Sáng nay khi đứng trong thang máy để lên văn phòng công ty, Toàn (28 tuổi, Hà Nội) chợt biết rõ cảm giác “sai sai” mà anh mơ hồ nhận thấy mấy hôm nay là gì.
Thang máy, bãi xe hóa rộng
Mọi khi vào giờ này, cả 4 thang máy của tòa nhà nơi Toàn làm việc đều quá tải, người vào cabin chen chúc chật đến mức khó bề ngọ nguậy, trong khi ở sảnh vẫn còn cả đám đông sốt ruột sợ chậm giờ làm. Ấy vậy mà những ngày gần đây, dù đi sát giờ chấm vân tay, Toàn vẫn không phải vội vàng tranh lượt, số người trong thang máy vừa đủ để ai nấy có thể thoải mái bấm điện thoại.
"Thực tế này diễn ra được một số ngày rồi nhưng tôi chỉ cảm thấy có gì đó sai sai mà không kịp nhận biết điều gì không giống bình thường. Chỉ đến khi thang máy đang đóng lại, một cô bé lao tới kêu lên 'chờ em đi nhờ với', tôi mới nhận ra một điều chưa từng có vào giờ này, đó là thang máy rất rộng rãi, mọi người không phải đụng vào nhau dù có bạn đeo cái ba lô to đùng", Toàn chia sẻ.
Cảnh thang máy đông nghẹt người thế này là chuyện của những ngày trước. (Ảnh minh họa)
Văn phòng công ty Toàn còn “thoáng, rộng” hơn nữa. Mở máy tính làm việc gần một tiếng, anh ngẩng lên và chợt nhận ra cả căn phòng rộng dành cho gần 30 nhân viên nay chỉ có dăm bảy người. Gần đây do có nhiều nhân viên mắc hoặc có người thân mắc COVID-19, phải ở nhà điều trị hoặc theo dõi, công ty thường không đông đủ, nhưng chưa bao giờ vắng tanh như vậy. Hỏi ra mới biết, ngoài việc có thêm một số ca F0 phải ở nhà, nhiều người khác vì tiếp xúc gần với F0 hoặc có triệu chứng nghi ngờ nên xin nghỉ một buổi đi xét nghiệm.
“Cách đây mấy tháng, dù đánh chết tôi cũng không tin có một ngày công ty như biến thành chùa bà Đanh vì F0, F1 xuất hiện liên tiếp như vậy”, Toàn nói.
Chị Hải Vân (nhân viên kế toán, sống ở quận Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: “Bãi đỗ xe của công ty tôi ngày thường rất chật, đưa xe vào và lấy xe ra đều rất khó khăn, vất vả. Tôi thường hay đi làm sớm, xe để phía trong nên mỗi lần tan sở, dắt được nó ra cũng toát mồ hôi. Thế nhưng mấy ngày gần đây bãi xe trở nên rộng rãi. Ngoài các F0 đương nhiên không tới, nhiều người khác cũng xin làm việc từ xa vì đang có nguy cơ thành F0, hoặc phải ở nhà chăm con nhỏ mắc COVID-19. Riêng phòng tôi 4 người thì 3 đang ở nhà, họ cùng đi công tác và 2 ngày sau khi trở về thì một người phát hiện dương tính”.
Giúp nhau “ngoáy mũi” ở công sở
Mô tả không khí công sở những ngày Hà Nội phát hiện thêm 7.000-9.000 ca mới mỗi 24 giờ, Thu Huyền, nhân viên sale của một công ty đóng tại quận Hai Bà Trưng, nói: “Ấn tượng nhất đối với tôi những ngày này là cảnh đồng nghiệp giúp nhau ngoáy mũi để test COVID.
Hồi trước, thỉnh thoảng khi sắp tổ chức sự kiện, công ty thường gọi dịch vụ y tế đến lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho nhân viên, nhưng gần đây do cần xét nghiệm thường xuyên nên sếp yêu cầu mua cả chục hộp test kit để ở văn phòng cho mọi người tự xử. Ai mới có tiếp xúc hoặc triệu chứng đáng nghi đều phải làm. Thế nên ngày nào ở công ty cũng có cảnh anh chị em ngoáy mũi cho nhau. Nhiều người làm nhiều nên thành thạo, mát tay chả kém nhân viên y tế”.
Mặc dù việc tự test chưa giúp phát hiện ca dương tính nào nhưng đến nay, công ty Huyền cũng đã có 4 F0, phát hiện nhờ xét nghiệm PCR tại bệnh viện; 6 người khác cũng đang tự theo dõi ở nhà vì trong gia đình có người mắc. “Những người nghỉ đều đang nắm đầu mối quan trọng trong công việc nên đợt này sếp tôi cực kỳ khó ở”, Huyền tiết lộ.
Ngày càng nhiều người nhận được kết quả test COVID-19 dương tính.
Sếp cáu bẳn khi vắng nhiều nhân viên do COVID-19 cũng là áp lực mà anh Vinh (Hoàng Mai, Hà Nội) và các đồng nghiệp đang phải chịu đựng. Anh tâm sự: “Mình đã phải làm việc gấp rưỡi vì gánh cả phần người nghỉ, lại thêm bà sếp dạo này cứ như thùng thuốc súng, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Thiếu người làm trong khi quý 1 sắp hết, doanh số vẫn lẹt đẹt, sếp rất dễ nổi giận và tất nhiên là trút hết lên những đứa đang có mặt. Thế nhưng mà vừa đây sếp cũng được bệnh viện báo kết quả dương tính rồi”.
Vinh bảo, mặc dù ban lãnh đạo đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống "ai rồi cũng thành F0 cả thôi" nhưng vẫn cố gắng áp dụng tối đa các biện pháp phòng ngừa để hạn chế lây bệnh giữa những người trong công ty, tránh nghỉ việc cùng lúc khiến việc kinh doanh tê liệt. "Bởi thế, dù rất sốt ruột vì doanh số không đạt kế hoạch, sếp vẫn 'cắn răng' yêu cầu tất cả nhân viên nếu có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 không đến văn phòng. Hy vọng rằng tình trạng gia tăng số ca mắc đã lên đến đỉnh và sẽ nhanh chóng giảm đi", anh Vinh nói.
Hãy chia sẻ với độc giả VTC News những câu chuyện của bạn, của gia đình và công ty, cơ quan bạn làm việc về những ngày sống chung với dịch COVID-19. Bài viết và thông tin chia sẻ xin gửi về email Toasoan@vtc.gov.vn hoặc nhập vào box bình luận bên dưới.