Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những ai nên tầm soát ung thư phổi?

(VTC News) -

Ung thư phổi được xếp trong danh sách những bệnh lý ác tính nguy hiểm hàng đầu thế giới, vậy những ai nên tầm soát ung thư phổi?

Theo bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, ung thư phổi xuất phát từ sự tăng sinh bất thường của các tế bào ác tính tại phổi.

Ở giai đoạn đầu người bệnh thường khó phát hiện ra các triệu chứng lâm sàng, các trường hợp khi đã được chẩn đoán và phát hiện thì đa phần là đã bước sang giai đoạn muộn, tỷ lệ tử vong rất cao.

Việc tầm soát ung thư phổi định kỳ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. (Ảnh minh họa)

Nếu ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sớm, cơ hội sống sót có thể lên đến 50 - 70%. Trong trường hợp chẩn đoán khi đã ở giai đoạn muộn, ung thư di căn thì khả năng chữa khỏi là vô cùng thấp, lúc này tỷ lệ sống của người bệnh chỉ còn khoảng 4%.

Chính vì mức độ nguy hiểm của ung thư phổi nên việc tầm soát ung thư phổi định kỳ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Khi áp dụng phương pháp này, bệnh nhân có thể được chẩn đoán bệnh ngay từ khi chưa bộc phát triệu chứng lâm sàng. Qua đó giúp vận dụng ngay những biện pháp xử trí phù hợp, đúng cách và hiệu quả nhất, nhờ vậy bệnh nhân sẽ được nâng cao chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ trong tương lai.

Những người nên thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ

Ung thư phổi là nỗi ám ảnh của nhiều người, do đó để đảm bảo cơ thể không mắc phải bệnh này và dự phòng sớm nguy cơ bị bệnh, những người có nguy cơ cao nên thực hiện tầm soát ung thư phổi hàng năm.

Đó là những người dưới 40 tuổi trong gia đình có người thân tiền sử bị ung thư phổi; người trong độ tuổi từ 40 - 75, làm việc trong môi trường chứa nhiều chất độc hại, hoặc sống ở những nơi bị ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, những người có thói quen hút thuốc lá lâu năm; những người cơ thể đang xuất hiện các triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư phổi như khó thở, ho dai dẳng không khỏi, hay bị đau ngực,... cũng cần phải tầm soát ung thư phổi định kỳ.

Một số lưu ý bạn cần ghi nhớ trước khi thực hiện tầm soát ung thư phổi

  • Trước khi đi khám hãy nhịn ăn ít nhất từ 6 - 8  tiếng vì có nhiều chỉ định yêu cầu bạn cần nhịn ăn.
  • Tìm hiểu trước về quy trình tầm soát ung thư phổi, những giấy tờ cần chuẩn bị và tài chính để tránh bỡ ngỡ khi thực hiện.
  • Ngày trước khi khám hãy ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ, tâm trạng thoải mái đừng nên quá lo lắng.
  • Lựa chọn địa chỉ tầm soát ung thư phổi chất lượng, uy tín, đủ điều kiện để làm các xét nghiệm chuyên sâu và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. 
Thanh Hải

Tin mới