Trong những ngày đầu tháng 8, chúng tôi tới thăm nhà ông Nguyễn Giáp Dần, Thư ký riêng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, để nghe kể chuyện về một nhân cách lớn, một con người dành cả cuộc đời cống hiến cho Đảng, Nhà nước và cho Nhân dân.
“Lúc ông ốm, tôi có xuống thăm. Ông mở mắt ra nhìn, tôi hỏi cụ có biết ai đây không, ông vẫn còn nói chuyện được. Lúc tôi về được thời gian thì bệnh tình của ông càng nặng, phải thở oxy. Tối hôm trước được tin đưa ông về nhà và sức khoẻ cũng yếu dần.
Ông ra đi mang đến nỗi tiếc thương vô hạn. Tôi không bất ngờ, bởi vì tôi thường xuyên tới thăm ông thời gian gần đây. Những ngày lễ 30/4, Quốc khánh 2/9, ngày 22/12, ngày sinh nhật của ông, thầy trò cũng thường xuyên gặp nhau”, thư ký Dần kể lại.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Cũng theo lời kể của ông Dần, cơ duyên trở thành Thư ký riêng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến khá bất ngờ. Ông Dần vốn là cán bộ trường cơ yếu của Bộ Tổng Tham mưu. Sau khi công tác ở biên giới phía Bắc, ông được điều về công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng, và được làm việc trong tổ thư ký thường trực.
Lúc đang là Thư ký chính thức của ông Đào Duy Tùng, Thường trực Ban Bí thư khóa 7, ông Dần được Tổng Bí thư lúc bấy giờ là Đỗ Mười giao sang phục vụ ông Lê Khả Phiêu, người vừa nhận nhiệm vụ Thường trực Ban Bí thư thay cho ông Đào Duy Tùng, do sức khỏe yếu.
“Tổng Bí thư Đỗ Mười bảo anh Phiêu sang làm Thường trực Ban Bí thư thì giữ tôi ở lại làm việc cho công việc liên tục. Bởi thủ trưởng mới mà thư ký mới thì ít nhiều công việc cũng chưa quen. Tôi bảo là các thủ trưởng giao nhiệm vụ thì sẵn sàng nhận. Cứ thế hai thầy trò đi với nhau từ tháng 7/1996 đến mãi tận sau này. Tổng cộng là hơn 12 năm”, ông Dần kể lại.
Người chiến sỹ can trường
Lật giở từng trang sách “Tuyển tập Lê Khả Phiêu”, ông Nguyễn Giáp Dần nhớ lại từng chặng đường hoạt động cách mạng và cống hiến to lớn của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Sinh ra và lớn lên trong một dòng họ nổi tiếng ở vùng đất “địa linh nhân kiệt” Đông Sơn, Thanh Hóa, người thanh niên Lê Khả Phiêu sớm được giác ngộ cách mạng và tham gia tích cực các phong trào ở địa phương.
Tháng 12/1949, người con xứ Thanh được kết nạp vào Đảng khi mới 18 tuổi, sau đó được điều động vào quân ngũ và cầm súng chiến đấu trên nhiều mặt trận.
Cuộc đời của ông gắn liền với thời gian gần 50 năm chiến đấu can trường từ kháng chiến chống Pháp, chiến đấu ở mặt trận Thượng Lào, cho đến chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở Huế, rồi sau đó là 10 năm tại chiến trường Campuchia.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Sư đoàn không quân 370, ngày 19/2/1998, tại Cần Thơ. (Ảnh: TTXVN)
Theo lời ông Dần, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, trên cương vị Chính ủy Trung đoàn, sau đó là kiêm Trung đoàn trưởng, ông Lê Khả Phiêu đã chỉ huy tấn công vào cố đô Huế và chốt giữ, bảo vệ thành cổ suốt 26 ngày đêm khốc liệt.
Còn trong giai đoạn giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot, với tư cách là Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó Tư lệnh về chính trị Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, ông là người tham gia chỉ huy những trận đánh đầu tiên.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có đóng góp to lớn vào thắng lợi nhiều mặt của “đội quân nhà Phật” trên đất nước Chùa Tháp. Sau này, Tướng Lê Khả Phiêu đã kết luận rằng: “Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng của Quân Tình nguyện Việt Nam góp phần xứng đáng vào Chủ nghĩa Anh hùng của cách mạng Việt Nam, góp phần làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế”.
Nhìn lại đời binh nghiệp, nơi đâu cũng toàn là chiến trường ác liệt gian khổ, song đi đến đâu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng được Nhân dân tin yêu, quý mến.
“Chúng tôi cũng rất tự hào vì trong miền Nam thì mọi người đối với anh Phiêu rất tình cảm. Mà tôi thấy đó là tình cảm của người dân đối với vị lãnh đạo, đối với Đảng, và người ta đặt trọn niềm tin vào lãnh đạo và cách mạng”, ông Dần chia sẻ.
Nhà lãnh đạo yêu dân, gần dân
Ấn tượng sâu sắc của ông Nguyễn Giáp Dần đối với người thủ trưởng của mình là người hết lòng phụng sự Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người rất quan tâm đến vấn đề dân sinh và tư tưởng “lấy dân làm gốc” luôn được đề cao. Cho nên, ông thường lắng nghe lời phản ánh từ Nhân dân, thậm chí có những nơi phải đi trực tiếp xem có đúng như vậy không.
Ông Nguyễn Giáp Dần kể chuyện về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. (Ảnh: Thịnh Nguyễn)
Trong dịp đi lên 4 huyện vùng núi của Hà Giang là Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc để dự đại hội điểm, lãnh đạo địa phương loay hoay không biết làm cách nào để Nhân dân trong vùng làm ra nhiều của cải vật chất để phục vụ cho đất nước. Nguyên Tổng Bí thư nhìn nhận ra vấn đề và chỉ rõ rằng, chính việc người dân sinh sống ở khu vực hẻo lánh này là để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Rồi ông phân tích tiếp rằng, muốn dân sống được thì phải lo chỗ ở cho dân, dân phải có nước sinh hoạt. Từ gợi ý đó, chính quyền mới tập trung vào việc tu sửa nhà cửa, làm giếng nước, làm chuồng nuôi gia súc cho dân địa phương.
Đó là những cái quan tâm thiết thực nhất đến dân và vì dân. Từ đó, ông chỉ ra cách để đưa nghị quyết cơ sở đi vào thực tiễn đời sống Nhân dân.
Ông thường nghe ý kiến nhiều chiều, và ai xin gặp thì ông cũng gắng tiếp và nói chuyện.
“Tất cả thư từ của dân, của Đảng viên gửi đến là ông xem hết. Tổng Bí thư giao cho chúng tôi đọc trước, phân loại ra xem cái nào là thư tố cáo, cái nào phản ánh, cái nào kêu cứu của dân. Đơn thư được phân loại ra và báo cáo ông, để xin ý kiến xử lý.
Có cái thì ông bảo điện thoại gọi ngay cho người phụ trách, về việc có địa phương xảy ra chuyện này, yêu cầu dưới cơ sở kiểm tra lại rồi báo cáo lại ngay. Ông có thái độ làm việc dứt khoát, không quá máy móc theo kiểu ra công văn, mà lập tức trả lời”, thư ký Dần kể lại.
Có lần, một nữ cán bộ dưới địa phương vì lý do nào đó mà không được xếp bậc lương. Chị viết đơn thư cầu cứu, nhưng chẳng ai quan tâm. Ông xem thư và yêu cầu hỏi rõ vấn đề và nguyên nhân tại sao. Tiếp đó ông giao cho ông Cao Sỹ Kiêm, Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ tìm cách nghĩ xử lý vấn đề đó sao cho hợp lý.
Chị cán bộ ấy phấn khởi quá, vì được xếp cho bậc lương và giải quyết vấn đề bức xúc trong thời gian dài. “Đó là những việc nhỏ, ít người quan tâm, nhưng với ông thì đó là những việc cần làm”, ông Dần nhớ lại.
Trong khi ức của người thư ký, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn là người rất quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho nữ thanh niên xung phong, điều mà rất nhiều người đến nay còn hay nhắc tới.
Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, giấy tờ của những nữ thanh niên xung phong hỏa tuyến mất hết. Giờ muốn nhận chế độ chính sách thì không có gì làm căn cứ. Rất may là họ còn giữ bức ảnh chụp chung với ông trong thời kháng chiến chống Mỹ, lúc đấy ông là Chính ủy Bộ Tư lệnh Trung đoàn 9, nơi họ phục vụ chiến đấu.
Ngay lập tức, ông yêu cầu làm giấy chứng nhận chính sách cho họ. “Những việc nhỏ nhưng một người lãnh đạo rất quan tâm và chăm lo. Nếu cấp cơ sở lờ đi, lãnh đạo cũng sao nhãng, thì những người có công sẽ chịu thiệt rất nhiều”, ông Dần nói.
Đối với gia đình, ông hết mực yêu thương con cái, nhưng không vụ lợi, không sử dụng chức vụ để sắp cho con vào chỗ này hay chỗ khác. Cho nên những người con của cụ đều phục vụ quân đội, và là những quân nhân gương mẫu.
"Có lúc tại cơ quan, anh em nhân viên mắc sai sót, ông góp ý chân thành và yêu cầu chỉnh sửa ngay. Từ đó cho thấy phong cách của ông rất gần gũi với cán bộ và Nhân dân”, ông Dần nói.
“Vậy nên, hôm nay nghe tin ông mất, nhiều người gọi điện đến cho tôi hỏi thăm, chia buồn. Còn đến ngày viếng thì mọi người sẽ cùng tham gia viếng. Ai ở xa thì gửi tình cảm tri ân với ông”.
“Lúc còn làm việc tôi hay nói: Tôi đi với anh thì tôi rất tự hào, vì đi đến đâu người dân tôn trọng, ca ngợi anh là một vị lãnh đạo lớn. Đấy là cái tự hào nhất trong cuộc đời của tôi”, ông Dần xúc động nhớ lại.
Đau đáu nỗi niềm với Đảng, với nước, với dân
Theo lời kể của Thư ký Dần, khi Trung ương bầu làm Tổng Bí thư khóa VIII, ngày hôm sau, ông Lê Khả Phiêu chia sẻ rằng, được vinh dự giữ trọng trách cao thì cần nghĩ “trước tiên là làm cái gì cho Đảng cho dân, chứ không phải là đổi ghế, đổi xe, đổi bàn, đổi tủ”.
“Và thực tế, ông giữ lại toàn bộ bàn ghế của cụ Đỗ Mười chuyển giao, mà thầy trò tôi dùng cho đến lúc về hưu. Từ đó để thấy được người lãnh đạo có tâm thì lấy công việc là chính, chứ không phải là thay chiếc áo nọ sang chiếc áo kia. Suy nghĩ của tôi là thấy ông rất tận tuỵ với công việc”, ông Dần nhớ lại.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn đau đáu nỗi niềm với Đảng, với đất nước, với Nhân dân.
Điểm ấn tượng nữa là khi người ta đến thăm và chúc mừng tân Tổng Bí thư, ông tiếp hết. Cũng có đoàn có hoa, có quà, song ông cũng nói rằng: “Nếu các anh muốn ngày mai xuất hiện trên mặt báo là ông A biếu Tổng Bí thư cái này thì tôi nhận, còn nếu không thích đăng báo, thì mang về”.
“Đấy là những cảm nhận ban đầu khi tôi được làm việc cùng ông, trên cương vị Tổng Bí thư. Và từ đấy cho thấy, ông là nhà lãnh đạo rất liêm khiết”, thư ký Dần nhớ lại.
“Có lần, các lãnh đạo Nhà nước thấy ông chưa có nhà ở, định phân cho ông một chỗ. Tôi đi xem về thì cụ bảo nhà rộng quá lấy làm gì vì chỉ có 2 vợ chồng ở, các cháu đi làm đã có cơ quan, mình chỉ lấy vừa đúng với những tiêu chuẩn.
Nếu như tham lam, thì ông cũng có nhiều nhà ở Hà Nội. Rồi có người trong TP.HCM bảo sao không thấy ông xin nhà trong này. Ông bảo mình có ở trong đó đâu”, ông Dần nói.
Một điều mà ông Dần cảm nhận được từ thủ trưởng của mình là luôn đau đáu về công tác xây dựng Đảng, làm sao xây dựng được đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh có trình độ, để phụng sự tốt nhất cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Và câu hỏi làm sao xây dựng đội ngũ cán bộ vì Đảng, vì dân, không cục bộ, không bè phái luôn chất chứa trong lòng ông đến lúc cuối đời.
"Cụ Phiêu luôn tâm niệm rằng khi trái tim vẫn còn đập thì vẫn còn cống hiến cho đất nước, cho Nhân dân", ông Dần xúc động nói.