới được trang bị nhiều hơn một loại radar, phần gốc cánh của máy bay được thiết kế để chứa các radar N036B-1-01 hoạt động ở bước sóng cao băng tần L.
Loại radar này rất hiện đại, nó có thể theo dõi các mục tiêu tàng hình, tiến hành chiến tranh điện tử và cung cấp khả năng nhận dạng bạn hay thù. Hiện tại, hầu hết các máy bay chiến đấu tàng hình chỉ được tối ưu hóa để tránh sóng radar băng tần X, vì vậy việc kết hợp radar băng tần L giúp tăng khả năng phát hiện mục tiêu tàng hình tốt hơn.
Thật vậy, khi Mỹ lần đầu tiên triển khai các máy bay chiến đấu tàng hình để chiến đấu cường độ cao trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc vào năm 1991, ưu tiên chính của Mỹ trong những giờ đầu tiên của chiến dịch là vô hiệu hóa các radar sóng dài của Iraq, vì chúng có thể phát hiện ra máy bay tàng hình của Mỹ.
Việc sử dụng radar băng tần L cho thấy rằng, Su-35 được Liên Xô thiết kế để tập trung vào việc chống lại các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm của phương Tây. Liên Xô dự kiến sẽ đưa những chiếc Su-35 vào hoạt động từ năm 2001, tuy nhiên chương trình đã bị trì hoãn sau khi Liên Xô tan rã.
Cảm biến hồng ngoại OLS-35.
3. Cảm biến hồng ngoại
Hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại OLS-35 (IRST) của Su-35 cung cấp phạm vi phát hiện lên tới 90km đối với các mục tiêu là máy bay, đây là sự cải tiến đáng kể so với phạm vi phát hiện 50km của hệ thống OLS-27 trên Su-27.
Liên Xô đã đi tiên phong trong việc sử dụng rộng rãi IRST trên các máy bay chiến đấu vào những năm 1980, điều này mang lại nhiều lợi ích bao gồm khả năng duy trì nhận thức tình huống mà không cần sử dụng radar, do đó giúp máy bay hạn chế được tín hiệu radar phát ra.
Những chiếc Su-35 được trang bị OLS-35 đã hoạt động rất hiệu quả trên chiến trường ở Syria, với những cảm biến được tối ưu hóa để theo dõi các mục tiêu tàng hình, cho phép Su-35 phát hiện và theo dõi mọi hoạt động của chiến đấu cơ tàng hình F-22 Mỹ.
Đáng chú ý, OLS-35 được tích hợp thêm máy đo khoảng cách laser có khả năng theo dõi được cả mục tiêu trên không và trên mặt đất, đồng thời có thể được sử dụng để chỉ định mục tiêu trên mặt đất cho vũ khí dẫn đường bằng laser.
Lắp ráp khung máy bay Su-35.
4. Vật liệu tổng hợp
Phần mặt trước trên khung máy bay Su-35 được thiết kế lại, giúp làm giảm tiết diện radar xuống chỉ còn bằng một phần ba so với phiên bản Su-27 ban đầu.
Khung máy bay sử dụng nhiều vật liệu composite hơn, giúp tăng độ bền và dễ bảo trì hơn, đồng thời giảm trọng lượng để tạo điều kiện vận chuyển nhiên liệu lớn hơn và hiệu suất bay được nâng lên.
Việc tăng cường sử dụng vật liệu composite là một trong những nâng cấp quan trọng nhất, tạo nên sự khác biệt của Su-35 so với phiên bản tiền nhiệm Su-27, điều này cũng giúp giảm chi phí trong việc sản xuất máy bay.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là vật liệu tổng hợp được sử dụng trên khung máy bay Su-35 vẫn ít hơn so với các phiên bản Flanker của Trung Quốc là J-16 và J-15B, điều này phản ánh trình độ của Trung Quốc ngày càng cao trong lĩnh vực này.
Mô phỏng khả năng liên kết dữ liệu giữa các phương tiện chiến đấu.
5. Liên kết dữ liệu S-108
Được phát triển để xuất khẩu cùng với máy bay chiến đấu Su-30MKK cho Trung Quốc, liên kết dữ liệu S-108 giúp cho Su-35 và các phương tiện chiến đấu khác có thể chia sẻ dữ liệu mục tiêu, tạo thuận lợi trong quá tình chỉ huy.
Với bộ cảm biến mạnh mẽ, Su-35 có thể tiếp nhận và chia sẻ tình hình chiến trường một cách chi tiết cho các thiết bị trong cùng mạng lưới liên kết dữ liệu bao gồm tàu chiến, hệ thống phòng không trên mặt đất và các đơn vị máy bay chiến đấu khác.
Đây là chìa khóa cho phép Su-35 tấn công các mục tiêu tàng hình ở ngoài tầm nhìn, bằng cách kết hợp dữ liệu cảm biến từ nhiều hệ thống radar ở các vị trí khác nhau và hoạt động ở các dải sóng khác nhau.