Tờ Chinadaily ngày 28/7 đưa tin, ngành thuỷ sản Trung Quốc đang phải đối mặt với sự bất ổn trong bối cảnh Nhật Bản quyết định xả hơn 1,3 triệu tấn nước thải đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương. Người tiêu dùng hải sản Trung Quốc lo sợ việc này đe dọa sinh kế của cộng đồng ngư dân và nông dân nuôi trồng thủy sản tại đất nước tỷ dân.
Theo đó, những bình luận đáng lo ngại đã xuất hiện trên các buổi livestream do ngư dân ở tỉnh ven biển Chiết Giang tổ chức để quảng cáo mẻ cá mới nhất của họ.
Khung cảnh ảm đạm tại một chợ cá bán buôn hôm 24/8. (Ảnh: China Daily)
Cụ thể, một bình luận trên buổi phát trực tiếp có nội dung "Bạn đang làm những điều có hại", cáo buộc vô căn cứ rằng người chủ kênh vô trách nhiệm khi bán thực phẩm bị ô nhiễm hạt nhân.
“Xin vui lòng ngừng mua hải sản vì sự an toàn của chính bạn”, một người khác bình luận khi người chủ kên đang cố gắng thu hút người mua tiềm năng.
Những nhận xét này đã khiến không ít người bán suy sụp tinh thần. Trong một động thái tuyệt vọng để quảng cáo sản phẩm của mình, một chủ kênh đã hét vào camera rằng hải sản của họ được đánh bắt gần bờ biển Trung Quốc và không bị ô nhiễm do đợt xả thải gần đây.
Cơ quan hải quan Trung Quốc tuần trước đã công bố lệnh cấm sâu rộng đối với nhập khẩu hải sản Nhật Bản do lo ngại về an toàn đối với các sản phẩm này.
Zhou Zhongyuan, một nhà nghiên cứu sinh vật biển tại Đại học Hải dương Trung Quốc ở thành phố ven biển Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông), cho biết việc tự tẩy chay sản phẩm đánh bắt từ biển của Trung Quốc là không cần thiết.
“Hải sản từ vùng biển Trung Quốc vẫn được đảm bảo vì luôn phải tuân theo quy trình sàng lọc an toàn nghiêm ngặt trước khi đưa ra thị trường”, ông Zhou nói.
Hôm 25/8, một quan chức giấu tên của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, cơ quan giám sát sản xuất thủy sản Trung Quốc, chia sẻ với tờ Nhân dân Nhật báo rằng cơ quan này rất coi trọng chất lượng và an toàn của sản phẩm thủy sản.
Vị quan chức cho biết: “Bộ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc gia về nồng độ chất phóng xạ tối đa cho phép trong sản phẩm thủy sản và sẽ tăng cường giám sát rủi ro ô nhiễm hạt nhân trong sản phẩm thủy sản biển để đảm bảo chất lượng của mặt hàng này”.
Quan chức này cho biết thêm, tác hại tiềm ẩn mà việc xả thải có thể gây ra cho ngành đánh bắt cá biển cũng sẽ được giám sát chặt chẽ để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của ngành.
Hôm 25/8, chính quyền Ôn Châu, một thành phố ven biển thuộc tỉnh Chiết Giang, đã thành lập một văn phòng thu thập mẫu nước hai tháng một lần ở vùng biển xung quanh để theo dõi mức độ ô nhiễm phóng xạ.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Ôn Châu Nhật báo ngày 27/8, Wan Xinlong, một chuyên gia về ô nhiễm phóng xạ và là người đứng đầu văn phòng trên, cho biết họ đã thu thập các mẫu nước hai lần kể từ cuối năm ngoái khi việc xả thải đang trong giai đoạn lập kế hoạch và kết quả cho thấy không có ô nhiễm nào đến vùng biển gần Ôn Châu.
Theo một báo cáo thường niên do Bộ Nông nghiệp công bố, giá trị của ngành đánh bắt cá biển Trung Quốc là 249 tỷ nhân dân tệ (34,16 tỷ USD) vào năm ngoái và giá trị sản lượng của ngành nuôi trồng sinh vật biển đang phát triển nhanh là 464 tỷ nhân dân tệ.
Nga muốn tăng xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc
Theo Reuters, Rosselkhoznadzor, cơ quan giám sát an toàn thực phẩm của Nga cho biết, họ đang tìm cách tăng số lượng nhà xuất khẩu sang Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh cấm nhập hải sản từ Nhật Bản do lo ngại an toàn về việc nhà máy điện hạt nhân Fukushima xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra biển.
Rosselkhoznadzor hiện đang có kế hoạch tiếp tục trao đổi về các vấn đề an toàn hải sản và hoàn tất đàm phán với Bắc Kinh về quy định đối với hải sản Nga xuất sang Trung Quốc.
Theo cơ quan thủy sản Nga, nước này là một trong những nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho Trung Quốc, với 894 công ty được phép xuất khẩu hải sản. Trung Quốc hiện là điểm đến của hơn một nửa sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Nga trong 8 tháng qua.
Trong năm 2022, Nga đã xuất khẩu 2,3 triệu tấn hải sản trị giá khoảng 6,1 tỷ USD, chiếm khoảng một nửa tổng sản lượng đánh bắt của nước này. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nhà nhập khẩu lớn nhất của Nga.