Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhật ký của du học sinh Việt trên chuyến bay cuối cùng từ châu Âu về quê hương

(VTC News) -

Có mặt trên chuyến bay cuối cùng, Nguyễn Thúy Huyền, 20 tuổi, du học tại Rotterdam (Hà Lan), đã chụp lại những hình ảnh như một kỷ niệm đặc biệt lần về nước này

Nguyễn Thuý Huyền cho rằng, được trở về trên chuyến bay cuối cùng đó là sự biết ơn đối với những chiến sĩ bộ đội hỗ trợ vận chuyển hành lý, hàng hoá đêm ngày, dù mệt tới mức “phờ phạc, ngồi sụp xuống đất” nhưng vẫn nhiệt tình khi có người cần sự giúp đỡ, hay đơn giản chỉ là câu nói ấm áp của nữ tiếp viên: “Uống đủ nước nhé!” cũng khiến Huyền cảm thấy ấm lòng.

Học tập tại thành phố Rotterdam, Thúy Huyền cho biết, những ngày này, do mọi người đều ở trong nhà tránh dịch nên thành phố nơi Huyền sinh sống gần như không một bóng người. Đây cũng là lúc cô gái 20 tuổi quyết định trở về Việt Nam. Suốt hành trình “trở về” ấy, Thúy Huyền đã ghi lại từng câu chuyện mình đã trải qua với hình ảnh chân thực, từ đó lan tỏa những điều tốt đẹp và cả sự lạc quan tới mọi người.

Huyền cho biết, cả chuyến bay trở về Việt Nam dù chỉ có khoảng 30 người Việt nhưng mình lại có cảm giác vô cùng thân. Sân bay dù vắng hoe nhưng đâu đâu cũng thấy tiếng nói người Việt”, Huyền chia sẻ.

Từ Hà Lan, Huyền phải quá cảnh tại Qatar và dự kiến sẽ đáp xuống sân bay Nội Bài vào ngày 19/3 - một ngày trước khi Việt Nam tạm dừng đón chuyến bay từ một số nước Châu Âu (20/3). Đây là chuyến bay cuối cùng của Qatar thoát khỏi vùng biên giới Châu Âu để trở về Việt Nam.

Với Huyền, đây thực sự là một may mắn. “Có rất nhiều người tại Pháp đã đến sân bay nhưng không thể quay trở về đất nước mình vì ngay trước giờ bay, Pháp đã quyết định đóng cửa đất nước.

Trên suốt chuyến hành trình “trở về” ấy, Huyền thầm biết ơn khi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của đội bay. “Chờ đợi đến giờ quá lâu nên khi lên máy bay, mình không còn đủ sức để chờ đồ ăn.

Mình đã lấy chì kẻ mày viết ghi chú để các bạn tiếp viên không phải đánh thức mình dậy. Đến khi thức giấc, một tiếp viên dễ thương nào đó đã đặt sẵn nước cho mình cùng lời nhắc: “Nhớ uống đủ nước nhé!”.

Điều khiến Huyền cảm thấy ấm lòng còn là khi máy bay đáp xuống, phi hành đoàn nói trên loa: “Vinh hạnh của chúng tôi là khi được đưa bạn về nhà”. Huyền xúc động: “Bình thường, các chuyến bay sẽ không nói thế, chỉ là “Hân hạnh được bay với bạn”. Cũng chính lúc ấy, mình hạnh phúc vì biết rằng, mình đã sắp về đến nhà rồi”.

Là chuyến cuối cùng hạ cánh nên bấy giờ, sân bay tương đối vắng vẻ. Vừa đặt chân tới sân bay, mọi điều mệt mỏi trong Huyền đều tan biến. Thay vào đó là cảm giác thân thương trong những câu chuyện vui từ lực lượng an ninh.

"Từ hôm 19/3, có lệnh tụi mình không phải kiểm tra ở sân bay nữa mà sẽ đi thẳng tới cơ sở cách ly. Thế nên lúc nhìn hộ chiếu của mình, một chú an ninh đã hài hước nói: “Ngay và luôn một vé đi nghỉ dưỡng 2 tuần nhé!”. Đến lúc khai báo y tế, mình quên vali ở lại. Lúc sau, có một chú khác hớt hải chạy ra nói to: “Ai quên cái vali xanh ấy nhỉ, lấy nhanh không mất kìa”. Mình xấu hổ quá vẫn phải giơ tay, các chú lại trêu: “Về đến nhà một cái là bỏ của chạy lấy người à?”.

“Thực sự mình đã rất xúc động và cảm thấy thương khi ai cũng phờ phạc, ngồi sụp xuống tấm bìa các-tông, người kín từ đầu đến chân. Mình thấy thực sự biết ơn, cũng thấy có lỗi vì dường như mình đang là gánh nặng cho đất nước. Dù mệt mỏi nhưng các cô chú cán bộ vẫn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chúng mình”, Huyền chia sẻ.

Trở về khu cách ly tại huyện Thanh Trì, tất cả mọi người vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ của lực lượng chức năng. Huyền vui vẻ kể lại: “Bác tài xế còn nhiệt tình hỏi tụi mình có ai dùng wifi không để phát cho nữa”.

Đến nơi, tất cả đồ đạc đều được gỡ xuống để phun khử trùng. Du học sinh, mỗi người một việc là hỗ trợ khuân hành lý xuống và sắp xếp hai hàng ngăn nắp cho mọi người, gia đình có trẻ nhỏ và các cô bác trung niên. “Lúc đó mình nghĩ đây là chuyện nhỏ, thanh niên sức trẻ để làm gì? Các bạn nam hăng hái leo lên thùng xe khiêng hành lý xuống, các bạn nữ kéo đi và xếp thành hàng, rất là vui. Hành động nhỏ nhưng thể hiện sự chung sức của tất cả mọi người”, Huyền chia sẻ.

Tại khu cách ly, Huyền được ở trong phòng cùng 7 người khác. Đó là một căn phòng sạch sẽ, thoáng mát, có quạt, chăn, gối, màn cùng nhà vệ sinh sạch sẽ.

Trong lúc ngồi chờ xét nghiệm và đợi phân chia phòng, Huyền cùng các du học sinh được cán bộ hỏi thăm những câu chuyện dễ mến như nhà ở đâu, học ngành gì.“Các thầy còn động viên tụi mình hãy cố gắng học. Thầy còn trêu đùa rằng: ‘Ở đây bắt gấp chăn thành hình bao xi măng’ khi có bạn hỏi: ‘Tụi con có phải gấp chăn như quân đội không’. Điều này khiến ai cũng bật cười vì thầy dễ thương quá”.

Nhiều vật dụng khác cũng được chuẩn bị chu đáo, từ gói nước xả vải, giấy vệ sinh, bông ngoáy tai,… cho đến từng chiếc tăm hay móc treo quần áo.

Ngoài ra, tất cả mọi người sẽ được nhận nhu yếu phẩm thiết yếu để có thể yên tâm thực hiện cách ly theo đúng quy định trong suốt 14 ngày.

 

 

Huyền cho rằng, chuyến hành trình trở về này đã dạy cho cô những bài học tuyệt vời về sự biết ơn. “Sự chu đáo của các cán bộ nơi cách ly đã khiến mình cảm thấy nơi đây thật thấm đẫm tình người".

“Chúng tôi đi làm vì bạn. Hãy ở nhà vì chúng tôi”, đó là thông điệp mà Huyền muốn thay lời những cán bộ, nhân viên y tế nhắn nhủ tới mọi người.

Video: Khu cách ly tập trung Pháp Vân- Tứ Hiệp (Hà Nội).

Hà Cường

Tin mới