Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều công ty đa cấp ở địa bàn, Bắc Giang tập huấn bảo vệ người tiêu dùng

(VTC News) -

Thông tin được Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang chia sẻ tại Hội nghị tuyên tuyền phổ biến pháp luật và bán hàng đa cấp trên địa bàn.

Ngày 17/11, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang thực hiện tuyên tuyền phổ biến chính sách pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, ông Dương Văn Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, UBND tỉnh Bắc Giang, đã chia sẻ về hoạt động của các cơ quan chức năng tỉnh trong việc chỉ đạo, triển khai công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra về hoạt động bán hàng đa cấp. Từ đó cho thấy, cơ bản hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, ổn định.

Toàn cảnh hội nghị.

Ông Tuấn cũng cho biết, tính đến ngày 15/11, có 15 doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh, với các sản phẩm chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...

Các doanh nghiệp có giấy phép, tuân thủ, đảm bảo quy định pháp luật trong kinh doanh. Tuy nhiên, 100% doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhưng không có trụ sở, văn phòng trên địa bàn tỉnh (chỉ có người đại diện để liên hệ, trao đổi).

Do vậy, công tác kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp của các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn. Số người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp trong năm thường biến động lớn, số người tham gia phát sinh mới và chấm dứt hợp đồng cao.

Bên cạnh đó, người bán hàng đa cấp gồm nhiều đối tượng, nhiều thành phần khác nhau; tiếp xúc, giới thiệu và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng trong mọi lúc, mọi nơi, khó kiểm soát, quản lý. Hàng hóa được các doanh nghiệp bán hàng đa cấp giới thiệu, chào bán chủ yếu là hàng hóa do tự doanh nghiệp sản xuất hoặc phân phối độc quyền, không có sản phẩm cùng loại trên thị trường để tham chiếu, so sánh nên khó kiểm soát, quản lý về giá cả, chất lượng.

Theo ông Tuấn, trong thời gian gần đây một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đến Bắc Giang tổ chức sự kiện, hội thảo, tuyên truyền, lôi kéo nhiều người tham gia để phát triển hệ thống nhằm trục lợi; tình trạng lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để bán hàng lưu động, bán các sản phẩm kém chất lượng, với giá cao hơn so với giá trị thực của sản phẩm hoặc cao hơn giá bán của sản phẩm tương tự trên thị trường.

Điều này, "gây dư luận xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính”, ông Tuấn nói.

Tại Hội nghị, các báo cáo viên đã truyền đạt đến các đại biểu tổng quan về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các hành vi bị cấm được quy định và bổ sung trong Luật bao gồm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ hoặc cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải thêm sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng.

Đối với người tiêu dùng, ngoài những quyền cơ bản còn có quyền được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh…

Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng giới thiệu thêm những chiêu thức lừa đảo mới và một số tình huống cụ thể trong giao dịch mua bán làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; một số kiến thức, kỹ năng, cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời giải đáp thắc mắc của các đại biểu về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng.

Qua Hội nghị các đại biểu đã hiểu rõ hơn về những nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền và nghĩa vụ của mình trong giao dịch, mua sắm hàng hoá, cách nhận biết những chiêu thức lừa đảo mới và các hành vi bán hàng đa cấp bị cấm để đề phòng, cảnh giác.

Mi Vi

Tin mới