Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương: Nhân dân đang theo dõi ‘củi cháy, bếp lò đang cháy’

Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho rằng công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng đang được người dân ủng hộ và quan tâm chờ đợi những việc làm tiếp theo.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Đình Hương – Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương nhận định công tác phòng chống tham nhũng cần phải được thực hiện quyết tâm hơn nữa và cao hơn thì cần phải thu hồi được tài sản thất thoát về cho ngân sách nhà nước. 

 Ông Nguyễn Đình Hương – Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương.

- Ông đánh giá thế nào khi Uỷ ban Kiểm tra Trung vương vừa công bố kết luận về hàng loạt sai phạm của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng – Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – Huỳnh Đức Thơ?

Sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ là nghiêm trọng. Dứt khoát phải có kỷ luật. Hai ông này không thể để giữ cương vị ở thành phố Đà Nẵng được nữa. Ông nào đáng tuổi về hưu thì cho về hưu. Ông nào còn trẻ, chưa đến tuổi về hưu thì điều đi làm việc khác.

- Việc Uỷ ban kiểm tra Trung ương đã kết luận hàng loạt sai phạm của các Uỷ viên bộ chính trị, Ủy viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương đã thể hiện điều gì, thưa ông?

 

Trong công tác phòng chống tham nhũng, tôi rất thấm thía lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là củi khô, củi ướt đều cháy hết, củi khô cháy trước, củi ướt cháy sau.

Ông Nguyễn Đình Hương - Nguyên Phó ban Tổ chức T.Ư

Trong công tác phòng chống tham nhũng, tôi rất thấm thía lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “củi khô, củi ướt đều cháy hết, củi khô cháy trước, củi ướt cháy sau. Lần lượt sẽ cháy”. 

Cán bộ đảng viên và nhân dân đang theo dõi “củi cháy, bếp lò đang cháy”.

- Quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng đã được thể hiện thế nào, thưa ông?

Tôi cho đây là một quyết tâm lớn của Đảng. Tôi rất hoan nghênh ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư và tập thể Bộ Chính trị. Tôi cho rằng phải quyết tâm làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đấy, xử lí đúng người đúng tội.

Như vụ án ngân hàng Oceanbank, tôi cho đấy mới là chỉ xử lí cái ngọn thôi chứ chưa xử lí triệt để cái gốc. Người gây ra chuyện đó là ông Sơn (Nguyễn Xuân Sơn - cựụ TGĐ Oceanbank) nếu không có sự chỉ đạo từ phía trên thì sẽ không thể làm được.

- Vậy cái gốc mà ông muốn nói đến ở đây là gì?

Tôi muốn nói đến những người có trách nhiệm cao hơn Nguyễn Xuân Sơn. Những người lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí không bị xử lí gì cả như thế là không được.

- Ý ông muốn nói là cần phải xử lí thêm những người lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí thời điểm đấy phải không, thưa ông?

Đúng vậy. Vì thời điểm đấy ông Sơn là cấp dưới. Thủ trưởng bảo Sơn làm gì thì phải làm cái đấy thôi.

Nếu kỷ luật ông Sơn, mà không kỷ luật người khác là không được, không công bằng.

 Ông Nguyễn Xuân Anh (trái) và ông Huỳnh Đức Thơ.

- Là một người dân, là một Đảng viên cũng là một là một cử tri thì ông chờ đợi gì ở những việc làm tiếp theo trong vụ việc này?

Tôi chờ đợi là phải xử lí nghiêm những người có trách nhiệm trong vụ việc này.

Tất cả những ý kiến của luật sư bào chữa trong vụ việc này, tôi cho rằng những ý kiến đó của luật sư có phần đúng. Tôi hơi nghiêng về phía ý kiến của luật sư.

Nếu ông Sơn bị kết luận tử hình thì những người khác thì sao? Người chủ trương ra vụ việc này thì sao? Còn ông Sơn là Tổng giám đốc một công ty, điều hành một công ty nên ông ta phải thi hành. Tức là người ta trông chờ vào những người cao hơn ông Sơn phải bị kỷ luật, phải bị xử lý, phải truy tố trước tòa. Kể cả người đó là Ủy viên Trung Ương, Ủy viên bộ chính trị cũng phải truy tố trước tòa.

Video: Ông Nguyễn Xuân Anh nói có đi đôi với làm?

- Hàng loạt quan chức cấp cao có sai phạm trước đây đều đã được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm và đề nghị hình thức xử lý. Phải chăng điều đó đã thể hiện không có chuyện “hạ cánh an toàn”?

Đúng là không có chuyện hạ cánh an toàn.

Trước đây, tôi đã chứng kiến Bác Hồ xử lí vụ Trần Dụ Châu (nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu). Trước đó, cũng có người nói nên giảm án cho Trần Dụ Châu và không nên xử bắn.

Nhưng Bác Hồ đã nói đó là con sâu. Bác đã hỏi ông Trần Đăng Ninh ý kiến. Ông Trần Đăng Ninh có trả lời: “Dạ thưa Bác, con sâu đã đục hết thân cây rồi, thân cây đã úa rồi, thân cây sắp mục nát rồi, nó có thể ăn lan sang các cây khác”.

Bác Hồ nói lại: “Ý chú thế là đúng. Nếu chúng ta không diệt một con sâu đó thì sẽ không cứu lấy được cả một rừng cây”.

- Trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay sẽ phải diệt những “con sâu” như thế phải không thưa ông?

Tôi cho rằng cũng không hay ho gì việc tử hình nhưng chúng ta muốn họ phải bồi thường lại. Họ phải bồi thường lại tài sản đã mất của nhân dân. Vì đây là xương máu của nhân dân.

Nếu xử tử hình thì bắn một phát đạn sẽ chết thôi. Bây giờ, cái quan trọng là buộc những người này phải trả tiền lại cho ngân sách nhà nước. Những người này sẽ phải bán hết tài sản của mình để trả lại cho nhân dân.

 Bà Hồ Thị Kim Thoa.

- Phải chăng có những trường hợp gây thất thoát nhưng không đền tiền cho ngân sách nhà nước, thưa ông?

Như trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, bây giờ bà ấy về hưu thì “nuốt” đi 200 tỷ đồng rồi thì giàu to.

Tôi cho rằng bà Thoa không cần danh dự gì nữa, cái bà ta cần chỉ là tiền thôi. Những người đó cần phải đền bù. Ai làm thất thoát tiền nhà nước cũng phải đền bù. Cá nhân thất thoát phải đền bù, tập thể thất thoát phải đền bù.

- Tức là ông chưa đồng tình với hình thức xử lý kỉ luật đối với bà Hồ Thị Kim Thoa phải không, thưa ông?

Tôi chỉ đồng tình một nửa thôi. Những vụ thất thoát và có dấu hiệu tham nhũng, bỏ túi cá nhân từ người đó phải bỏ tiền ra mà đền.

Nếu người làm đền được bao nhiêu phân trăm đó thì sẽ được giảm án. Khi đó, người đó và gia đình phải lo mà đền thôi. Họ sẽ phải bán tài sản đi, bán biệt phủ, bán biệt thự đi mà đền tiền thất thoát cho nhà nước.

Video: Bà Hồ Thị Kim Thoa mất chức vì kê khai không đúng, không đủ

- Người dân, cử tri đón nhận những thông tin về phòng chống tham nhũng vừa qua thế nào, thưa ông?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa rồi kỷ luật rất là nghiêm. Tôi rất đồng tình. Nhưng mà chúng ta cần tuân thủ 2 điều: Một là cần nghiêm ngặt trong xử lí cán bộ cho dù người đó ở cấp bậc gì. Hai là phải phục hồi được tài sản cho nhân dân.

- Qua các sự việc này, ông muốn nhắn nhủ điều gì?

Tôi cho rằng phải trị tận gốc. Chặt cây mà chỉ chặt mỗi ngọn, tỉa cành chứ chưa chặt tận gốc thì chưa được. Như thế tham nhũng còn lọt.

Xin cảm ơn ông! 

Minh Đức

Tin mới