Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hơn 16.000 tỷ đồng ra sao sau 7 năm thi công?

(VTC News) -

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội) có mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng đã hoàn thiện 93% sau 7 năm thi công, song vẫn khó về đích trong năm 2023.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) được khởi công tháng 10/2016, có tổng diện tích 13,8 ha, với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. 

Với công suất xử lý 270.000 m3 nước thải mỗi ngày, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được kỳ vọng sẽ làm hồi sinh các dòng sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ. Công trình khi đi vào hoạt động cũng góp phần xử lý một phần nước thải sinh hoạt cho các quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì.

Theo dự kiến ban đầu, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ đi vào hoạt động từ quý 2/2022. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo đại diện Ban quản lý dự án, đối với gói thầu số 1, các nhà thầu thi công toàn bộ các hạng mục, nhập khẩu, lắp đặt thiết bị nhà máy và dự kiến cơ bản hoàn thành 93% khối lượng xây dựng sau 7 năm thi công, song dự án vẫn khó về đích trong năm 2023. Hiện các hạng mục cơ khí và thiết bị điện cơ bản hoàn thành, chỉ còn đường ống kết nối từ bên ngoài đang dang dở.

Nhà thầu hoàn thành hạng mục bể lắng thứ cấp gồm 24 bể có tác dụng tách bùn và nước. Có nhiều bể đã được bơm kín nước để thử nghiệm. Nước khi lắng sẽ nổi lên và đi ra khỏi nhà máy, còn bùn được bơm ngược trở lại nhà xử lý bùn để cô đặc rồi mới chuyển đi. 

Nhà máy áp dụng công nghệ xử lý bùn hoạt tính truyền thống AO, không sử dụng hóa chất mà xử lý bằng vi sinh. Đây là công nghệ phổ biến trên thế giới, áp dụng cho các nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn.

Khu vực trung tâm thiết bị điện điều khiển - cũng là trung tâm vận hành của toàn bộ nhà máy.

Một số hạng mục đang được các nhân viên kiểm tra cẩn thận ở những giai đoạn cuối cùng trước khi đưa vào hoạt động.

Ông Tadao Koizumi, Giám đốc dự án, cho biết bình thường nhà máy chỉ xử lý 270.000 m3 nhưng khi có mưa công suất có thể tăng lên tới 480.000 m3 với công nghệ của Nhật Bản. Lúc đó, nước được dẫn trực tiếp qua bể lọc cao tải đạt chất lượng mới thải ra ngoài. 

Chia sẻ về việc dự án chậm tiến độ, đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội cho biết, do dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản nên việc triển khai thực hiện các thủ tục của dự án phải hài hòa giữa Luật pháp Việt Nam và quy định của Nhà tài trợ - Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), mất nhiều thời gian.

“Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến việc đi kiểm tra các thiết bị nhà máy thuộc gói thầu số 1 không thể thực hiện được. Các nhà sản xuất, cung cấp cũng bị ảnh hưởng trong sản xuất, chế tạo dẫn đến chậm giao hàng, không thể vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam. Cùng với đó, công tác thi công của gói thầu gồm nhiều tuyến trải dài, liên quan đến địa bàn nhiều quận, phường trên địa bàn thành phố. Khu vực thi công tiềm ẩn nhiều các công trình ngầm, nổi nên gặp nhiều khó khăn”, vị đại diện này chia sẻ.

Theo vị đại diện này, việc xin thủ tục xin cấp phép thi công, phân luồng giao thông, thống nhất biện pháp dẫn dòng thi công, dịch chuyển di dời cây xanh, di chuyển các công trình ngầm, nổi... cần phải làm việc với nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị; một số hạng mục thi công sát nhà dân không nhận được sự đồng thuận của nhân dân cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Các khu vực thu gom nước trong thành phố đang được hoàn thiện, trong đó có một số điểm trên đường Nguyễn Xiển. Thời điểm mới rào chắn, tuyến đường này thường bị ùn tắc nên các lực lượng đã làm thêm đường dẫn phía dưới đường vành đai 3 trên cao để người dân đi lại thuận tiện.

Trí Anh

Tin mới