Tập trung nghiên cứu, ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ Công Thương tập trung chuyển hướng nghiên cứu, ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp, từng bước thực hiện quá trình tái cơ cấu về nguồn lực, nội dung cũng như phương thức triển khai, tạo cơ chế thuận lợi khuyến khích sự tham gia của các tổ chức KHCN trong và ngoài Bộ, các tổ chức tư vấn, doanh nghiệp KHCN và đặc biệt là sự tham gia, vào cuộc của các doanh nghiệp của ngành Công Thương với vai trò là nơi tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu KHCN.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động KHCN của ngành Công Thương có sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài Bộ, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là các tổ chức KHCN thuộc Bộ (44%); tỷ lệ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tham gia có xu hướng tăng (chiếm 26%), tiếp theo là khối các viện nghiên cứu ngoài Bộ (chiếm 10%), các trường đào tạo trong và ngoài Bộ (chiếm 6%); các đơn vị thuộc khối chiến lược, chính sách (chiếm 5%).
Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp ngành Công Thương có những bước tiến hết sức quan trọng, không chỉ cơ bản đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng trong nước, sản phẩm của Việt Nam hiện đã vươn ra thị trường thế giới.
Tạo lập vị thế trong lĩnh vực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp Việt
Các đơn vị chú trọng đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước để hoàn thiện và phát triển công nghệ sản xuất, chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, tạo cơ hội phát triển của các doanh nghiệp. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm ứng dụng của các doanh nghiệp ngành Công Thương đã tạo lập vị thế khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các công trình nghiên cứu của ngành điện giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của sản xuất. Doanh nghiệp trong nước đủ năng lực sản xuất cung cấp các máy biến áp truyền tải cấp điện áp 220kV, một số máy biến áp cấp điện áp 500kV. Tích hợp, làm chủ công nghệ giám sát điều khiển trạm biến áp và sản xuất nhiều linh phụ kiện cho các công trình lưới điện truyền tải... quản lý vận hành hệ thống điện được hiện đại hóa với các giải pháp lưới điện thông minh.
Các doanh nghiệp ngành Dầu khí đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công nhiều công trình có hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, công trình đầu tư đóng mới giàn khoan Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05 đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia chế tạo giàn khoan tự nâng có thể hoạt động ở vùng biển sâu đến 400ft với điều kiện làm việc khắc nghiệt...
Việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản đã góp phần thay đổi diện mạo ngành than theo hướng hiện đại: Công nghệ thiết bị khai thác than lộ thiên đạt trình độ tiên tiến; nâng cao mức độ cơ giới hóa, tự động hóa ở các nhà máy tuyển, mức thu hồi các chủng loại than.
Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo lại càng đa dạng bao gồm: Thiết kế mới, thiết kế cải tiến, làm chủ bí quyết thiết kế chế tạo các dây chuyền thiết bị nhập ngoại, nội địa hóa thiết bị, phụ tùng; phục hồi sửa chữa các thiết bị, phụ tùng máy móc có giá trị kinh tế lớn; đưa vào vận hành nhiều hệ thống điều khiển DCS và SCADA cho hầu hết các ngành công nghiệp; chế tạo thành công nhiều sản phẩm phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoá chất chú trọng tìm kiếm những giải pháp kỹ thuật và cách thức sản xuất mới, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm. Công trình “Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm phân lân nung chảy đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu” đã đưa sản phẩm xuất khẩu sang các nước như Australia, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan…
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, hầu hết các nhiệm vụ KHCN được triển khai theo định hướng nghiên cứu ứng dụng. Một số lĩnh vực đạt trình độ các nước phát triển trên thế giới như công nghệ sản xuất đường chức năng isomaltolose, enzyme xylanase…
Các đơn vị nghiên cứu ứng dụng các công nghệ vi sinh hiện đại để sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu hoá dược, sản phẩm phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng.
“Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương triển khai xây dựng 468 mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại, tập trung chủ yếu cho 8 ngành, lĩnh vực ưu tiên. Hiệu quả đối với từng mô hình điểm là hết sức rõ nét.
Theo kết quả khảo sát, 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động hỗ trợ rất hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp (98%), 64,7% các doanh nghiệp có cải thiện về năng suất, 56,9% doanh nghiệp có cải thiện về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí nguyên nhiên vật liệu 54,2%, 47,1% doanh nghiệp có cải thiện về thời gian giao hàng...
Các nghiên cứu trong lĩnh vực chiến lược, chính sách đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ việc hoạch định chiến lược, chính sách và quy hoạch phát triển bền vững của ngành. Tập trung giải quyết các vấn đề nhằm tái cấu trúc và phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực công nghiệp và thương mại, phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Có thể nói, việc tập trung nghiên cứu theo hướng ứng dụng, hỗ trợ doanh nghiệp đã mang lại kết quả rõ rệt. Các chương trình, nhiệm vụ do Bộ Công Thương giao cho các đơn vị hầu hết đều có tính ứng dụng cao và có khả năng thương mại hóa đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước.