Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2024. Trường điều chỉnh chỉ tiêu với từng phương thức xét tuyển.
Cụ thể, phương thức xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT chiếm 2% chỉ tiêu (như năm 2024), phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 83% chỉ tiêu (tăng 3% so với năm 2024).
Đáng chú ý, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ chiếm 15% chỉ tiêu (giảm 3% so với năm 2024). Tính trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ này giảm từ 70 xuống 15%.
Phần chỉ tiêu giảm được chuyển sang xét tuyển kết hợp. Với phương thức này, thí sinh cần có điểm SAT và ACT, lần lượt 1.200/1.600 và 26/30 trở lên; hoặc điểm thi đánh giá năng lực, tư duy hay chứng chỉ tiếng Anh quốc tế 5.5 IELTS hoặc 46 TOEIC iBT trở lên.
Với phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT, trường thông báo dùng 4 tổ hợp xét tuyển gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh); không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, không có tiêu chí phụ, các môn đều tính hệ số 1 khi xét tuyển.
Hiện có 3 trường đại học dự kiến giảm, bỏ chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. (Ảnh minh hoạ)
Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, mùa tuyển sinh năm 2025, trường giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh đã triển khai trong thời gian qua, gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức, xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, trường dự kiến giảm chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp từ 50% xuống còn 40% vào năm tới, đồng thời bổ sung một số tổ hợp để tuyển sinh cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Kế hoạch cụ thể sẽ được trường công bố vào cuối tháng 9.
Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa) dự kiến không dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển năm 2025. Theo đó, năm 2025 trường sẽ tuyển sinh dựa vào học bạ kết hợp điểm một số kỳ thi đánh giá năng lực. Trường sẽ lấy điểm của thí sinh ở một số môn nhất định trong ba năm THPT, tùy theo ngành đào tạo và phải đạt yêu tối thiểu do trường công bố hàng năm.
Với điểm thi đánh giá năng lực, trường tập trung vào khả năng Toán (Toán, suy luận logic và xử lý số liệu); Ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) và Khoa học (giải quyết vấn đề). Riêng phần Khoa học, thí sinh được lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường. Công thức tính điểm, trọng số các môn thành phần, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được trường công bố cụ thể sau.
Năm 2025, học sinh THPT sẽ không còn thi tốt nghiệp theo chương trình cũ. Đề thi sẽ theo chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều thay đổi.
Thí sinh sẽ thi 4 môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học ở THPT, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.
Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.