Dưới đây là những bẫy đang rình rập người mua hàng online và trên thực tế nhiều người đã mắc phải.
Bị lừa mua hàng kém chất lượng
Theo dữ liệu khiếu nại trong những năm gần đây của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên.
Mua hàng qua mạng tiềm ẩn nhiều cạm bẫy. (Ảnh minh họa)
Các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại bao gồm: Giao sai sản phẩm, sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web, giao hàng chậm, giao thiếu hàng khuyến mãi, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, đăng sai giá, hủy đơn hàng không lý do, sản phẩm không có nhãn mác, nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại quảng cáo là hàng Mỹ, Nhật Bản, không cung cấp hóa đơn…
Mất thông tin bảo mật của cá nhân
Theo Báo cáo Digital 2022 được tổng hợp dựa trên dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau gồm công ty nghiên cứu thị trường, nền tảng truyền thông xã hội, Internet, Cơ quan Chính phủ…tổng dân số Việt Nam tính đến tháng 2/2022 là 98,56 triệu dân, tăng từ 97,96 triệu người (năm 2021). Trong đó, có 72,10 triệu người dùng Internet tương ứng với tỷ lệ thâm nhập là 73,2% - tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Báo cáo cũng phát hiện có 26,46 triệu người không dùng Internet vào đầu năm 2022, tương đương với 26,8% dân số.
Một thực tế hiện nay là nhiều người sử dụng Internet ở Việt Nam sử dụng một địa chỉ email và password cho rất nhiều mục đích đăng nhập như Facebook, zalo, tài khoản ngân hàng...mà không quan tâm rằng, nếu để mất mật khẩu sẽ rất nguy hiểm bởi hacker có thể đăng nhập vào tất cả các tài khoản của bạn.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng, người dùng Internet cần lưu ý những nguyên tắc cơ bản sau để đảm bảo an toàn khi giao dịch online:
Bảo vệ các thiết bị kết nối Internet (máy tính, điện thoại): Để chế độ tự động cập nhật cho tất cả các phần mềm trên máy tính của bạn; cài đặt phần mềm diệt virus và phần mềm chống gián điệp; luôn bật tường lửa cho máy tính; không tải các phần mềm độc hại; khóa điện thoại bằng mã số nhận dạng cá nhân.
Sử dụng thư điện tử an toàn: Sử dụng mật khẩu mạnh để bảo vệ email và các tài khoản trực tuyến khác, tránh dùng cùng một mật khẩu cho tất cả tài khoản. Tỉnh táo với những trò lừa đảo từ email, ví dụ như một thông báo khẩn cấp có vẻ từ ngân hàng hoặc từ các tổ chức đáng tin cậy như quỹ từ thiện. Chúng có thể yêu cầu bạn cung cấp mật khẩu, thông tin tài chính hay yêu cầu bạn đến một trang web giả mạo.
Sử dụng mạng xã hội an toàn: Thận trọng khi chấp nhận kết bạn trên mạng xã hội; kiểm tra kĩ khi có bất cứ người bạn nào hỏi vay tiền, mượn đồ; không chia sẻ quá nhiều thông tin lên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin cá nhân như ngày sinh, sổ tiết kiệm, thẻ ngân hàng...
Sử dụng trình duyệt web an toàn: Tránh nhấp chuột vào các trạng thái "agree", "ok" hoặc "i accept" trên các banner quảng cáo, cửa sổ pop-up bất ngờ hiện ra, thay vào đó, hãy nhấn CTRL F4 để đóng các cửa sổ này lại; không chia sẻ các thông tin cá nhân khi online bằng mạng wifi công cộng; không tải các bản sao bất hợp pháp của âm nhạc, trò chơi có bản quyền...
Còn Cục CT&BVNTD khuyến cáo người dân không chia sẻ, tiết lộ các thông tin cá nhân, thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo, xâm hại người tiêu dùng.
Trước khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng, có thể thông qua các công cụ đánh giá về cửa hàng và sản phẩm. Người dân nên lựa chọn giao dịch trên các sàn TMĐT uy tín, đã được Bộ Công Thương và cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.
Khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng cần thông tin ngay cho cơ quan Nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Người tiêu dùng cũng có thể liên hệ với tổng đài tư vấn, hỗ trợ của Cục CT&BVNTD (1800.6838) để được tư vấn các quy định pháp lý về bảo vệ quyền lợi khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Cơ quan chức năng sẵn sàng tiếp nhận, xử lý khiếu nại
Bên cạnh những thuận lợi, ưu điểm, hoạt động thương mại điện tử cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khiến người tiêu dùng cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình mua hàng qua mạng. Tình hình tiếp nhận yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng tại Bộ Công Thương trong những năm gần đây cho thấy, các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử đang gia tăng liên tục. Trong giai đoạn 2019-2021, trung bình mỗi năm đã tiếp nhận và xử lý trên 200 khiếu nại, yêu cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử. Một số hành vi bị phản ánh, khiếu nại thường xuyên bao gồm: Hàng nhận được khác với quảng cáo; thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng; tự động hủy đơn hàng; người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo hoặc hàng khuyến mãi đi kèm; bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã hoàn thiện hệ thống tổng đài miễn phí 18006838 cùng các hình thức khác như website: http://khieunai.bvntd.gov.vn và hòm thư điện tử khieunai@bvntd.gov.vn để người tiêu dùng phản ánh những vấn đề khiếu nại trong hoạt động thương mại.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể gửi đơn thư qua đường bưu điện, công văn trực tiếp.