Giới chức nước này hi vọng sẽ tránh được bạo loạn như từng xảy ra hôm 6/1 khi đám đông những người ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump xông vào tòa nhà Quốc hội, khiến một cảnh sát và 4 người thiệt mạng.
Thắt chặt an ninh trước thềm lễ nhậm chức của ông Biden. Ảnh: Reuters
Mặc dù chi tiết vẫn chưa rõ ràng, song nhiều nguồn tin cho biết, các cuộc biểu tình dự kiến sẽ bắt đầu ngay từ ngày mai (17/1) và kéo dài cho đến thời điểm diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Cục điều tra liên bang Mỹ đã cảnh báo về khả năng xảy ra bạo lực ở tất cả các bang và cho biết đang theo dõi “một lượng lớn các cuộc trò chuyện trực tuyến”, bao gồm cả các cuộc gọi biểu tình vũ trang.
Khu vực trung tâm thủ đô Washington những ngày này khiến người tư liên tưởng tới “Vùng Xanh” được thắt chặt an ninh cao độ ở thủ đô Baghdad, Iraq. Cả một khu vực rộng lớn của thủ đô bị phong tỏa, được vệ binh quốc gia tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt. Trên 25.000 binh sĩ, nhân viên thực thi pháp luật, quân đội, tình báo đã được huy động để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trước khi ông Joe Biden lên tuyên thệ nhậm chức. Ngầm sau đó, rất nhiều đặc vụ, công tố viên, chuyên gia phân tích liên bang đang truy tìm, dõi theo âm mưu gây mất ổn định để đối phó với thách thức an ninh lớn nhất kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001.
Theo Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christoper Wray, Cục điều tra liên bang Mỹ đã xác định được trên 200 nghi phạm và bắt giữ 100 đối tượng: “Chúng tôi quan ngại về nguy cơ bạo lực xuất hiện trong nhiều vụ biểu tình, tuần hành đã được lên kế hoạch, với địa điểm dự kiến là ở Washington, cũng như trụ sở cơ quan công quyền tại các tiểu bang trên khắp nước Mỹ trong những ngày tới. Toàn bộ lực lượng của chúng tôi đã được đặt trong tình thế sẵn sàng và sẽ duy trì cho tới lễ nhậm chức. Chúng tôi và các đối tác đã bắt giữ hơn 100 cá nhân vì các hoạt động tội phạm của họ trong cuộc bao vây ở Điện Capitol vào tuần trước và tiếp tục truy đuổi vô số người khác có liên quan”.
Không chỉ ở thủ đô Washington, chính quyền hơn 10 bang cũng đã kêu gọi sự hỗ trợ của vệ binh quốc gia để bảo vệ các tòa nhà công quyền, cũng như hỗ trợ nhân viên thực thi pháp luật địa phương. Một hàng rào dài đã được dựng lên xung quanh tòa nhà cơ quan lập pháp bang Michigan nhằm đối phó với nguy cơ các cuộc biểu tình bạo lực tiềm tàng.
Trong khi đó, tại Maryland, Thống đốc bang Larry Hogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp do lo ngại ngày càng tăng về an ninh trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là tới buổi lễ tuyên thệ nhậm chức. Theo Thống đốc Larry Hogan, bang Maryland sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để đảm bảo an ninh của thủ đô và đảm bảo việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Cùng với việc ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ông Hogan cũng yêu cầu Nhà Trắng thông qua Tuyên bố về Thảm họa của Tổng thống để bồi hoàn các chi phí phát sinh trong quá trình bang Maryland phản ứng đối với cuộc bạo loạn diễn ra tại Đồi Capitol cũng như hỗ trợ cho lễ nhậm chức.
Cùng với đó, chính quyền các bang cũng khuyến người dân tránh xa khu vực có các tòa nhà chính phủ trong những ngày tới. Thống đốc bang Ohio Mike DeWine thuộc đảng Cộng hòa hôm qua thông báo đóng cửa tòa nhập lập pháp bang cho đến sau lễ nhậm chức và huy động hàng trăm binh sĩ vệ binh quốc gia.
Lễ nhậm chức luôn là sự kiện quan trọng, với cấp độ bảo đảm an ninh ở mức cao nhất. Tuy nhiên, năm nay, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ còn phải đẩy mạnh chiến dịch bảo vệ hơn nữa sau vụ người biểu tình gây bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6/1 vừa qua.