Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hải Phòng gồm 15 thành viên, trực thuộc Ban Thường vụ Thành ủy, do ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng làm Trưởng ban.
Các Phó trưởng ban gồm: Ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng; ông Đặng Bá Cường, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy; ông Nguyễn Đình Chuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; ông Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố; ông Đào Trọng Đức, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy. Trong đó, ông Đặng Bá Cường, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng giữ vị trí Phó Trưởng ban Thường trực.
Các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP Hải Phòng.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hải Phòng thực hiện theo Quy định số 67 ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư Trung ương và các quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành phố khẳng định: "Việc thành lập BCĐ phòng chống tham nhũng cấp thành phố đã thể hiện sự quan tâm, sự quyết liệt trong chỉ đạo, như đồng chí Tổng Bí thư đã nói “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” và việc thành lập BCĐ cấp tỉnh, Thành phố đã cụ thể hóa những công việc mà chúng ta phải làm. Tinh thần là sẽ quyết liệt, chỉ ra và hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Thành phố".
Tại Hội nghị lần thứ 8, Thành ủy Hải Phòng cũng thảo luận, kiểm điểm nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của BCH Đảng bộ thành phố về một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả, công tác tư tưởng của Đảng bộ thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Đắk Nông.
Theo phóng viên VOV-Tây Nguyên, cũng trong sáng nay, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Đắk Nông.
Theo quyết định số 529/QĐ-TU ngày 29/6/2022, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Đắk Nông gồm 15 thành viên, gồm: 1 trưởng ban, 5 phó trưởng ban và 9 ủy viên. Ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Đắk Nông.
Các Phó trưởng ban gồm: Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy – Phó trưởng Ban thường trực, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông. Ủy viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Đắk Nông gồm: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh thanh tra tỉnh, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thực hiện theo Quy định số 67 ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Kiên Giang.
Theo PV Lam Hiếu VOV-ĐBSCL, sáng nay, tại cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 9, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kiên Giang công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Ông Đỗ Thanh Bình, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang làm Trưởng ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo còn có 5 Phó trưởng ban gồm: ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Sạch, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; ông Lê Thanh Hùng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ; ông Phạm Hoàng Nam, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ; ông Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang và 9 ủy viên.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh có con dấu riêng để phục vụ hoạt động, kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do Văn phòng tỉnh uỷ bảo đảm theo quy định. Ban nội chính Tỉnh uỷ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng việc thành lập Ban Chỉ đạo sẽ giúp Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, quan điểm, mục tiêu của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là sự chỉ đạo của Tổng Bí thư. Tỉnh sẽ triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là việc làm khẳng định không có tình trạng trên nói dưới không làm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Để Ban chỉ đạo hoạt động đạt hiệu quả cao, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị từng thành viên ban chỉ đạo phát huy tốt khả năng, trách nhiệm của mình, nghiêm túc thực hiện trọng trách trước Đảng bộ tỉnh; chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quán triệt thực hiện nghiêm các nguyên tắc, chế độ làm việc, trách nhiệm, quan hệ công tác, quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; ưu tiên dành thời gian thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, nhất là công việc theo lĩnh vực, địa bàn được phân công.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh: "Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay chương trình công tác năm 2022, trong đó đề nghị chú trọng cụ thể hóa triển khai thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ khi có chỉ đạo của Trung ương, kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; thực hiện cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập đảm bảo thực chất, bảo vệ và khuyến khích nhân dân phản ánh, tố giác tham nhũng, tiêu cực; tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ đảng viên; trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực, tham nhũng phức tạp xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước".
Ông Trần Hồng Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng làm trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Cao Bằng.
Phóng viên Lam Hiếu VOV- ĐBSCL cho biết, sáng ngày 6/7, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã công bố Quyết định số 530 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bến Tre có 15 thành viên; ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy làm Phó Trưởng ban Thường trực.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, theo Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hướng dẫn của các cơ quan chức năng cấp trên.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bến Tre.
Phát biểu tại buổi ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bến Tre, ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt các công việc theo từng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, khẩn trương tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh xây dựng Quy chế làm việc, Quyết định phân công nhiệm vụ từng thành viên Ban Chỉ đạo sát với tình hình thực tế; xây dựng Chương trình công tác trọng tâm từ nay đến cuối năm nay. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát tất cả các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế liên quan đến chức vụ; những vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, giữ vững các nguyên tắc của Đảng, thượng tôn pháp luật; bắt tay ngay vào công việc với quyết tâm chính trị cao nhất; chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phổ biến, quán triệt sâu, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai đồng bộ, chặt chẽ, kết hợp hiệu quả các biện pháp phòng ngừa với chủ động phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là nơi có nhiều đơn tố cáo, phản ánh, dư luận xã hội quan tâm; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định.
Dịp này, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bến Tre công khai đường dây nóng của Ban Chỉ đạo qua số ĐT: 02753 663999 để tiếp nhận thông tin tố giác về tiêu cực, tham nhũng.
Theo PV Công Luận/VOV-Đông Bắc, Tỉnh ủy Cao Bằng vừa công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Cao Bằng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Cao Bằng gồm 15 thành viên do ông Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. 4 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm các ông, bà: Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng; Tô Vũ Lập, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cao Bằng; Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng; Vũ Hồng Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng.
Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Cao Bằng đã thông qua các dự thảo: Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo và chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo 6 tháng cuối năm.