Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

'Nhà trọ 0 đồng' của bệnh nhi ung thư giai đoạn cuối

(VTC News) -

Không chỉ là nơi lưu trú miễn phí, nhà trọ 0 đồng còn là nơi mang đến tiếng cười, tiếp thêm động lực để các “chiến binh nhí" chiến đấu với bệnh ung thư.

Nhà trọ 0 đồng nằm ở số 17 - 19 đường 225A, phường Tân Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM), do Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ quận Bình Thạnh) cùng một số nhà hảo tâm chung tay xây dựng. Ngôi nhà đặc biệt này hiện đang cưu mang 43 bệnh nhân nhi mắc ung thư giai đoạn cuối.

Nhà trọ 0 đồng - nơi sẻ chia những khó khăn với bệnh nhi mắc ung thư.

Ngôi nhà thứ 2 của trẻ bị ung thư giai đoạn cuối

Nhà trọ 0 đồng có 14 phòng, mỗi phòng được thiết kế 4 giường kích thước 1,2m. Trong mỗi căn phòng đều có chăn, màn, đệm, quạt và có kết nối Internet để người nhà của bệnh nhi tiện liên hệ với người thân ở quê. 

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm tận dụng chiếc bảng trắng ghi lại danh sách các nhà hảo tâm đến nhà trọ 0 đồng quyên góp.

Khi vào TP.HCM điều trị bệnh ung thư, bệnh nhi và người nhà có thể đến khu nhà trọ ở miễn phí. Ngoài việc lo chỗ ăn ở, đây còn là nơi chia sẻ, cưu mang, giúp cho gia đình các bệnh nhi có thêm động lực chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.

Từ Nghệ An đến Tây Nguyên, Bình Thuận, Cà Mau, những cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt đang điều trị bệnh hiểm nghèo đều tụ họp tại nhà trọ 0 đồng này.

Căn nhà trọ 0 đồng có 14 phòng, mỗi phòng có 4 giường được trang bị đầy đủ chăn, màn, quạt. (Ảnh: Khuất Nguyên)

"Nhà trọ 0 đồng" là dự án do ông Nguyễn Đăng Hoàng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm, phối hợp cùng các nhà hảo tâm thực hiện. Ông Hoàng cho biết, nhà trọ được xây dựng với chi phí gần 1 tỷ đồng. Trong đó, các nhà hảo tâm giúp đỡ 200 triệu đồng, khoản còn lại là trích từ tiền riêng của ông Hoàng.

“Tôi may mắn hơn người khác vì có công việc ổn định. Đặc biệt, tôi được các nhà hảo tâm giúp đỡ cùng chung tay thực hiện một số dự án thiện nguyện, bao gồm cả nhà trọ 0 đồng này”, ông Hoàng kể.

Ông Hoàng tiết lộ, để vận hành cả nhà trọ, mỗi tháng ông chi trả khoảng 200 triệu đồng. Dù công việc vất vả, hàng tháng phải chi số tiền lớn nhưng ông chưa bao giờ muốn dừng lại.

Nhà trọ 0 đồng trở thành ngôi nhà thứ 2 của rất nhiều trẻ em nghèo mắc căn bệnh quái ác. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Người đàn ông ngoài 60 tuổi kể, mỗi lần bệnh nhi đến nhà trọ là lòng ông lại quặn đau, vừa thương cho gia đình các cháu nhỏ, vừa muốn giúp đỡ để con đường đưa các cháu đến bệnh viện điều trị đỡ nhọc nhằn hơn.

“Khi vào đây, một số cháu đã bước vào giai đoạn cuối. Thời gian của các cháu không còn nhiều, vì thế mỗi ngày chỉ cần nhìn thấy các cháu bình an, vui cười, với tôi như vậy là đủ rồi”.

Ông trầm ngâm: “Cách đây mấy ngày, chúng tôi giúp đưa 2 bệnh nhi từ bệnh viện về gặp gia đình lần cuối. Một cháu quê Bình Định, cháu còn lại quê Cà Mau. Gia đình khó khăn, sau khi bác sỹ lắc đầu từ chối, cha mẹ gần như gục ngã. Khi xe đang chạy, tài xế gọi về báo rằng các cháu đã mất, không kịp đến nhà”.

Mỗi bệnh nhi ở đây đều có hoàn cảnh, nỗi đau riêng. Các cháu - những mảnh đời bất hạnh đến từ khắp mọi miền tổ quốc, đã và đang từng giây, từng phút kiên trì đấu tranh, hi vọng có phép màu vụt sáng giữa cuộc đời “như ngọn đèn trước gió”.

Nụ cười sau những đớn đau

Dù đau đớn, trải qua nhiều lần phẫu thuật với các vết sẹo chằng chịt khắp người nhưng nụ cười vẫn nở trên môi những “chiến binh nhí”. Trong thời gian lưu trú tại nhà trọ chờ lịch xạ trị, các bệnh nhi được sắp xếp cho học tập, vui chơi nhằm giúp tinh thần phấn chấn hơn.

Không chỉ là nơi lưu trú miễn phí, nhà trọ 0 đồng còn là nơi dạy các "chiến binh nhí" học chữ, học vẽ. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Mỗi tuần, ông Hoàng dành ra 2 ngày để dạy chữ, dạy vẽ cho các bé. Tiếp đến, ông lại dành tiếp 2 ngày cho việc vui chơi, ca hát. Giáo viên đứng lớp, trực tiếp chơi cùng các bé chính là phụ huynh đưa con đi trị bệnh. Dù mệt mỏi, thậm chí có chút lo lắng nhưng khi trở thành giáo viên cho con mình và những bệnh nhi khác, các ông bố, bà mẹ vẫn thay phiên nhau dạy chữ.

Ở đây, lạ cũng thành quen, vì mọi câu chuyện đều xoay quanh việc chữa bệnh cho các bệnh nhân nhí. Có người ban đầu còn rụt rè nhưng dần dà cũng bắt nhịp được.

Giáo viên đặc biệt mà ông Hoàng nhắc tới chính là những người mẹ đưa con đi trị bệnh.

Chị Lan (quê Bình Phước), ròng rã bao ngày đưa con trai 6 tuổi đi chữa ung thư. Trước đây, chị phải chi hơn 180.000 đồng/ngày tiền ăn ở cho mỗi đợt đến TP.HCM điều trị. Tuy nhiên, từ khi biết đến nhà trọ 0 đồng, chị bớt được gánh nặng phần nào. Số tiền kia có thể không lớn nhưng là cả nỗi lo toan với chị: “Tôi mừng lắm. Trị bệnh này tốn không biết bao nhiêu tiền rồi, giờ bớt được đồng nào hay đồng đó”.  

Cũng ở hoàn cảnh tương tự, anh Trần Văn Tiền (Đồng Nai), nói thêm: “Nếu không có nhà trọ này, chắc tôi đã buông xuôi. Vì chi phí điều trị đã cao mà lại còn thêm tiền ăn uống nữa. Vào đây được mọi người giúp đỡ, tôi bớt lo phần nào”.

Phương châm của nhà trọ 0 đồng là không từ chối bất cứ bệnh nhi ung thư nào, tuy nhiên vì số lượng người đăng ký lớn mà chỗ lưu trú không có nhiều nên đôi lúc ông Hoàng phải ngậm ngùi đưa ra quyết định khó khăn.

Ông chủ nhà trọ 0 đồng nói điều mà bản thân trăn trở nhất là không thể giúp hết những mảnh đời bất hạnh. Với ông Hoàng, mong ước bây giờ chỉ quẩn quanh việc làm sao có thêm thật nhiều nhà trọ miễn phí để giúp được nhiều mảnh đời cơ cực hơn.

Lương Ý

Tin mới