Các nhà chức trách Trung Quốc đang tạm giữ nhà khoa học Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) vì thực hiện chỉnh sửa gene trái phép trên một cặp bé gái song sinh bằng phương pháp CRISPR/Cas9. Vào tháng 11/2018, sau khi ông Khuê công bố về kết quả nghiên cứu này trên kênh Youtube The He Lab. Ngay lập tức, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã mở cuộc điều tra làm rõ vấn đề này.
Tờ Tân Hoa Xã tiết lộ cuộc điều tra sơ bộ cho thấy ông Khuê đã “tổ chức một nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên viên nước ngoài, cố tình né tránh sự giám sát, sử dụng công nghệ không an toàn và thiếu hiệu quả để thực hiện chỉnh sửa gene trên phôi người cho mục đích sinh sản. Đây là điều đã chính thức bị cấm tại Trung Quốc”.
Nhà khoa học Hạ Kiến Khuê (He Jiankui), người chịu trách nhiệm cho nghiên cứu chỉnh sửa gene trên cặp bé gái song sinh. (Ảnh: USA Today)
Cụ thể, từ tháng 3/2017 đến tháng 11/2018, ông Khuê đã giả mạo tài liệu đánh giá dựa trên quy chuẩn đạo đức khoa học. Nhà khoa học này cũng tự ý chọn ra 8 cặp vợ chồng tham gia vào thí nghiệm trái phép của mình, trong đó 2 người phụ nữ đã mang thai.
Nhân viên điều tra cho biết một trong hai bà mẹ mang thai đã sinh ra cặp bé gái song sinh với bộ gene đột biến, Lulu và Nana. Người còn lại vẫn đang mang trong mình một bào thai chỉnh sửa gene.
Dựa trên căn cứ đó, ban điều tra kết luận rằng nhà khoa học Hạ Kiến Khuê đã vi phạm luật pháp quốc gia. Ông Khuê, cùng các chuyên viên và tổ chức liên quan đến dự án sẽ bị xét xử theo quy định và pháp luật Trung Quốc. Riêng cặp bé gái song sinh Lulu và Nana sẽ tiếp tục được theo dõi y tế, dưới sự giám sát của chính quyền tỉnh Quảng Đông.
Quyết định của chính phủ Trung Quốc đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng khoa học trong nước.
Trả lời phỏng vấn của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, một nhà sinh vật học giấu tên chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ quyết định này”. Ông cho biết: “Đây là cách chính phủ nên xử lý vi phạm của ông Khuê, nhưng cũng cần có biện pháp để bảo vệ hai em bé”.
Ông này cho biết đã từng thực hiện các nghiên cứu về chính sửa gene, nhưng tất cả chỉ trên chuột thí nghiệm.
Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Thanh niên Bắc Kinh, chuyên gia Thiệu Phong (Shao Feng) từ Viện Khoa học Trung Quốc, kiêm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sinh học Quốc gia Trung Quốc, nhận định rằng toàn bộ vụ việc cần được điều tra kỹ lưỡng.
Ông Thiệu Phong nói: “Nếu tôi được quyền xử lý vấn đề này, tôi sẽ không bao giờ cho hai em bé (Lulu và Nana) biết gene của họ đã được chỉnh sửa và cho phép họ sống cuộc sống như những người bình thường”. Ông khẳng định: “Tôi nghĩ rằng đó mới là cách tốt nhất”.
Với cương vị là một chuyên đầu ngành của Trung Quốc, ông Thiệu Phong tỏ ra quan ngại sâu sắc về những rủi ro sức khỏe mà hai bé Lulu và Nana sẽ phải chịu, cũng như tác động tiêu cực từ xã hội loài người.
Ông Thiệu Phong nói tiếp: “Một khi ‘cánh cổng’ chỉnh sửa gene được mở ra, thì đó chính là dấu chấm hết của loài người”. Ông nói: “Sức mạnh của công nghệ này đi kèm với một thực tế đáng sợ là bất cứ ai, dù chỉ được đào tạo đôi chút, cũng có khả năng thực hiện trong phòng thí nghiệm”.
Ông Hạ Kiến Khuê phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Quốc tế về chỉnh sửa gene lần thứ 2, diễn ra ở Hồng Kông vào ngày 28/11/2018. (Ảnh: WBFO)
Nhà khoa học Hạ Kiến Khuê đã không xuất hiện trước công chúng, kể từ lần cuối phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Quốc tế về chỉnh sửa gene lần thứ 2, diễn ra ở Hồng Kông vào ngày 28/11/2018. Một số nguồn tin cho rằng ông Khuê đã bị quản thúc tại gia, hoặc thậm chí bị cơ quan an ninh Trung Quốc bắt giữ.
Phát ngôn viên của Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam tại Thâm Quyến, nơi ông Khuê từng công tác, đã phủ nhận việc ông này bị bắt giữ như tin đồn.
Ông Hạ Kiến Khuê đã phải đối mặt với làn sóng lên án từ cộng đồng khoa học và các quan chức ngành Y tế Trung Quốc. Tất cả cơ quan chức năng liên quan đều khẳng định không hề biết và nghiên cứu trái phép mà ông Khuê âm thầm thực hiện.
Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã chỉ thị cho các viện nghiên cứu đình chỉ tất cả dự án khoa học của ông Hạ Kiến Khuê.
Cuộc điều tra chỉ ra Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Harmonicare đã cấp phép cho dự án nghiên cứu của nhà khoa học Hạ Kiến Khuê, mà không đăng ký với cơ quan Y tế của thành phố Thâm Quyến. Trước đó, chính bênh viện này đã phủ nhận mọi liên hệ với ông Khuê.
Trong tháng 12/2018, chính quyền thành phố Thâm Quyến tuyên bố sẽ ban hành dự thảo về quy trình đánh giá đạo đức nghiên cứu y sinh liên quan đến con người.
Nghiên cứu trái phép của ông Hạ Kiến Khuê cũng khiến cộng đồng mạng Trung Quốc dậy sóng. Một tài khoản nhận xét trên mạng xã hội Weibo: “Giáo sư này không xứng đáng với những gì mà ông được đào tạo, ông ta có tham vọng xấu xa của một kẻ khủng bố trong bộ phim thảm họa”.
Một người khác viết: “Tôi biết anh ta cuối cùng sẽ bị trừng trị, và điều này ảnh hưởng đến cộng đồng khoa học Trung Quốc”.
Hiện bản án dành cho nhà khoa học Hạ Kiến Khuê chưa được công bố, và cũng chưa rõ ông Khuê sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào nếu vấn đề bất thường xảy ra với các em bé và tình nguyện viên liên quan đến nghiên cứu nguy hiểm này.