"Ưu điểm lớn nhất của xe buýt điện là thiết kế rộng rãi, sạch sẽ, không mùi xăng dầu và tiếng ồn động cơ ở mức khá thấp", bà Nguyễn Thị Chanh (Gia Lâm, Hà Nội), nhân viên kế toán đã về hưu chia sẻ. Hơn năm nay, bà bỏ hẳn thói quen tự đi xe máy mà chuyển sang di chuyển hoàn toàn bằng xe buýt điện khi đến nhà con cái, đi thăm người thân hay khám bệnh.
Bà nói tiềm năng của xe điện không những nâng cao chất lượng của các phương tiện công cộng, mà còn là bước chuyển đổi xanh, giảm thiểu khí thải.
Gắn bó 20 năm với phương tiện công cộng là xe buýt, hằng ngày chị Lương Thị Ngọc Lan (Phú Xuyên, Hà Nội) di chuyển đi làm từ Pháp Vân - Cầu Giẽ đến Linh Đàm. Điều ám ảnh người phụ nữ này là nhiều xe buýt dùng dầu diezel với làn khói đen kịt trên đường.
Chị Lương Thị Ngọc Lan thay đổi thói quen đi lại bằng xe buýt truyền thống sang xe buýt điện.
"Tôi phải "nhảy" 2 chuyến xe buýt mới đến được chỗ làm, chặng đầu là xe buýt truyền thống, chặng sau là xe điện. Tôi cảm nhận sự khác biệt rõ rệt khi xe buýt điện, xe lướt đi rất nhẹ, ít rung và ù hơn. Mong rằng những chuyến xe buýt điện ngày được mở rộng trên khắp các tuyến ở Hà Nội để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân", chị Lan nói.
Đầu tháng 7 vừa qua, TP Hà Nội quyết định thay thế dần loại xe buýt chạy xăng, dầu, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường sang xe buýt điện và xe buýt sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén.
Theo đó, UBND TP Hà Nội ưu tiên lựa chọn phương án đến năm 2035, đạt 50% tỷ lệ xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG, cho đến khi điều kiện cho phép sẽ phấn đấu đạt 70% tỷ lệ xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG (sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén) và sau năm 2040 sẽ có 100% xe buýt điện.
Động thái giúp giảm thiểu phát thải ra môi trường của ngành vận tải công cộng được nhiều người đồng thuận. Đây cũng là bước đi giúp Việt Nam "về đích" trong quá trình cắt giảm khí thải bằng 0 trước năm 2050.
Cả nước có 286 xe buýt điện, chiếm tỷ lệ chỉ 3% trong tổng số các phương tiện công cộng.
Ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc của VinBus (đơn vị duy nhất vận hành xe buýt điện tại Hà Nội) đánh giá lạc quan về thực hiện chuyển đổi xanh ở những phương tiện vận tải công cộng.
Theo ông Nhật, cách đây 10 năm nhiều người chọn đi xe buýt, trong đó đa phần là học sinh, sinh viên và người già, những người có quỹ thời gian nhiều hơn và nguồn tài chính hạn chế.
Tuy nhiên vài năm trở lại đây yêu cầu về chất lượng sử dụng dịch vụ công cộng của người dân ngày càng cao. Theo thống kê của VinBus, trên 80 đến 85% người đi lại bằng vé tháng thường xuyên của VinBus là công chức viên chức, người làm văn phòng.
“Chúng tôi cho rằng khi phương tiện công cộng đáp ứng được tiêu chí về chất lượng dịch vụ thì dần dần sẽ thu hút được đối tượng khách hàng như dân công sở, những người đi làm hàng ngày”, ông Nhật nói.
Hiện Việt Nam có 8.746 xe buýt, 89% trong số đó là xe buýt diesel. Toàn bộ buýt điện do VinBus cung ứng, với 286 xe (chiếm 3%), hoạt động chủ yếu tại Hà Nội (202 xe), Phú Quốc (51 xe), và TP.HCM (33 xe).
Trong khi đó, tính đến thời điểm 31/3, VinBus góp phần giảm hơn 31.000 tấn CO2 thải ra môi trường, tương đương trồng 1,45 triệu cây xanh. Để khuyến khích hành khách di chuyển "xanh", kết quả đo đếm giảm phát thải CO2 của khách hàng khi sử dụng VinBus thay vì phương tiện khác được hiển thị trên app VinBus - ứng dụng cho phép người dùng tra cứu thông tin về các tuyến xe buýt điện của VinBus cũng như hệ thống xe buýt công cộng hiện có ở Hà Nội, TP.HCM và Phú Quốc.
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu đánh giá: "Tôi đã sử dụng dịch vụ xe buýt điện và thấy rất khả quan, nhiều tiềm năng phát triển. Những con số "xanh" giúp truyền cảm hứng rất lớn trong nỗ lực bảo vệ môi trường, giúp đi vào thực chất của vấn đề. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu trong công cuộc chuyển đổi xanh, không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn cho những đơn vị sản xuất và vận hành xe điện tại Việt Nam".