Thử thách "One Leg Challenge” thực chất xuất phát từ nghiên cứu của Đại học Y khoa Kyoto (Nhật Bản) được công bố hồi năm 2014.
Trong nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Stroke của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, 1.387 người (trung bình 67 tuổi) được yêu cầu đứng một chân, chân còn lại co lên, vuông góc với chân trụ, nhắm mắt, không dựa tường, không dùng tay giữ chân. Những người không duy trì được tư thế này quá 20 giây được chụp cộng hưởng từ não bộ để đánh giá tình trạng các mạch máu não.
Kết quả, 50,5% người xuất hiện 1-2 ổ nhồi máu lỗ khuyết (tắc động mạch nhỏ nằm sâu trong não) và 45,3% có 1-2 điểm vi xuất huyết (chảy máu rất ít trong não).
"Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện khả năng giữ thăng bằng trên một chân là bài kiểm tra quan trọng đối với sức khỏe của não bộ. Những cá nhân có biểu hiện kém khi giữ thăng bằng ở một chân cần chú ý nhiều hơn. Bởi điều này cho thấy nguy cơ mắc bệnh về não và suy giảm nhận thức", tiến sĩ Yasuharu Tabara, tác giả chính của nghiên cứu cho hay.
Dù khá nổi tiếng nhưng trên thực tế, thử thách này chưa được tổ chức đột quỵ nào trên thế giới công nhận hay được đánh giá ngang hàng.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Jose Biller, người đứng đầu khoa Thần kinh tại Loyola Medicine ở Maywood, Illinois, thử thách này có thể cung cấp cái nhìn sơ lược về não bộ.
"Sự cân bằng đạt được và duy trì bởi 3 mạch cảm giác chính là tầm nhìn, khả năng nhận biết và hệ thống tiền đình. Não kiểm soát tất cả các mạch cảm giác này. Vì vậy, bất kỳ sự thiếu hụt nào trong việc phối hợp vận động, chẳng hạn như mất khả năng giữ thăng bằng trong bất kỳ khoảng thời gian nào, đều có thể gợi ý rằng não bị tổn thương", ông này nói.
Theo Biller, nếu không thể phá vỡ ngưỡng 20 giây này, người tham gia thử thách có thể có nguy cơ mắc bệnh về não và suy giảm nhận thức.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Shari Rosen-Schmidt, nhà thần kinh học tới từ Plano, Texas cho rằng nếu không thể đứng bằng một chân trong 20 giây, đặc biệt là khi đã thành công trước đó, bạn nên được đánh giá thêm về các vấn đề liên quan tới mạch máu cũng như các vấn đề khác ảnh hưởng tới sự cân bằng. "Thị lực, tai trong và các vấn đề ở tiểu não cũng như cảm giác ở bàn chân đều có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng", ông nói.
Rosen-Schmidt, Giám đốc y tế của Chương trình Đột quỵ tại Bệnh viện Y tế Texas Health Presbyterian Plano nhận định, có thể có mối liên hệ giữa khả năng giữ thăng bằng và tổn thương mạch máu nhỏ trong não, vốn là nguyên nhân có thể dẫn đến đột quỵ. Tuy nhiên, bà Schmidt cho rằng ngưỡng 20 giây đưa ra là quá thấp.
“Ở hầu hết mọi người, thời lượng phải là 30 hoặc 40 giây. Nhưng điều đó sẽ giảm dần khi chúng ta già đi", bà cho hay.
Vị nữ chuyên gia cũng cho rằng thử thách này chỉ đánh giá được phần nào bởi một số người vốn giữ thăng bằng kém. Nhưng với những người giữ thăng bằng tốt, việc không thể chinh phục thử thách là lời cảnh báo và nên đặt lịch hẹn với bác sĩ.
Theo Telegraph, trong nghiên cứu đầu năm 2014, các nhà khoa học tới từ Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Anh phát hiện việc đứng bằng một chân có thể dự đoán nguy cơ chết sớm ở những người 53 tuổi.
Trong nghiên cứu, những người đàn ông có thể giữ thăng bằng trên một chân trong hơn 10 giây và đứng lên ngồi xuống trên ghế hơn 37 lần một phút, được cho là ít có nguy cơ chết sớm. Phụ nữ ở cùng độ tuổi có thể đứng lên ngồi xuống hơn 35 lần trong một phút và đứng bằng một chân trong hơn 10 giây cũng có nguy cơ thấp nhất so với những người thực hiện kém hơn.