Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Du học sinh đắn đo ở lại hay về Việt Nam

Thấy người Pháp vẫn tụ tập vui chơi bất chấp Covid-19, Diệu Linh (22 tuổi, quê Hà Nội) lo lắng, muốn về Việt Nam nhưng lại sợ bị lây nhiễm trên máy bay.

6h sáng 18/3, Diệu Linh mở điện thoại đọc tin tức về tình hình Covid-19 tại Pháp. Thấy cả nước ghi nhận hơn 7.700 ca bệnh, riêng vùng Ile de France nơi nữ sinh đang sống có 1.000 ca, Linh thở dài nhưng không bất ngờ.

Linh đến Pháp từ năm 2018 để học Y khoa, Đại học Paris XI. Cô kể, nhằm đối phó với Covid-19, từ ngày 17/3 Pháp phong tỏa đất nước bằng cách điều động 100.000 cảnh sát, hiến binh giám sát việc hạn chế đi lại của người dân.

"Mặc dù chính quyền làm hết sức có thể để hạn chế dịch, mình và nhiều du học sinh vẫn lo lắng vì người Pháp không dừng hoạt động vui chơi và tụ tập đông người. Thậm chí họ còn chơi nhiều hơn ngày thường do được nghỉ học, nghỉ làm", Linh nói và cho biết vẫn nhận được nhiều lời mời đi chơi của bạn bè.

Trước khi có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, đồi Montmartre vẫn đông người dân tụ tập. (Ảnh: Diệu Linh)

 

Nhiều bạn bè của Linh nhanh chóng về nước sau khi biết Việt Nam hạn chế nhập cảnh. Linh cũng muốn về, nhưng thấy khả năng lây nhiễm tại sân bay và máy bay rất cao nên đành ở lại. "Đang ở trong tâm dịch, mình tự động viên sẽ không sao nếu chủ động phòng tránh và chỉ ở trong nhà. Hơn nữa, mình cũng sợ nếu về khi quay lại rất khó khăn, có thể gián đoạn học tập", Linh nói.

Để bảo vệ mình, trước khi có lệnh phong tỏa, Linh đã kịp tích trữ nhu yếu phẩm như gạo, mì Ý, giấy vệ sinh và nước khoáng. Cô cũng thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng. Những địa điểm gần, Linh sẽ đi bộ, nếu không sẽ đặt ship về nhà.

Từ đầu tháng 3, Linh chuyển sang học online vì trường học đóng cửa. Việc giảng dạy online vẫn thường diễn ra tại Đại học Paris XI nên Linh không mất nhiều thời gian làm quen. Tuy nhiên, cô cảm thấy bất tiện khi không được tới thư viện, nơi học tập ưa thích. "Mình đang tập quen với việc học, nghiên cứu tại nhà cùng tài liệu đã kịp in trước khi thư viện đóng cửa", Linh nói.

Xe quân đội đã có mặt trên đường phố Paris, Pháp, ngày 17/3. (Ảnh: Diệu Linh)

 

Vũ Ngân (23 tuổi, quê Hà Nội) đang học tập tại thành phố Leeds, xứ Yorkshire, Vương quốc Anh hoang mang khi số ca dương tính với nCoV tại Leeds ngày 17/3 là 19, cả nước gần 2.000 ca.

Trong khi đó, Chính phủ Anh chưa đưa ra được kế hoạch phòng chống dịch cụ thể ngoài những chỉ dẫn y tế như: rửa tay thường xuyên, tự cách ly tại nhà nếu có triệu chứng. Thậm chí, chính quyền địa phương còn yêu cầu tuyệt đối không tự ý đến bệnh viện hay các phòng khám để xét nghiệm Covid-19 khi chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Các trường học vẫn hoạt động bình thường cũng khiến Ngân và các du học sinh tại Anh lo ngại bởi nguy cơ lây nhiễm cao do người dân địa phương không muốn đeo khẩu trang phòng bệnh. Ngân thường xuyên bắt gặp ánh mắt kỳ thị khi đeo khẩu trang, thậm chí có người còn gọi Ngân và bạn bè là "lũ corona virus" hoặc khạc nhổ, ho vào mặt. Nếu như trước đây, Ngân thường đi xem phim, dạo phố với bạn sau giờ học thì nay chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

"Bố mẹ mình liên tục gọi về vì lo con nhiễm virus, không được khám chữa kịp thời như ở Việt Nam. Thế nhưng mình rất phân vân bởi trường học vẫn hoạt động bình thường. Nếu về Việt Nam, không biết bao giờ mình mới sang học tiếp được và nguy cơ lây nhiễm trên máy bay cũng cao", Ngân nói và hy vọng dịch bệnh nhanh chóng qua đi để có thể yên tâm đi học.

Tại bang Baden-Wurttemberg, Đức, Ngọc Mai (23 tuổi, quê Nam Định) mấy ngày nay liên tục tra cứu thông tin vé máy bay về Việt Nam. "Đường bay đến Đức hiện chỉ còn Vietnam Airline. Mình tra vé đến đầu tháng 4 đều hết hoặc giá từ 35 triệu đồng trở lên. Mức này thì mình không thể về nhà được", Mai chia sẻ.

Ngày 18/3, Đức ghi nhận hơn 9.300 người nhiễm bệnh, 26 người tử vong. Từ ba ngày trước, trường học toàn quốc đóng cửa, Mai chỉ nhốt mình trong nhà. Khi dịch bùng phát tại châu Âu, nữ sinh đã kịp mua đồ ăn tích trữ, nước sát khuẩn và khẩu trang. Tuy nhiên, do sợ bị kỳ thị, thậm chí bị tấn công, Mai không dám dùng khẩu trang khi ra ngoài.

Mai còn lo ngại nếu không may nhiễm bệnh, du học sinh "không được chữa trị tận tình như ở Việt Nam". "Bảo hiểm y tế của mình chỉ trả một phần nhỏ chi phí khám chữa bệnh, trong khi vào viện tốn rất nhiều tiền. Mình rất sợ nếu mắc bệnh sẽ không đủ tiền chữa trị", Mai kể.

Đường phố tại Baden-Wurttemberg, Đức vắng vẻ ngày 18/3. (Ảnh: Ngọc Mai)

 

Học tại Tennessee - bang không quá lớn ở Mỹ nhưng đến 17/3 đã ghi nhận 52 người dương tính với nCoV, Nhật Minh, sinh viên năm cuối Đại học Vanderbilt, lo lắng không chỉ cho sức khỏe mà còn cả tinh thần.

Minh kể hai tuần trước, Đại học Vanderbilt có ca dương tính, báo chí đưa tin, nhưng mọi người vẫn tụ tập ăn uống, đi tập gym như bình thường. Minh được bạn rủ đi bar nhân dịp trường cho nghỉ học. Chỉ sau khi Tổng thống Mỹ coi Covid-19 là đại dịch, người Mỹ mới thay đổi suy nghĩ, bớt tụ tập đông người.

Riêng Minh nhờ nắm bắt tình hình dịch cả ở Việt Nam và Mỹ nên đã hạn chế đi lại. Trường đổi sang hình thức học online đến hết kỳ nên Minh phân vân giữa việc ở lại hay về Việt Nam. Nếu ở lại, nữ sinh lo nhiễm bệnh mà không có người thân nào bên cạnh. Nếu về nước, Minh khó học online do bài học toàn vào 3-4h chiều ở Mỹ, tức 3-4h sáng ở Việt Nam.

Hơn nữa, nếu về nước mà không sang trước ngày 2/5, Nhật Minh có thể xin visa  khó khăn, không thể quay trở lại Mỹ dự lễ tốt nghiệp, bị hủy hoặc hoãn công việc tại New York. Cân nhắc giữa cái được và mất, nữ sinh quyết định về Việt Nam bởi "sức khỏe tinh thần là quan trọng nhất".

Đến 18/3, Covid-19 đã lan ra 166 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 198.000 người nhiễm bệnh và gần 8.000 người chết. Châu Âu trở thành tâm dịch toàn cầu với số ca nhiễm mới tăng mạnh ở Italy, Đức, Pháp. Tại Mỹ, hơn 6.500 người nhiễm Covid-19, trong đó 115 người chết.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có khoảng 190.000 du học sinh, nhiều nhất là Mỹ 29.000, kế đó là Canada 21.000, Australia và New Zealand 30.000, Nhật Bản 15.000, Hàn Quốc 14.000, Anh 12.000, Italy và Trung Quốc mỗi nước khoảng 11.000, Đức 7.500, Pháp 6.500. 

Nguồn: VnExpress

Tin mới