Theo The Guardian, khi Trung Quốc cấm nhập khẩu tất cả hải sản Nhật Bản sau khi hơn 1 triệu tấn nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã bị cáo buộc là “tiêu chuẩn kép” và lợi dụng vụ việc để khơi dậy “tinh thần bài Nhật”.
Trung Quốc lên án việc xả thải và cơ quan hải quan nước này cho rằng nó có nguy cơ gây “ô nhiễm phóng xạ đối với an toàn thực phẩm”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng gọi đây là “hành động cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm”.
Phản ứng lại sự phản đối từ Bắc Kinh, Chính phủ Nhật Bản cũng công bố một tài liệu chỉ ra rằng các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đang xả nước bị ô nhiễm phóng xạ ra biển “mà không có bất kỳ sự giám sát nào” ở mức cao gấp 6,5 lần so với lượng thải ra từ nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, theo Asia News.
Một số nhà khoa học dẫn chứng nhà máy điện Fuqing ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc bị cáo buộc thải ra Thái Bình Dương lượng tritium nhiều gấp 3 lần so với kế hoạch xả thải của nhà máy điện Nhật Bản.
Đài NHK của Nhật Bản cũng trích dẫn một báo cáo cho thấy, năm 2021, nhiều nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc thải ra biển lượng phóng xạ tritium nhiều hơn lượng dự kiến từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.
Đơn cử, nhà máy điện Qinshan ở tỉnh Chiết Giang đã thải ra 218.000 tỷ becquerel (đơn vị đo độ phóng xạ của một chất) tritium vào năm 2021. Con số này gấp khoảng 10 lần lượng tritium tối đa được phép thải ra từ nhà máy ở Nhật Bản trong một năm.
Cũng trong năm này, nước chứa khoảng 112.000 tỷ becquerel tritium đã được thải ra từ nhà máy điện hạt nhân Yangjiang ở tỉnh Quảng Đông, 102.000 tỷ becquerel từ nhà máy điện hạt nhân Ningde ở tỉnh Phúc Kiến và 90.000 tỷ becquerel từ nhà máy điện hạt nhân Hongyanhe ở tỉnh Liêu Ninh.
Trong khi đó, lượng tritium hàng năm có trong nước đã qua xử lý và pha loãng thải ra từ nhà máy Fukushima được giới hạn ở mức 22.000 tỷ becquerel. Công ty Điện lực Tokyo (Tepco), đơn vị quản lý nhà máy Fukushima Daiichi, lập luận rằng ở mức độ như vậy, tritium thải ra biển sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan khác đặt ra.
Về những thông tin trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết: “Có sự khác biệt về bản chất giữa nước bị ô nhiễm hạt nhân tiếp xúc trực tiếp với lõi lò phản ứng tan chảy trong thảm họa hạt nhân Fukushima và chất thải lỏng từ các nhà máy điện hạt nhân trong hoạt động bình thường”.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. (Ảnh: IAEA)
Hôm 24/8, Tepco đã bắt đầu xả nước chứa tritium phóng xạ ra biển, khởi động quá trình xả nước thải dự kiến sẽ mất ít nhất 30 năm. Kế hoạch này đã được cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và chính phủ Nhật Bản phê duyệt.
Ngày 25/9, Tepco cho biết các cuộc kiểm tra nhanh những mẫu lấy từ lô nước đầu tiên được thải ra cho thấy mức độ phóng xạ nằm trong giới hạn an toàn.
“Chúng tôi xác nhận rằng giá trị được phân tích bằng với nồng độ được tính toán và giá trị được phân tích là dưới 1.500 becquerel/lít”, Keisuke Matsuo, người phát ngôn của Tepco, cho hay. Con số này bằng khoảng 1/7 mức khuyến cáo của WHO về nồng độ tritium trong nước uống.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành phân tích hàng ngày trong một tháng tới và thậm chỉ nỗ lực duy trì trong tương lai xa hơn. Bằng cách đưa ra những lời giải thích nhanh chóng, dễ hiểu, chúng tôi hy vọng sẽ xua tan được nhiều mối lo ngại khác nhau”, ông Matsuo nói thêm.
Nhiều nhà khoa học cũng đồng ý rằng việc xả thải ở Fukushima sẽ có tác động phóng xạ “không đáng kể” đối với con người và môi trường.
Tiến sĩ David Krofcheck, giảng viên cao cấp tại Đại học Auckland (New Zealand), cho biết: “Việc xả nước làm mát đã qua lọc hiện nay có chứa nguyên tử tritium từ nhà máy Fukushima sẽ không gây ra tác động bất lợi về mặt vật lý. Tritium được sản xuất một cách tự nhiên như một phần của bức xạ nền môi trường thông thường của chúng ta, và nó di chuyển qua mưa hoặc sông vào các đại dương trên thế giới”.
Ông Krofcheck nhấn mạnh: “Việc xả nước được thiết kế để có lượng triti/lít ít hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của WHO cho nước uống. Nhiều tritium hơn đã được thải ra từ các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động bình thường ở phía bắc Thái Bình Dương kể từ khi các nhà máy ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan lần đầu tiên được đặt tại các địa điểm ven biển”.