Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhà hát Lớn Hà Nội - Hình ảnh lịch sử văn hóa 1 thế kỷ

(VTC News) - Hôm nay (09/12), Nhà hát Lớn HN, công trình sở hữu kiến trúc đẹp nhất Đông Nam Á tròn 100 năm tuổi, cùng nhìn lại những đổi thay sau một thế kỉ.

(VTC News) - Được nhiều chuyên gia nhận xét là sở hữu kiến trúc đẹp nhất Đông Nam Á, Nhà hát Lớn Hà Nội trải qua tròn một thế kỉ song hành với những thăng trầm của dân tộc và đó cũng là nơi “chứng kiến những cuộc “tiếp xúc” đầu tiên giữa Việt Nam với văn hóa, nghệ thuật phương Tây...” (Nhà sử học Dương Trung Quốc).

Nhà hát Lớn Hà Nội tròn 100 tuổi 

Nhiều tài liệu ghi lại rằng, vào năm 1899, Hội đồng thành phố dưới sự chủ tọa của Công sứ Hà Nội Richard đã đề nghị lên Toàn quyền Đông Dương, xin xây dựng một nhà hát cho thành phố. Vị trí lựa chọn là khu vực đầm lầy thuộc hai làng Thạch Tần và Tây Luông.

Đồ án thiết kế được xét duyệt của hai kiến trúc sư người Pháp Broyer và V. Harley, mang dáng dấp của nhà hát Opéra Garnier nổi tiếng ở Paris, sau đó có sự tham gia sửa chữa của kiến trúc sư Francois Lagisquet.

 Nhà hát Opéra Garnier nổi tiếng ở Paris

Mặc dù dự án Nhà hát thành phố ở Hà Nội đã gây nên những tranh cãi trên một số báo chí tại Pháp thời kỳ đó vì kinh phí quá lớn, nhưng ngày 7 tháng 6 năm 1901, công trình đã được khởi công với sự tham gia của hai nhà thầu Travary và Savelon, và dưới sự chỉ đạo của chính kiến trúc sư Harley.

35 nghìn chiếc cọc tre đã được đóng xuống trước khi đổ lớp bê tông dày 0,9 mét lót đáy,  phần móng được xây bằng đá tảng, khu vực sân khấu sử dụng gạch chịu lửa để đề phòng hỏa hoạn, phần mái nhà lợp bằng phiến thạch trang trí kẽm thếp vàng, đường vòng quanh mái trang trí gạch tráng men, sử dụng tới 12.000 m³ vật liệu, gần 600 tấn gang thép, với khoảng 300 công nhân tham gia thi công mỗi ngày, Nhà hát Lớn Hà Nội được hứa hẹn sẽ là công trình mang tính lịch sử thời kì đó.

Sau 10 năm xây dựng, Nhà hát Lớn thành phố được khánh thành. Vào thời điểm hoàn thành, với 870 chỗ ngồi, Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình mang quy mô rất lớn nếu so với dân số Hà Nội khi đó.

Nhà hát trở thành trung tâm các sự kiện văn hóa, nghệ thuật dành cho người Pháp và một số ít người Việt thuộc tầng giàu có ở Hà Nội. Đây cũng là địa điểm biểu diễn lý tưởng cho các đoàn kịch, ban nhạc từ Pháp và châu Âu tới lưu diễn.

 Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình quy mô thời bấy giờ

Không chỉ là nơi tổ chức các chương trình nghệ thuật, Nhà hát Lớn với quảng trường rộng lớn trước mặt là nơi diễn ra những sự kiện cách mạng trọng đại của dân tộc, trong đó có buổi mít tinh do Tổng hội Viên chức tổ chức sau đó biến thành buổi ra mắt của Mặt trận Việt Minh ngày 17-8-1945.

Hai ngày sau, ngày 19-8, trong một cuộc mít tinh lớn của người dân Hà Nội, cờ đỏ sao vàng lớn nhất được treo trên tầng hai nhà hát và bà con tham dự mít tinh từ đây tiến về Phủ Khâm sai cướp chính quyền. Ngày 2-3-1946, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I, họp phiên đầu tiên ở Nhà hát Lớn.

Sau đó nhiều kỳ họp Quốc hội cũng được tổ chức tại đây. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quảng trường Nhà hát Lớn là nơi tiễn đưa những người con trai Hà Nội lên đường nhập ngũ.

Nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc 

Nhà hát Lớn cũng là nơi để lại nhiều kỷ niệm với các nhà hoạt động nghệ thuật. Năm 1946 vở kịch "Người Hoa Lư" của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận (thân phụ của Lưu Quang Vũ) về anh hùng Đinh Bộ Lĩnh được diễn tại đây. 35 năm sau, ngày 21-2-1981, Lưu Quang Thuận đột quỵ trên hàng ghế khán giả và ông ra đi ngay khi tấm màn nhung của nhà hát vừa mở bắt đầu đêm diễn.

Điều thú vị là ngoài Nhà hát lớn Hà Nội, ở xứ Đông Dương thời thuộc Pháp còn có 2 nhà hát lớn có phong cách kiến trúc như nhà hát lớn Hà Nội, nhưng quy mô nhỏ hơn là Nhà hát lớn TP Hải Phòng và Nhà hát lớn Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia. 

Hôm nay (09/12), Nhà hát Lớn Hà Nội tròn 100 năm tuổi, 100 năm đã đi qua, chứng nhân lịch sử Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn sừng sững giữa lòng thủ đô, vẫn là nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật tầm vóc và nhiều ý nghĩa. Cùng nhìn lại những đổi thay sau một thế kỉ của công trình lịch sử này.

 Nhà hát Lớn Hà Nội xưa

 
 
 
 
 
 Nhà hát Lớn Hà Nội nay

 

 

Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Nhà hát Lớn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám và những năm đầu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:

- Ngày 17/8/1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn đã diễn ra cuộc mít tinh ra mắt mặt trận Việt Minh.

- Ngày 19/8/1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn đã diễn ra cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của hàng chục vạn quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở thủ đô Hà Nội.

- Ngày 29/8/1945, đoàn quân giải phóng Việt Bắc về Hà Nội ra mắt tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội.

- Ngày 16/9/1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn đã diễn ra Tuần lễ vàng.

- Đầu tháng 10/1945, tổ chức ngày Nam Bộ kháng chiến tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội.

- Ngày 2/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa họp khóa đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

- Ngày 2/9/1946, míttinh kỷ niệm 1 năm chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đó cũng là ngày Bác Hồ lần đầu tiên đặt chân vào Nhà hát Lớn Hà Nội.

- Từ ngày 28/10 đến 9/11/1946, Quốc hội họp khóa I tại Nhà hát Lớn đã thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

T.L (tổng hợp)

Nguồn:

Tin mới