Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Đà Nẵng, hiện nay, số ca mắc COVID-19 trong các kiệt, hẻm ở thành phố tăng nhanh. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là các hộ dân ở đây nhà sát nhau, thường xuyên qua lại giao lưu, trò chuyện, không đeo khẩu trang, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
9-10 người trong gia đình mắc COVID-19
Thông tin này được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng nhiều lần đưa ra tại các cuộc họp phòng chống COVID-19 của thành phố với những con số cụ thể, đáng báo động.
Theo CDC Đà Nẵng, tại các kiệt, hẻm đã được phong tỏa, dọc theo trục đường Trần Cao Vân (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) đang là điểm nóng về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Điển hình, ngày 27/8, phường Tam Thuận ghi nhận 48 ca mắc COVID-19, trong đó đáng chú ý là K158 có 11 ca, K246 có 10 ca, K260 có 10 ca, K244 có 5 ca, K254 có 4 ca.
Kiệt hẻm trên đường Trần Cao Vân, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, được CDC Đà Nẵng đánh giá là điểm có nguy cơ lây nhiễm cao.
Chỉ trong 10 ngày (từ 16-27/8), các kiệt này đã ghi nhận hơn 130 ca mắc COVID-19, trong đó K236 ghi nhận 33 ca, K258 là 11 ca, K158 có 20 ca, K246 có 10 ca và K260 có 10 ca.
Đáng lo ngại là xuất hiện tình trạng nhiều gia đình có 9-10 người cùng mắc COVID-19. Cụ thể, trong ngày 27/8, lực lượng y tế ghi nhận gia đình bệnh nhân N.P (trú K158A Trần Cao Vân) gồm 8 thành viên được xác định mắc COVID-19.
Tại K268, gia đình bệnh nhân N.T.H. có đến 10 trường hợp mắc, trong đó bệnh nhân lớn tuổi nhất là 68 tuổi, nhỏ nhất 7 tuổi. Hay trường hợp nhà ông P.T.H (trú K236) có 5 thành viên mắc COVID-19 à ông H và N.H.P.Đ., P.N.G.B., P.N.G.H. và M.A.N.
Tương tự, tại một số kiệt, hẻm trên đương Hoàn Diệu thuộc địa bàn quận Hải Châu cũng xảy ra trường hợp nhiều gia đình mắc COVID-19.
Tại kiệt 524 Hoàng Diệu (thuộc phường Hòa Thuận Đông) với chiều dài hơn 150m và rộng 1m nhưng đến nay đã ghi nhận hơn 60 người thuộc 17 hộ gia đình tại đây mắc COVID-19.
Qua kiểm tra thực tế, CDC Đà Nẵng nhận thấy, các khu dân cư đang thực hiện phong tỏa có rất nhiều kiệt, hẻm, ngóc ngách, người dân đa phần là lao động phổ thông, buôn bán, nội trợ và các chốt ở kiệt chỉ có lực lượng dân quân, bảo vệ dân phố giám sát nên rất khó khăn.
Để bảo đảm an toàn, chống lây nhiễm chéo tại các kiệt, hẻm trên đường Trần Cao Vân nói riêng, các khu vực phong tỏa có nhiều kiệt, hẻm trên địa bàn thành phố nói chung, CDC Đà Nẵng đề nghị các địa phương củng cố, bố trí lực lượng canh gác thường xuyên tại các chốt, tuyệt đối không cho người và phương tiện ra vào, trừ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nhưng phải mang đồ bảo hộ.
Lãnh đạo CDC nhấn mạnh: “Tuyệt đối không được đưa bất cứ hàng hóa từ khu phong tỏa ra bên ngoài. Bố trí bình phun hóa chất ngay cửa chốt để phun khử khuẩn hàng hóa, phương tiện, phân công cán bộ tuần tra thường xuyên trong khu vực phong tỏa để nhắc nhở, xử lý người dân vi phạm quy định phòng chống dịch”.
Đà Nẵng sử dụng hệ thống Camera an ninh để giám sát, xử lý người dân tụ tập nói chuyện.
Sử dụng “mắt thần” giám sát dân
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Đà Nẵng cho biết, ở rất nhiều kiệt, hẻm, người dân ra ngoài tập trung nói chuyện, từ nay nơi nào có tình trạng này thì Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm.
“Tôi trực tiếp đi kiểm tra thì thấy có người dân vạch lối ở chốt để ra ngoài. Ở rất nhiều kiệt, hẻm, người dân tập trung đông người, thậm chí ra ngoài nói chuyện và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lây nhiễm trong kiệt, hẻm. Nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt khắc phục, để tình trạng này tái diễn thì việc ngăn chặn dịch sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Quảng nêu.
Vì vậy, các quận, huyện chịu trách nhiệm, thống nhất với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xác lập các vùng, phải có mục tiêu rõ ràng. Cụ thể, với vùng đỏ, vùng vàng thì mục tiêu chính là phải giảm nguy cơ.
Ông Quảng chỉ đạo: “Không làm cương quyết, không có mục tiêu thì sẽ không đạt mục đích trong phòng chống dịch. Nếu nơi nào xảy ra tình trạng này thì không hoàn thành nhiệm vụ và truy trách nhiệm của người đứng đầu từ quận, phường đến tổ dân phố. Nếu các quận, huyện không hoàn thành nhiệm vụ thì truy trách nhiệm lãnh đạo thành phố xem vì sao để xảy ra tình trạng này”.
Thực hiện yêu cầu, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát hoạt động của người dân trong các khu kiệt, hẻm bằng hệ thống camera. Tại tổ dân phố 29, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, hệ thống camera hoạt động 24/24h dưới sự giám sát trực tiếp của Công an phường, sẽ giám sát chặt 73 hộ dân trong kiệt này.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Tổ trưởng Tổ dân phố 29, hệ thống camera an ninh vừa là “trợ thủ” đắc lực trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vừa giúp kiểm soát những trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch.
Hình ảnh Camera được chuyển về máy tính để xác định địa điểm người dân tập trung, không thực hiện quy định phòng chống dịch.
Ông Đoàn Kim Bê, Tổ trưởng Tổ dân phố 23, phường Nam Dương, quận Hải Châu cho biết, để công tác phòng dịch có hiệu quả, địa phương tăng cường theo dõi, giám sát người dân qua camera, khi phát hiện có người vi phạm sẽ báo lực lượng công an phường xử lý.
“Giám sát qua camera có hiệu quả rõ rệt. Khi phát hiện bà con có vấn đề gì trong khu dân cư tập trung đông người thì sẽ được xử lý kịp thời”, ông Bê cho biết.
Theo các tổ trưởng dân phố, khó khăn lớn nhất đối với việc quản lý người dân tại các khu dân cư này là bà con đều thân quen, lực lượng chức năng của Tổ COVID-19 cộng đồng chỉ có thể nhắc nhở, không xử phạt. Vì thế, người dân còn chủ quan với việc phòng, chống dịch.