Cần thêm thời gian tìm hiểu 5 bộ sách
Ngày 28/12, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến giới thiệu các bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình phổ thông mới. Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước tổ chức hội thảo giới thiệu cùng lúc tất cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Tại hội nghị, đại diện chủ biên các cuốn sách giới thiệu sơ bộ về những điểm mới trong bộ sách của mình đến đông đảo các phòng GD&ĐT, trường tiểu học toàn thành phố.
Bà Nguyễn Diệu Ánh, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm bày tỏ, qua phần giới thiệu bà được làm quen với từng bộ, cuốn sách của các môn học và phần nào hiểu hơn về mục tiêu, cấu trúc, nội dung cũng như phương pháp dạy học của các cuốn. Nhưng việc xem lướt qua như vậy chưa đủ khi các giáo viên hiểu và tiếp cận 32 đầu sách được phê duyệt.
Đại diện chủ biên các bộ sách giáo khoa giới thiệu điểm mới tại hội nghị trực tuyến.
Đồng qua điểm, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất cho rằng, để giáo viên có thể nhận xét, đánh giá được rõ sách nào ưu việt thì cần có giới thiệu cụ thể hơn.
“Hiện phòng GD&ĐT mới chỉ có 2 bộ sách. Hôm nay phát cho các trường để giáo viên tham khảo, người được cuốn này thì không có cuốn khác. Muốn có đánh giá kỹ lưỡng từ giáo viên nên lựa chọn bộ nào thì trong tay phải có tất cả các bộ sách”, bà Ngọc nói và đề nghị Sở GD&ĐT cần có hướng giải quyết để ít nhất mỗi trường có cả 5 bộ sách này.
Đại diện các phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm, quận Thanh Xuân, huyện Ứng Hòa, huyện Quốc Oai,… cũng cho biết, giáo viên của các trường, đặc biệt là đội ngũ dự kiến dạy lớp 1 ở năm học 2020-2021 đều mong được tiếp cận đủ 5 bộ sách để nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định lựa chọn cuối cùng.
Tiếp thu ý kiến của các đơn vị cơ sở, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội bày tỏ mong muốn các nhà xuất bản sớm hỗ trợ để cho giáo viên phải được xem từng cuốn cụ thể trước rồi mới có thể chọn lựa sách kỹ càng.
Các trường không mặn mà ‘mua chịu” sách giáo khoa?
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đã trao đổi với các nhà xuất bản và bày tỏ muốn để các giáo viên được tiếp cận sớm với 5 bộ sách giáo khoa. Nhưng do sách chưa có giá bán ra thị trường nên các nhà xuất bản chỉ tặng một số lượng nhất định cho các phòng GD&ĐT, và qua đó cho các giáo viên tiếp cận nghiên cứu.
Hội nghị trực tuyến của Sở GD&ĐT kết nối tới các điểm cầu phòng GD&ĐT.
Ông Tiến cho hay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông tin sẵn sàng cung cấp 4 bộ sách giáo khoa mới do đơn vị này xuất bản với hình thức “bán chịu” cho các trường để tăng thời gian cho các thầy cô nghiên cứu. Đến khi nào sách giáo khoa “chốt” giá bán, nhà xuất bản này sẽ thu tiền sau.
Tuy nhiên đề xuất này vấp phải sự phản đối của bà Vương Thị Minh Hải, Phó trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sơn Tây.
“Chúng tôi không có tiền để chi trả cho việc thẩm định sách. Do đó đề nghị các đơn vị nếu có nhã ý mời tham gia lựa chọn thì gửi sách cho chúng tôi. Bộ sách nào không được lựa chọn thì chúng tôi sẽ gửi trả lại 100%. Chứ chúng tôi không mua chịu, mà cũng không mua rẻ”, vị này nói.
Vị này cũng bày tỏ mong nhận được văn bản hướng dẫn lựa chọn SGK càng sớm càng tốt.
Đại diện phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai đề nghị các nhà xuất bản sớm cung cấp các SGK về các nhà trường để có cơ sở chọn sách.
Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Tiến cho rằng, kể cả khi đã lựa chọn một bộ SGK thì các trường vẫn nên có cả những bộ sách giáo khoa khác để phục vụ việc tham khảo như sách tham khảo trong thư viện. “Chúng ta có ngân sách để đáp ứng việc đầu tư sách trong thư viện. Ngân sách đó có thể dùng mua các bộ sách cần để tham khảo”.
Đây mới là giai đoạn 1, sau khi Bộ ban hành Thông tư quy định về chọn sách giáo khoa thì lúc đó việc tiếp cận, nghiên cứu sách giáo khoa mới để lựa chọn sẽ được thực hiện các bước theo đúng quy định của Bộ.
"Mong muốn là các nhà trường chọn được những cuốn sách tốt nhất, phù hợp nhất với thực tế về điều kiện dạy học và học sinh của mình, chúng tôi không quy định cứng việc chọn một bộ sách cụ thể nào", ông Tiến khẳng định.